TS. Bùi Phương Việt Anh nêu quan điểm, để nâng năng lực cạnh tranh trong khu vực ASEAN cũng như thị trường quốc tế, các cơ sở giáo dục cần tự chủ hơn nữa. (Ảnh: NVCC) |
Đó là quan điểm của chuyên gia giáo dục, TS. Bùi Phương Việt Anh, Chủ tịch, Tổng giám đốc Tổ chức giáo dục EAS Việt Nam liên quan đến các xu hướng giáo dục hiện nay.
Ông có thể chia sẻ những xu hướng giáo dục hiện nay?
Kỷ nguyên của cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay đã và đang đặt ra những thách thức cho toàn cầu cũng như mỗi quốc gia hay nền kinh tế trong việc hội nhập và cạnh tranh phát triển.
Trong cuộc cạnh tranh đó, một lĩnh vực cũng chịu tác động không hề nhỏ, đó là giáo dục. Bởi đây được coi là "chìa khóa" của nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho hoạt động xây dựng và phát triển mỗi quốc gia, mỗi nền kinh tế, thậm chí đến từng tổ chức hay doanh nghiệp.
Trong khi đó, hệ thống chính trị của các quốc gia đã có nhiều thay đổi để thích ứng với hoàn cảnh chính trị toàn cầu, đặt ra nhiệm vụ thay đổi cho hệ thống giáo dục dẫn đến các xu hướng giáo dục đa dạng như hiện nay.
Theo nghiên cứu của chúng tôi, hiện đang tồn tại một số xu hướng giáo dục như sau:
Về mặt học thuật, có 5 xu hướng giáo dục: Một là, giáo dục chủ quan lấy người thầy làm trung tâm. Hai là, giáo dục khách quan lấy người học làm trung tâm. Ba là, giáo dục khai sáng lấy tri thức và phương pháp làm trung tâm.
Bốn là, giáo dục năng lực tự chủ lấy công cụ và hình thức học làm trung tâm. Năm là, giáo dục năng lực thích ứng lấy năng lực chuyển hoá và tổng thể làm trung tâm.
Trong đó, tại Việt Nam và Nhật Bản đang lấy người học làm trung tâm (xu hướng thứ 2). Tại Trung Quốc đang áp dụng song song xu hướng giáo dục (2) và (3).
Tại Mỹ, họ chọn xu hướng (4), là xu hướng hình thành các trường phái giáo dục STEAM mà chúng ta thấy bắt đầu du nhập vào Việt Nam những năm gần đây. Hàn Quốc và Singapore đang ở thời kỳ thoái trào của xu hướng (2) và bắt đầu sang xu hướng (3).
Có thể nói, việc khủng hoảng học thuật trên phạm vi toàn cầu càng làm sâu sắc hơn sự khác biệt trong các xu thế giáo dục giữa các châu lục, thậm chí giữa các quốc gia với nhau. Điều này cũng kéo theo sự chênh lệch về chất lượng nguồn nhân lực được đào tạo ra, góp phần vào định hình nền văn hoá xã hội của châu lục và quốc gia đó.
Vậy thách thức lớn nhất của giáo dục Việt Nam nói riêng và giáo dục các nước ASEAN nói chung theo ông là gì?
Như tôi đã phân tích ở trên, Việt Nam đang thịnh hành xu hướng giáo dục lấy người học làm trung tâm. Điều đó đồng nghĩa với việc vẫn lấy sức người, trí tuệ của người thầy làm đòn bẩy học thuật, dẫn đến kết quả đào tạo và chất lượng nguồn nhân lực hạn chế hơn rất nhiều.
Mặc dù đã khắc phục được một số hạn chế của xu hướng giáo dục chủ quan nhưng chúng ta vẫn chưa thực sự làm chủ được xu hướng lấy học trò làm trọng tâm này. Kết quả là chúng ta hội nhập với thế giới một cách "chật vật".
Đồng thời, nguồn nhân lực được đào tạo ra có sức cạnh tranh trên thị trường lao động yếu hơn các quốc gia khác như Malaysia (đang áp dụng thành công xu hướng 3).
