Đại sứ Na Uy Grete Lochen, Quản lý chương trình của tỉnh Quảng Trị, kiêm Quản lý Đội rà phá bom mìn toàn nữ Nguyễn Diệu Linh (thứ 2 từ phải sang) và các đại diện của NPA tại một hội nghị về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam. (Ảnh: ĐSQ Na Uy tại Việt Nam) |
Đại sứ đã tới thăm Quảng Trị và gặp gỡ đội rà phá bom mìn toàn nữ đầu tiên ở Việt Nam. Đại sứ nghĩ như thế nào về công việc của họ?
Tôi đến thăm Quảng Trị năm 2019. Quảng Trị trước đây là khu phi quân sự chia cắt miền Bắc và miền Nam Việt Nam trong thời gian chiến tranh và đã trải qua những trận bom nặng nề nhất trong lịch sử thế giới. Tại đây, tôi gặp đội rà phá bom mìn toàn nữ đầu tiên của Việt Nam.
Hầu hết các thành viên trong đội tầm khoảng 30 tuổi hoặc hơn chút, những gương mặt trẻ trung, khiêm tốn nhưng đầy nhiệt huyết.
Thành viên nhỏ tuổi nhất khi đó là Tuyết Nhi - 25 tuổi. Mỗi người trong số họ đều có lý do riêng để chọn công việc “nguy hiểm” này. Song, hầu hết họ đều từng chứng kiến một người dân trong làng hoặc thậm chí người thân của mình bị chết hoặc bị thương do vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, đó là lý do thôi thúc họ góp phần giải phóng quê hương khỏi hậu quả bom mìn, bảo vệ gia đình và người dân địa phương.
Việc rà phá bom mìn, làm sạch đất để trả lại cho cộng đồng địa phương làm nông nghiệp, phát triển cơ sở hạ tầng và du lịch, đồng thời mở đường cho sự phát triển kinh tế và xã hội là việc làm vô cùng quan trọng để xóa đói, giảm nghèo và để đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).
Tôi nhận thấy, mọi thành viên rà phá bom mìn ở tỉnh Quảng Trị đều hiểu rõ tầm quan trọng của công việc họ đang làm.
Chúng ta hiện đang nói nhiều về bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực và hành động bom mìn không phải là ngoại lệ. Trong mọi nỗ lực xây dựng hòa bình, kể cả hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn, chúng ta không thể loại trừ phụ nữ - đại diện của một nửa dân số.
Từ những chia sẻ của các thành viên trong đội, tôi biết, ban đầu, không phải ai cũng được gia đình và người thân ủng hộ bởi đây là một nhiệm vụ nguy hiểm và họ phải ngày ngày đối mặt với tử thần.
Tuy nhiên, những phụ nữ mạnh mẽ này lại hiểu rõ hơn ai hết mong muốn của mình trong việc góp phần cho quê hương, cộng đồng và chính gia đình của họ.
Vì thế, tôi rất ngưỡng mộ những người phụ nữ này vì sự mạnh mẽ và quyết tâm của họ, trên hết là lòng dũng cảm dám vượt qua rào cản định kiến giới. Trên thực tế, họ đã và đang làm rất tốt công việc của mình, đôi khi còn tốt hơn cả các đồng nghiệp nam. Họ không phải là người bỏ cuộc.
Với những cô gái quả cảm và có tình yêu mãnh liệt với quê hương, Tổ quốc ấy, Đại sứ có những câu chuyện ấn tượng nào về họ?
Bản thân việc Việt Nam có đội rà phá bom mìn toàn nữ đầu tiên đã là điều gây ấn tượng rất mạnh với tôi và tôi nghĩ, với nhiều người Việt Nam cũng vậy.
Điều này đã phá vỡ cách nhìn cũ về việc bom mìn là lĩnh vực chỉ dành cho nam giới. Điều này chứng tỏ phụ nữ có thể làm bất cứ điều gì mà đàn ông có thể làm, với cùng chất lượng và hiệu quả công việc.
Tuy nhiên, điều mà tôi ấn tượng nhất phải kể tới Phiên thảo luận mở cấp Bộ trưởng tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) tháng 4/2021 với chủ đề “Khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hòa bình bền vững: Tăng cường gắn kết để hành động hiệu quả hơn”.
Năm 2021, cả Na Uy và Việt Nam đều là các thành viên không thường trực tại HĐBA và có chung nhiều vấn đề ưu tiên, trong đó có bảo vệ dân thường; phụ nữ, hòa bình và an ninh.
Nhiều nhà vận động và chuyên gia hàng đầu thế giới về rà phá bom mìn đã được mời phát biểu tại Phiên thảo luận. Trong số đó có Nguyễn Thị Diệu Linh, Quản lý chương trình của tỉnh Quảng Trị, kiêm Quản lý Đội rà phá bom mìn toàn nữ của Dự án RENEW tại Việt Nam.
