Theo bà Đinh Thị Như Hoa, trẻ em cần được trang bị kỹ năng số để trở thành công dân số có trách nhiệm và để không bị lạc trên không gian mạng. |
Đó là quan điểm của bà Đinh Thị Như Hoa, Trưởng phòng Kiểm định, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC), Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông liên quan đến việc giáo dục kỹ năng số cho trẻ em.
Trong cuộc chuyển đổi số hiện nay, trẻ em ngày càng tiếp cận nhiều với mạng xã hội. Những cạm bẫy, rủi ro trên không gian mạng không khác gì đời thực. Điều này đáng lo ngại thế nào?
Trẻ em trên thế giới nói chung và trẻ em Việt Nam nói riêng đã được tiếp cận với Internet từ rất sớm. Trong đại dịch Covid-19 vừa qua, gần như hoạt động của mọi người thông qua các hình thức trao đổi thông tin trực tuyến.
Trẻ em sử dụng Internet hay mạng xã hội để phục vụ nhu cầu học tập, giải trí kết nối bạn bè trên Internet ngày càng gia tăng.
Trẻ em có độ tuổi càng lớn thì các nhu cầu sử dụng Internet cả về thời lượng và mục đích ngày càng cao.
Theo Báo cáo hiện trạng về Ngăn chặn hành vi gây tổn hại ở Việt Nam của Tổ chức UNICEF công bố vào ngày 03/08/2022 vừa qua, 82% trẻ em Việt Nam trong độ tuổi 12-13 tuổi có sử dụng Internet. Con số này tăng lên 93% đối với trẻ từ 14-15 tuổi. 75% trẻ trong độ tuổi từ 12-13 tuổi sử dụng ít nhất 1 lần/ngày và con số này tăng lên đáng kể đối với trẻ từ 14-15 tuổi, 90% trẻ trong độ tuổi này sử dụng Internet hàng ngày.
Việc sử dụng internet ngày càng gia tăng đối với trẻ em. Trẻ em là đối tượng chưa có đầy đủ nhận thức nên dễ gặp các rủi ro, nguy cơ khi hoạt động trên không gian mạng càng lớn và gây ra nhiều hậu quả khôn lường.
Có thể kể ra những nguy cơ như trẻ tiếp cận với những nội dung độc hại (bạo lực, khiêu dâm…) làm lệch lạch suy nghĩ, lối sống, sự phát triển. Phát tán thông tin riêng tư, thông tin cá nhân của trẻ, bị bắt nạt trực tuyến.
Đồng thời, trẻ sử dụng Internet quá mức dẫn đến nghiện game. Nhiều trường hợp từ nghiện game đã trở thành tội phạm do trộm cắp, lừa đảo, thậm chí có những hành động tiêu cực do ảo giác từ các nhân vật trong game.
Ngoài ra, trẻ cũng dễ bị lôi kéo, dụ dỗ, quấy rối, lừa đảo, dọa nạt, tống tiền, ép tham gia các hoạt động phi pháp, mại dâm, bị xâm hại tình dục.
Như vậy, có thể thấy rằng mạng ảo, hậu quả thật là vấn đề rất phổ biến và chúng ta thường gặp hiện nay.
Bên cạnh việc trang bị những kiến thức, kỹ năng cho trẻ để không bị “lạc” trên không gian mạng thì các cơ quan chức năng cần có những giải pháp cụ thể gì để bảo vệ trẻ?
Để có thể giảm thiểu tình trạng xâm hại trẻ em trên môi trường mạng cần phải có sự triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Cụ thể như trong quyết định 830/QĐ- Ttg đã đề cập 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần chú trọng triển khai trong công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Theo báo cáo năm 2019 của Kaspersky Safe Kids, trẻ em ở khu vực ASEAN hiện nay sử dụng Internet ngày càng nhiều để xem video và nghe nhạc cũng như tải phần mềm, và giảm dần việc nhắn tin trên mạng. Nhiều bạn trẻ trong khu vực sử dụng web để xem các bộ phim truyền hình dài tập yêu thích như Game of Thrones và các bộ phim như Avengers. Dựa vào kết quả báo cáo năm 2018 và 2019, tốc độ tăng trưởng hai con số về số lượng trẻ em sử dụng Internet để truy cập các website phần mềm, nghe nhạc và xem phim đều được ghi nhận tại Indonesia (38,72% tăng lên 60,33%), Philippines (25,41% tăng lên 49,12%), Singapore (25,03% tăng lên 42,32%), Thái Lan (11,28% tăng lên 37,23%), Việt Nam (27,11% tăng lên 50,14%). Duy chỉ có Malaysia ghi nhận con số giảm nhẹ từ 60,08% xuống còn 51,15%. |
Thứ nhất, xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý với việc đặt trẻ làm trung tâm trong việc xây dựng chính sách, lấy ý kiến của trẻ về cơ chế và chính sách tác động đến trẻ.