Bởi vậy, thách thức đối với giáo dục ASEAN nói chung, Việt Nam nói riêng vẫn là chuyển đổi xu hướng và mô hình quản trị để thúc đẩy việc chuyển đổi số đạt hiệu quả và nhân lực được đào tạo ra có tỉ lệ "mù" chức năng ở mức thấp.
Đây là thách thức lớn mà ngành giáo dục của các quốc gia ASEAN phải đối mặt. Qua đó, thúc đẩy cải cách giáo dục áp dụng chuyển đổi số hiệu quả cho giáo dục, đồng thời, nâng cao năng lực hội nhập cho hệ thống giáo dục cũng như các cơ sở đào tạo và nguồn nhân lực đạt mức cạnh tranh quốc tế cao.
Bên cạnh đó, các quốc gia cần tạo ra được hệ thống giáo dục mở liên thông và liên kết khu vực đủ mạnh để hỗ trợ và thống nhất để cùng phát triển và hội nhập. Tránh tình trạng mạnh nước nào nước ấy đi, khiến nguồn nhân lực mất cân đối vùng và quốc gia.
Mô hình giáo dục theo nghiên cứu của TS. Bùi Phương Việt Anh. (Ảnh: NVCC) |
Việc trở thành công dân số đúng nghĩa ngày càng trở nên cần thiết. Nhưng lực cản đối với các bạn trẻ hiện nay là gì, thưa ông?
Khi các xu thế giáo dục được sử dụng thành công, chuyển đổi số giáo dục mang một ý nghĩa quyết định. Các cơ sở giáo dục cũng như học sinh cần nhận thức đầy đủ của việc xóa mù chức năng để nguồn nhân lực được đào tạo ra đảm bảo hội nhập thành công. Từ đó, mỗi công dân cần phải trở thành một công dân số đúng nghĩa là yêu cầu mang tính thời đại.
Tuy nhiên, để đạt được yêu cầu này, bên cạnh các chính sách của Chính phủ, sự nỗ lực của các cơ sở giáo dục, mỗi công dân tham gia học tập cần phải vượt qua được các rào cản như:
Thứ nhất, năng tự chủ hành vi và tư duy cần phải đảm bảo tính mở, linh hoạt và tinh thần kiên định trước khó khăn, tránh tư tưởng “ăn xổi ở thì” và sự lười biếng thực dụng len lỏi vào ý nghĩ của các thế hệ trẻ hiện nay.
Thứ hai, việc tiếp cận với ngoại ngữ là một rào cản nghiêm trọng mà công dân các quốc gia theo xu hướng thứ hai đang phải trả giá, tức là khả năng ngoại ngữ kém, điều này cản trở hội nhập và nghiên cứu tự thân bị hạn chế.
Thứ ba, mô hình giáo dục chưa thực sự thu hút được người học để tạo hứng thú cũng như có phương pháp tiếp cận hiệu quả.
Thứ tư, việc sử dụng Internet tràn lan nhưng không có định hướng tốt dẫn đến nhận thức sai lệch, gây nhiều hệ lụy với phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt triệt tiêu sự sáng tạo và tự thân của giới trẻ. Điều này xảy ra ở hầu khắp mọi quốc gia từ nước phát triển như Nhật Bản, Singapore, chứ không phải chỉ với riêng Việt Nam.
Những năm gần đây, giáo dục hòa nhập, giáo dục cảm xúc… được đề cập khá nhiều. Góc nhìn của ông để có một nền giáo dục bền vững?
Cần phải nhìn nhận một cách công tâm, việc đưa giáo dục hòa nhập trong khu vực ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn chưa thực sự hiệu quả.
Theo tôi, hệ thống giáo dục ở mỗi nước cần cải tiến để không phải đi “vá" những lỗ hổng. Bởi vậy, để có một nền giáo dục bền vững, Việt Nam cần phải thực hiện được một số nhiệm vụ:
Minh bạch hóa giáo dục, dẫn đến tự chủ giáo dục đúng với bản chất của mô hình kinh tế các quốc gia đang áp dụng, điều đó mới hạn chế được các lực cản cho giáo dục.