Là người sinh ra và lớn lên ở Quảng Trị. Với sự tự tin và 12 năm kinh nghiệm thực tế trong hoạt động bom mìn, bài tham luận đầy cảm hứng của cô gái nhỏ bé Diệu Linh đã khiến cả khán phòng của HĐBA vỗ tay không dứt. Điều này rất hiếm khi xảy ra trong những phiên họp chính thức của HĐBA.
Na Uy đã tăng cường tài trợ cho hoạt động bom mìn tại Việt Nam từ năm 2020 thông qua NPA. (Ảnh: ĐSQ Na Uy tại Việt Nam) |
Đại sứ quán Na Uy đã và đang hỗ trợ các hoạt động về bom mìn ở Việt Nam như thế nào, thưa Đại sứ?
Có thể mọi người sẽ hỏi tại sao Na Uy lại tích cực hỗ trợ cho các nỗ lực phòng chống bom mìn như vậy?
Câu trả lời rất đơn giản: Xuất phát điểm của chúng tôi là sự cần thiết phải bảo vệ người dân khỏi tác động của các loại vũ khí chết người như bom mìn.
Vì vậy, ưu tiên của Na Uy là khuyến khích các nước tham gia Công ước về cấm bom chùm cũng như Hiệp ước cấm mìn sát thương. Chúng ta đều biết, dân thường, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ và trẻ em thường là nạn nhân chủ yếu của những loại vũ khí này, ngay cả nhiều năm sau khi xung đột kết thúc.
Na Uy đã hỗ trợ hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn trong 25 năm và chúng tôi hiện đang tài trợ cho hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn ở 20 quốc gia và khu vực. Na Uy là một trong 5 nhà tài trợ lớn nhất cho các nỗ lực rà phá bom mìn, cùng với Mỹ, Đức, EU và Nhật Bản.
Riêng năm 2021, Na Uy đã cung cấp ít nhất 300 triệu NOK (35 triệu USD) cho hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn toàn cầu. Bộ Ngoại giao Na Uy phối hợp trực tiếp với các tổ chức về rà phá bom mìn hàng đầu như NPA, MAG, Halo Trust. Họ có nhiều kinh nghiệm, hoạt động ở nhiều nước trên thế giới và đi đầu trong việc xây dựng các chuẩn mực quốc tế về khảo sát và rà phá bom mìn cho toàn ngành.
Chúng tôi rất vui khi thấy Tổ chức Viện trợ Nhân dân Na Uy (NPA) có mặt và hoạt động tại Việt Nam từ năm 2008 để hỗ trợ các nỗ lực khắc phục hậu quả bom mìn của Việt Nam. NPA là một trong ba tổ chức rà phá bom mìn nhân đạo lớn nhất thế giới, và là đối tác tin cậy của Chính phủ Na Uy trong khắc phục hậu quả bom mìn.
Tôi cũng vui mừng xác nhận rằng Na Uy đã tăng cường tài trợ cho hoạt động bom mìn tại Việt Nam từ năm 2020 thông qua NPA.
Đại sứ quán Na Uy đã và đang theo sát hành động của các cơ quan chức năng Việt Nam, đánh giá cao thiện chí của các cơ quan này trong việc phối hợp với các bên liên quan trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn trong nước cũng như quốc tế.
Đây là việc làm không chỉ mang ý nghĩa nhân đạo, mà còn góp phần đáng kể vào các mục tiêu SDGs. Khắc phục hậu quả bom mìn không chỉ là việc cần làm mà còn là việc làm thông minh. Tầm quan trọng của sự phục hồi kinh tế sau đại dịch đã nhấn mạnh thực tế này.
Về ý tưởng thành lập đội rà phá bom mìn toàn nữ đầu tiên của Việt Nam, Ông Jan Erik Stoa, Giám đốc Quốc gia của Tổ chức viện trợ nhân dân Na Uy (NPA) đánh giá: “Người ta thường nghĩ việc tháo gỡ bom mìn và các vật liệu nổ là việc làm của đàn ông. Ở Việt Nam, từ năm 2008, ngày càng nhiều phụ nữ được tập huấn để cùng với nam giới thực hiện công việc này. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cho rằng, muốn làm tốt không thể không có đàn ông. Đó là lý do NPA quyết định thành lập đội rà phá bom mìn toàn nữ tại Việt Nam năm 2018. Đội rà phá bom mìn toàn nữ thực hiện công việc giống hệt như các đội toàn nam và các đội kết hợp khác. Các quy trình kỹ thuật và phương tiện làm việc của các đội đều như nhau, không có sự khác biệt. Điều này đã làm thay đổi quan điểm của nhiều người khi tới thăm đội rà phá bom mìn toàn nữ, quan sát cũng như tận mắt chứng kiến những gì các cô gái đang làm, họ sẽ thấy phụ nữ có thể thực hiện được công việc này tốt và giỏi như nam giới. Điều chúng tôi muốn chứng minh ở đây là cả nam và nữ đều phù hợp như nhau cho công việc này". |