Đây là hoạt động tiếp nối buổi đào tạo về công tác thông tin đối ngoại, nằm trong khuôn khổ chương trình đào tạo kỹ năng chuyên môn dành cho thanh niên Bộ Ngoại giao.
Buổi đào tạo chuyên đề được tổ chức theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp với sự tham dự của ông Ngô Trịnh Hà, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về NVNONN cùng hơn 100 cán bộ trẻ Ngoại giao đến từ các đơn vị trong Bộ.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về NVNONN Ngô Trịnh Hà chia sẻ tại buổi đào tạo. (Ảnh: Cảnh Tiêu) |
Ông Ngô Trịnh Hà đã chia sẻ nhiều thông tin hữu ích về ý nghĩa của một bài báo cáo, yêu cầu về nội dung, hình thức, các bước trình bày, quy trình viết một bài báo cáo theo từng yêu cầu cụ thể nhằm giúp lãnh đạo có đầy đủ thông tin cũng như cách nhìn tổng quan hơn trước khi đưa ra quyết định chỉ đạo.
Theo ông Ngô Trịnh Hà, báo cáo là loại văn bản hành chính rất phong phú, nhằm mục đích trình bày, giải thích về các kết quả hoạt động,những ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và kiến nghị để từ đó tìm ra phương hướng giải quyết cho một vấn đề.
Việc rèn luyện kỹ năng viết báo cáo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và cần thiết, giúp cán bộ ngoại giao có thể kiểm tra, kiểm soát (định kỳ), phát hiện tồn tại, yếu kém trong những sự việc, sự kiện cụ thể, từ đó đưa ra những dự báo, kiến nghị giúp cơ quan, lãnh đạo đưa ra quyết định khách quan, chính xác hơn.
Để đánh giá một bản báo cáo có chất lượng cần phải dựa trên cả hai phương diện là nội dung và hình thức.
Về nội dung, báo cáo cần phải đúng với thực tế; có trọng tâm và cụ thể; nhận định đúng những ưu điểm và hạn chế; xác định đúng nguyên nhân của những thành công và hạn chế đó; chỉ ra những bài học kinh nghiệm xác đáng; xây dựng phương hướng, nhiệm vụ cho thời gian tới một cách mạch lạc và có căn cứ, phù hợp với điều kiện thời gian và nguồn lực thực tế, có tính khả thi cao.
Về hình thức, một bản báo cáo tốt phải được trình bày rõ ràng, không có lỗi kỹ thuật; sử dụng cách hành văn đơn giản, dễ hiểu, phù hợp với văn phong hành chính thông dụng. Vì thế, một bản báo cáo có chất lượng hay không phụ thuộc rất lớn vào bản thân người trực tiếp thực hiện viết báo cáo.
Tại buổi đào tạo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về VNVNONN cũng đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm thú vị về kỹ năng viết báo cáo, đặc biệt là tầm quan trọng của bước phân tích bối cảnh sự việc trước khi đưa ra những dự báo, kiến nghị nhằm giảm thiểu tối đa sai sót và bị động trong cách xử lý.
Cụ thể, khi viết báo cáo chuyên đề về một sự kiện cụ thể, việc mở rộng phạm vi phân tích về đối tượng, không gian và thời gian là điều cần thiết để có cái nhìn đa chiều, tổng quan nhất có thể. Điều này không chỉ có ích cho công việc của bản thân cán bộ mà còn đóng góp cho hoạt động đối ngoại chung của Bộ.
Toàn cảnh buổi đào tạo cho cán bộ trẻ của Ủy ban Nhà nước về NVNONN. (Ảnh: Cảnh Tiêu) |
Viết báo cáo là một trong những hoạt động không thể thiếu trong quá trình quản lý tại các tổ chức, doanh nghiệp và cơ quan công quyền. Ý nghĩa của các báo cáo nằm ở tính thông tin của nó đối với quá trình ra quyết định của các cơ quan, tổ chức.
Chính vì vậy, để có được một báo cáo tốt, người viết cần rèn luyện một số kỹ năng, bao gồm kỹ năng nghe hiểu và đánh giá đúng mục đích, yêu cầu của vấn đề cần báo cáo theo sự chỉ đạo của lãnh đạo; kỹ năng thu thập thông tin; kỹ năng phân tích và đánh giá thông tin; kỹ năng diễn đạt, đặc biệt là phần mở đầu; nắm chắc cơ sở pháp lý cho các kiến nghị.
Báo cáo là một loại văn bản đòi hỏi tính tỉ mỉ rất cao của người cán bộ. Với kinh nghiệm phong phú và kỹ năng chuyên môn được tích lũy qua nhiều năm công tác đối ngoại trong và ngoài nước, ông Ngô Trịnh Hà đã đưa ra nhiều lời khuyên hữu ích cho các cán bộ trẻ về kỹ năng quan trọng này.
| Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu đối thoại với thanh niên Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Mới đây, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu - Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) đã có buổi ... |
| Sáu yếu tố của nhà ngoại giao thế hệ Z Kỷ nguyên kỹ thuật số gắn liền với những đột phá về công nghệ, Internet, kỹ thuật số, thực tế ảo…, đã và đang thay ... |