Dư luận gần đây rất phiền lòng, lên án hành vi trái pháp luật và đạo đức xã hội sau vụ cà phê trộn pin tại tỉnh Đắk Nông. Trước đó, một vụ việc khác cũng chấn động không kém, đó là thuốc trị ung thư bằng bột than tre bị phát giác.
Có thể nói, đây là việc làm đầy toan tính nhằm kiếm tiền phi pháp, bỏ qua hậu quả cho người tiêu dùng và hậu quả pháp lý cho chính bản thân họ. Điều đau đớn nhất chính là sự băng hoại đạo đức cá nhân, chà đạp luật pháp và luân lý xã hội.
Thực ra, không phải bây giờ người tiêu dùng mới hoang mang và đứng ngồi không yên với thực phẩm bẩn. Nhưng điều đáng nói, dường như người dân đang bất lực trước thực trạng hàng nhái, hàng giả "bủa vây" trên thị trường hiện nay.
Sau nhiều sự việc thực phẩm bẩn bị phát giác thời gian qua, người dân vô cùng nao núng về việc sử dụng, tiêu thụ thực phẩm. Mặc dù nhiều biện pháp đã được nêu ra trong Nghị quyết giám sát tối cao của Quốc hội về an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, đến nay tình hình vẫn còn dấu hiệu vi phạm tại nhiều nơi trong cả nước, ở nhiều dạng thức nguy hiểm từ đồ ăn, thức uống đến thuốc chữa bệnh. Không phải ai khác, người dân là đối tượng chịu trận và chưa nhận được sự bảo vệ cần thiết và thích đáng.
Thực phẩm bẩn bủa vây người tiêu dùng. (Nguồn: Tuổi trẻ) |
Theo tôi, trước tiên, người dân có quyền đòi công bằng cho mình. Họ cũng có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thực hiện các biện pháp bảo đảm công bằng. Ví dụ, yêu cầu tòa án, cơ quan điều tra, Hiệp hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giúp đỡ, nhờ sự trợ giúp của luật sư, trợ giúp pháp lý…
Tình trạng sản xuất và kinh doanh thực phẩm bẩn, thuốc giả,... như hiện nay chính là đầu độc người tiêu dùng, là hành vi nguy hiểm. Vì vậy, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan điều tra nhằm giám định tính chất, mức độ thiệt hại, nguy hiểm của hành vi đó và vận dụng pháp luật cho phù hợp.
Muốn răn đe hiệu quả, tôi nghĩ, cần vận dụng nhiều giải pháp. Trong đó, cần đề cao tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao ý thức pháp luật. Cùng với đó, cần nâng cao ý thức tôn trọng cộng đồng, tôn trọng và bảo vệ quyền con người. Mỗi người cần phải hiểu và có trách nhiệm với đồng loại, họ hàng, gia tộc, gia đình, bản thân. Từ đó, mỗi cá nhân mới có hành động đúng đắn theo pháp luật, phù hợp với đạo đức xã hội.
Đối với các hành vi sai phạm rõ ràng cần áp dụng các biện pháp xử lý về mặt kinh tế như yêu cầu bồi thường, xử phạt về kinh tế, tịch thu tang vật, tài sản, tiền bạc có được do vi phạm, xử phạt hành chính, xử lý kỷ luật. Các hành vi phạm tội cần xử lý thật nghiêm theo Bộ luật hình sự và công bố rộng rãi trên phương tiện truyền thông…
Cái gốc của hành vi xấu, bên trong là đạo đức xã hội, đạo dức kinh doanh, bên ngoài là sự thúc đẩy của lợi nhuận, tiền bạc, sự trợ giúp của kẻ xấu… Vì vậy, muốn chống tận gốc phải xây dựng một xã hội sống có luân lý, kinh doanh có đạo đức, tôn trọng và thực hiện đúng pháp luật, đừng vì hám lợi cá nhân, hám lợi trước mắt mà hại người, hại mình. Nhà nước, với tư cách người quản lý, cần siết chặt kỷ cương pháp luật, đồng thời, cần tăng cường trách nhiệm người đứng đầu ngành, địa phương trong công tác quản lý.
Từ góc độ cá nhân, ở ngay trong gia đình, chúng tôi thường sử dụng sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Trong trường hợp không hiểu rõ thì hỏi ý kiến tư vấn của người có kinh nghiệm và các nhà chuyên môn.
Lưu Bình Nhưỡng
(Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội)