📞

Dấu ấn văn hóa Việt Nam tại APEC 2017

10:00 | 05/11/2017
Đó là ấn tượng mà Việt Nam muốn để lại trong mắt bạn bè quốc tế thông qua những hoạt động quảng bá, giới thiệu văn hóa tại Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.

Không chỉ quan tâm đến những nội dung chính của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, những hoạt động giao lưu, giới thiệu văn hóa bên lề của sự kiện cũng được Việt Nam chuẩn bị chu đáo nhất để đón tiếp các vị khách quốc tế. Trong một chia sẻ gần đây với Báo chí, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái - Phó Trưởng tiểu ban Tuyên truyền và Văn hóa, Ủy ban Quốc gia APEC 2017 nhấn mạnh: “Tuần lễ cấp cao APEC 2017 là cơ hội lớn để quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc nhất của Việt Nam. Chúng ta cần giới thiệu đến bạn bè quốc tế về Việt Nam là một dân tộc thân thiện và hiếu khách, đồng thời cũng rất năng động, sáng tạo và sẵn sàng hội nhập với thế giới”.

Đại biểu tham dự APEC trong một chuyến đi thực địa tại Đà Nẵng.

Hương vị chủ nhà

Cách đây vài tuần, Tuần phim APEC Việt Nam 2017 đã diễn ra tại rạp Lê Độ ở thành phố Đà Nẵng. Với khẩu hiệu “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, sự kiện là cơ hội để giới thiệu văn hóa, cuộc sống, con người của các nền kinh tế thành viên APEC, qua đó góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tạo cơ sở mở rộng hợp tác kinh tế. Tại đây, khán giả đã được thưởng thức 11 bộ phim tiêu biểu đến từ Việt Nam, Peru, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Nga, Mỹ, Chile, Australia và Đài Bắc - Trung Hoa.

Dịp này, Cuộc thi ảnh APEC 2017 cũng đã được tổ chức dành cho các nhiếp ảnh gia chuyên và không chuyên của 21 nền kinh tế APEC. Năm nay, chủ đề cho cuộc thi tại Đà Nẵng là “Thương mại cho mọi người” (Trade for All), vinh danh các bức ảnh sáng tạo nhưng dựa trên hiện thực. Trong 10 tác giả được chọn vào vòng chung khảo, Việt Nam có ba tác giả là Trần Đình Thương (Phan Thiết), Trương Vinh (TP.HCM) và Kiều Anh Dũng (Bạc Liêu) với những tác phẩm mô tả đậm nét đời sống đương đại Việt Nam.

Có thể nói, hoạt động giới thiệu văn hóa tại APEC nhận được sự chăm chút của rất nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân dành cho các công việc từ vẽ tranh cổ động, sáng tạo mẫu logo, bộ nhận diện hình ảnh Năm APEC 2017, Vườn tượng APEC đến việc thiết kế trang phục cho lãnh đạo, tổ chức Gala Dinner, hay giao lưu nghệ thuật…

Đáng chú ý là Vườn tượng APEC được xây dựng nằm ở phía Tây cầu Rồng của thành phố Đà Nẵng, rộng hơn 3.000m2 - nơi trưng bày 21 tác phẩm nghệ thuật của  21 nền kinh tế APEC. Tại đây, tác phẩm điêu khắc đại diện cho Việt Nam mang tên “Khởi nguyên” được làm bằng đá granite nguyên khối cao 3m. Chia sẻ về tác phẩm tâm huyết của mình, nhà điêu khắc Lê Lạng Lương - giảng viên trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội cho biết, tác phẩm lấy ý tưởng từ sự hội tụ của những khối cây cổ thụ, biểu thị cho sự cộng hưởng sức mạnh đoàn kết.