Thứ hai, tổ chức các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng ở quy mô quốc gia. Việc nâng cao nhận thức được thể hiện thông qua chương trình giáo dục các nội dung trang bị kiến thức về môi trường mạng cho trẻ em.
Khuyến khích cha mẹ, người chăm sóc trẻ, giáo viên cập nhật các kiến thức, phương pháp hướng dẫn trẻ các kỹ năng tự bảo vệ mình, có khả năng tự phát hiện và tố cáo các hành vi có nguy cơ xâm hại khi tham gia trên môi trường mạng.
Thứ ba, triển khai các biện pháp, giải pháp kỹ thuật, ứng dụng công nghệ. Qua đó nhằm kết nối, chia sẻ dữ liệu, thu thập, phân tích thông tin, giám sát việc tuân thủ chặn lọc, gỡ bỏ các nội dung xâm hại trẻ trên môi trường mạng.
Thứ tư, hoàn thiện cơ cấu tổ chức, nâng cao năng lực thực thi pháp luật. Hoàn thiện cơ cấu tổ chức đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ để đáp ứng các yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ, kịp thời ứng phó với các vấn đề liên quan đến trẻ em trên môi trường mạng.
Thứ năm, tăng cường hợp tác quốc tế.
Hiện nay, với việc kết nối của Internet thì tăng cường quan hệ quốc tế là vấn đề tất yếu khi chia sẻ thông tin, cập nhật các giải pháp để các quốc gia cùng nhau hỗ trợ bảo vệ trẻ em khi sử dụng Internet.
Công nghệ ngày càng phát triển, thủ đoạn xâm hại trẻ ngày càng tinh vi. Do đó, chúng ta cũng phải cập nhật mới các biện pháp bảo vệ hỗ trợ trẻ tương ứng với 5 nhóm nhiệm vụ trên. Tôi hy vọng, mục tiêu bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng sẽ phát huy hiệu quả nhất định.
Trẻ em có thể vô tình đọc những thông tin tiêu cực trên Internet. (Nguồn: Pixabay) |
Mạng xã hội còn là mảnh đất "màu mỡ" để nhiều đối tượng lợi dụng truyền bá tư tưởng độc hại, tác động xấu đến nhận thức của trẻ em. Cha mẹ cần phải học gì, làm gì để bảo vệ con khi mà không phải bậc phụ huynh nào cũng giỏi công nghệ và dành nhiều thời gian cho con?
Bên cạnh sự vào cuộc của Nhà nước, Chính phủ, để hỗ trợ, đồng hành trẻ em làm việc, học tập tại nhà an toàn, sự quan tâm của các bậc phụ huynh đóng vai trò then chốt trong việc đảm bảo an toàn cho trẻ.
Đối với cha mẹ, thầy cô, người chăm sóc trẻ cần lưu ý đồng hành bảo vệ, lắng nghe, che chở khi trẻ gặp bất kỳ sự khó khăn nào. Hướng dẫn con trẻ cách xử lý tình huống gặp phải phù hợp với độ tuổi. Luôn chú ý, theo dõi, giám sát hoạt động của con trẻ khi tham gia không gian mạng.
Một số biện pháp các bậc phụ huynh có thể tham khảo một số lưu ý như tự trang bị các kiến thức, kỹ năng để bảo vệ con cái mình khi tham gia môi trường mạng. Cục ATTT đang phối hợp với một số tổ chức xây dựng bộ quy tắc ứng ứng xử về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng mạng và bộ cẩm nang về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và sẽ ban hành trong năm nay. Cha mẹ cũng có thể vào trang web bvte của Trung tâm VNCERT - Cục ATTT để có thêm thông tin.
Cũng cần thiết lập các quy tắc về việc sử dụng máy tính, thiết bị mạng cho con cái mình. Với mỗi độ tuổi thì quy tắc khác nhau, ví dụ đối với trẻ còn nhỏ thì không nên cho bé sử dụng máy tính một mình. Chỉ cho trẻ sử dụng mạng xã hội khi trẻ đủ tuổi sử dụng theo khuyến cáo nguyên tắc cộng động của các nền tảng mạng xã hội. Lưu ý thông thường độ tuổi cho phép là 13.
Luôn quan tâm, sát sao với những nội dung trên mạng mà con cái đang tiếp cận trên không gian mạng. Trang bị các giải pháp bảo vệ an toàn thông tin cho gia đình như các phần mềm phòng chống mã độc, virus, các giải pháp chặn lọc thông tin xấu, sản phẩm giám sát và ngăn chặn các thông tin độc hại khi con em truy cập.
Hiện nay, một số các công ty phần mềm lớn cũng đã ra mắt các giải pháp hỗ trợ cha mẹ đảm bảo an toàn thông tin cho các con khi tham gia Internet như: Family Link của Google; Kapersky safe kids…
Cha mẹ cũng hướng dẫn con nhận biết rủi ro và báo cáo, tìm sự trợ giúp. Khi trẻ gặp vấn đề trên môi trường mạng có thể liên hệ tổng đài 111 hoặc mạng lưới VN-COP tại website https://vn-cop.vn/ (mục Báo cáo xâm hại).
Thiết lập mật khẩu phức tạp cho các tài khoản truy cập, thay đổi các tài khoản mặc định trên các thiết bị mạng, thiết bị IoT trong gia đình.
Đặc biệt, cần quan tâm nhiều hơn đến cảm xúc của con cái. Việc không được tham gia các hoạt động ngoài trời dễ dẫn đến việc trẻ nhỏ tìm đến các nội dung giải trí trên mạng. Nhiều trong số đó là các nội dung không lành mạnh. Do đó, các bậc phụ huynh nên tìm hiểu các chương trình học trực tuyến bổ ích, phù hợp và hấp dẫn để thu hút trẻ nhỏ.
Chúng ta tập trung vào việc giáo dục trẻ em, để trẻ em trở thành những công dân số có trách nhiệm?
Bức tranh đại dịch Covid-19 diễn ra phức tạp thời gian vừa qua, dù có những thời điểm lockout gần như toàn bộ hoạt động thực tiễn, nhưng không có nghĩa là chúng ta dừng mọi hoạt động. Chúng ta chuyển dịch các hoạt động hằng ngày trên môi trường thực chuyển sang môi trường số. Trẻ em thay vì đến trường đi học thì chuyển sang mô hình học tập, giảng dạy online. Người lớn thì chuyển sang các mô hình làm việc online, làm việc từ xa...
Trong môi trường như vậy, người có năng lực số tốt đóng vai trò quan trọng được xem là yếu tố sống còn để đạt đến thành công trong học tập, nghiên cứu và phát triển sự nghiệp. Để trở thành một công dân số có trách nhiệm mỗi cá nhân cần phải được trang bị năng lực số.
Đối với học sinh, việc trang bị năng lực số là vô cùng quan trọng trong thời đại số. Chúng ta cần trang bị năng lực số phù hợp với từng lứa tuổi và nên bắt đầu ngay từ bậc tiểu học. Năng lực này thuộc nhóm cần có sự rèn luyện, dần hình thành và phát triển qua quá trình giáo dục, sự định hướng của gia đình và tại nơi em sống, để có thể biết tự chủ và tự học các kiến thức, kỹ năng khác trong môi trường số.
Từ đó, phát triển kỹ năng giao tiếp và sử dụng môi trường số cũng như khả năng giải quyết các vấn đề tại môi trường này qua những cách khác nhau. Việc triển khai giáo dục năng lực số không những chỉ tập trung vào môn tin học mà còn trong các môn học khác và trong các hoạt động học tập.
Để nâng cao năng lực số cho học sinh, theo tôi không chỉ đào tạo cho một đối tượng là học sinh mà cũng cần phát triển năng lực số cho giáo viên. Đồng thời, tăng cường nhận thức cho cả gia đình và cộng đồng để hình thành môi trường lý trưởng để trẻ nâng cao năng lực số.
Xin cảm ơn bà!
Ngày 1/6/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký quyết định phê duyệt Chương trình Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một chương trình ở cấp quốc gia về riêng vấn đề bảo vệ trẻ em an toàn trên môi trường mạng. |
| PGS. TS. Chu Cẩm Thơ: Khi chọn nghề, người trẻ đừng sa đà vào 'tin hot' về mức lương mà thiếu thấu hiểu bản thân PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Trưởng Ban Nghiên cứu - Đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nêu quan điểm, nhiều người ... |
| GS. TS. Trần Thị Lý: Việt Nam có thể phát huy khả năng 'xuất khẩu' giáo dục Theo nhà khoa học, GS. TS. Trần Thị Lý, Việt Nam hoàn toàn có thể phát huy khả năng quốc tế hóa giáo dục thay ... |
| TS. Trịnh Lê Anh: Cần đầu tư xứng tầm để du lịch MICE trở thành 'đặc sản' của Việt Nam Muốn du lịch MICE thực sự trở thành “đặc sản” của du lịch Việt Nam, các địa phương, từng doanh nghiệp, từng điểm đến cần ... |
| Ths. Đinh Văn Thịnh: Người trẻ phải 'làm mới mình' để không chênh vênh trong thị trường việc làm đầy biến động Đề cập thực trạng nhiều người tốt nghiệp đại học chưa tìm được việc làm, Thạc sĩ tâm lý Đinh Văn Thịnh, Phó giám đốc ... |
| TS. Bùi Phương Việt Anh: Giáo dục cần tự chủ hơn nữa để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế Các cơ sở giáo dục cần tham mưu để tự chủ hơn nữa trong xây dựng chương tình đào tạo thực chất, tránh hình thức ... |