Với Gala Dinner phục vụ các nhà lãnh đạo và đại biểu tại Tuần lễ cấp cao APEC 2017, Thứ trưởng  Huỳnh Vĩnh Ái cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã huy động sự tham gia của nghệ sĩ tên tuổi vào các tiết mục nghệ thuật đặc sắc, nhằm giới thiệu tinh hoa văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam. Cũng theo chỉ đạo của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, tiệc chiêu đãi và biểu diễn nghệ thuật cần mang dấu ấn Việt Nam, đảm bảo trọng thị, vừa thể hiện truyền thống vừa mang tính hiện đại.

Để phục vụ nhu cầu tìm kiếm thông tin du lịch của các vị khách quốc tế, Tổng cục Du lịch Việt Nam quyết định cung cấp 700 cuốn sách ảnh và 4.000 cuốn tài liệu hướng dẫn du lịch cho Trung tâm Báo chí APEC. Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cũng tổ chức triển lãm hơn 100 bức ảnh giới thiệu về Việt Nam tại nơi hội tụ hàng nghìn phóng viên và các cơ quan báo chí quốc tế.

Hội An, Đà Nẵng.

Đặc sản địa phương

APEC 2017 cũng là cơ hội quý để giới thiệu những đặc sản văn hóa của Quảng Nam nói chung và TP. Đà Nẵng nói riêng.

Mới đây, Quảng Nam đã tổ chức thành công chương trình tham quan phố cổ Hội An trong hai ngày (20-21/10) dành cho Bộ trưởng/Trưởng đoàn, Thứ trưởng/Phó Thống đốc ngân hàng, Phu nhân/Phu quân và các đại biểu Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC. Tỉnh còn phối hợp tổ chức các hoạt động như chương trình tham quan phố cổ Hội An (ngày 11/11) dành cho phu nhân, phu quân của các Trưởng đoàn cấp cao dự APEC 2017, giải golf cho các đại biểu dự Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC…

Đặc biệt, một vật phẩm mà tỉnh Quảng Nam lựa chọn làm tặng phẩm chung dành cho các đại biểu APEC là lồng đèn Hội An được các nghệ nhân vẽ bằng tay các hoạ tiết hoa sen-phố cổ Hội An và tà áo dài Việt Nam. Riêng tặng phẩm dành cho Phu quân/Phu nhân Lãnh đạo các nền kinh tế APEC là vòng tay trầm hương có mặt hình hoa sen khắc chữ Quảng Nam-Việt Nam và APEC 2017…

Đến Đà Nẵng vào thời gian này, đại biểu và du khách may mắn được thưởng thức chuỗi sự kiện văn hóa, giải trí dọc hai bờ sông Hàn. Trong khi chương trình Vũ hội đường phố (tại đường Trần Hưng Đạo) biểu diễn nhạc hơi kết hợp diễu hành khiêu vũ nghệ thuật trên đường phố với âm nhạc và trang phục đặc trưng của 21 nền kinh tế thành viên APEC, thì Chương trình Âm nhạc đường phố (tại vỉa hè số 144 Bạch Đằng) lại được xây dựng đa dạng về thể loại và có sự góp mặt của các ban nhạc rock nổi tiếng.

Cũng tại Đà Nẵng, bên cạnh những trích đoạn tuồng mẫu mực, các tiết mục múa, nhạc cụ dân tộc đặc sắc tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Bảo tàng Đà Nẵng cũng tổ chức Liên hoan các làng nghề truyền thống 2017 như đá mỹ nghệ, chạm khắc gỗ, đúc đồng, dệt chiếu, làm trống... Ngoài ra, Bảo tàng Điêu khắc Chăm sau thời gian nâng cấp, cải tạo, trùng tu cũng là một trong những công trình văn hóa độc đáo để giới thiệu đến bạn bè quốc tế tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC.

Theo ông Huỳnh Văn Hùng - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Đà Nẵng, ý thức được tầm quan trọng của sự kiện APEC 2017,

Đà Nẵng nỗ lực xây dựng và tổ chức các các hoạt động văn hóa, giải trí để góp phần tạo được ấn tượng tốt đẹp với lãnh đạo, quan khách tham dự APEC.