Thêm vào đó, cần sự hợp tác giữa các quốc gia cả về văn hóa và giáo dục để gắn kết học thuật cho cả khối trước khi liên thông học thuật, mở ra một hệ sinh thái giáo dục và công nghệ trong khối ASEAN cũng như trong mỗi quốc gia.
Hợp tác đó giúp mở ra cơ hội trao đổi học thuật, làm chương trình đào tạo, hỗ trợ phát hành tài liệu cho hoạt động nghiên cứu và giảng dạy, làm nền tảng cho chuẩn mực đào tạo và kiểm định chất lượng. Từ đấy, đảm bảo chất lượng dịch vụ giáo dục cao nhất và tất nhiên nguồn nhân lực sẽ có sức sống mãnh liệt hơn.
Công việc hiện nay đòi hỏi những kỹ năng quan trọng như giải quyết vấn đề, tư duy phản biện... Do vậy, các nhà trường cần thiết phải xây dựng chương trình thế nào để các bạn trẻ không bị “lạc” trong nghề nghiệp tương lai?
Khi một quốc gia theo xu hướng giáo dục khách quan và giáo dục khai sáng chứ chưa nói tới giáo dục thích ứng thì nền giáo dục ấy đã tạo ra một nhân lực có tư duy, hành vi và chuyên môn đảm bảo tính tương thích toàn cầu.
Chúng ta đừng nghĩ có vài công ty công nghệ hay chương trình chuyển đổi số giáo dục với các phần mềm thì chúng ta đã vươn tới tri thức.
Các cơ sở đào tạo cần phải xây dựng cho được văn hóa giáo dục, văn hóa nhà trường, văn hóa đại học… để từ đó nhà trường nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng, nhiệm vụ cho việc thích ứng với yêu cầu của hội nhập chứ không chỉ lệ thuộc vào người thầy.
Thứ hai, các cơ sở giáo dục cần tham mưu để tự chủ hơn nữa trong xây dựng chương tình đào tạo thực chất, tránh hình thức và học thuật hàn lâm quá (trừ lĩnh vực thực sự cần hàn lâm nghiên cứu) cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của trường thay vì chỉ quan tâm đến nâng cao học phí. Qua đó để nâng cao tính cạnh tranh trong khu vực ASEAN cũng như trên thế giới.
Cần phải phối hợp giữa các nhà tuyển dụng, nhà chính sách, nhà trường và gia đình trong việc định hướng thực chất để các bạn trẻ lựa chọn được đúng nghề và nơi đào tạo, đó cũng là thành công chung của cả hệ thống.
Là một chuyên gia tuyển dụng, ông sẽ tìm kiếm điều gì ở ứng viên?
Là người tuyển dụng cũng là chuyên gia đào tạo, chúng tôi tìm kiếm nhân sự có thể chất tốt, thái độ tích cực và sự cầu tiến ham học hỏi.
Chúng ta biết rằng, những điều này tưởng đơn giản nhưng thực ra rất khó vì mọi người cứ đổ lỗi nào là mặt trái cơ chế, nào là giáo dục lạc hậu... nhưng quên mất một điều, nếu một đứa trẻ không được nuôi dưỡng tốt về thể chất thì việc nạp nhiều trí tuệ vào nó cũng khó đi được đường dài.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng rất muốn chào đón những ứng viên thực tế và biết điều, còn những cái khác chúng tôi hoàn toàn có thể tạo ra được nên không quan trọng.
Xin cảm ơn ông!
Ông Bùi Phương Việt Anh hiện là Chủ tịch, Tổng giám đốc Tổ chức giáo dục EAS Việt Nam, tác giả của Học thuyết Kinh tế tổng thể và Chuẩn nhân lực quốc tế (EAS IHHRM G23.0). Tốt nghiệp Thạc sĩ tại Đại học Victoria (Australia), nghiên cứu Tiến sĩ Quản trị chiến lược tại Đại học Horizons (Pháp), ông Việt Anh cũng được biết đến như một nhà quản trị thực tế. Là chuyên gia tư vấn và đào tạo lãnh đạo cấp cao quốc tế, ông Bùi Phương Việt Anh mong muốn dẫn dắt giới trẻ đến với giáo dục tiên tiến nhất thế giới ngay tại Việt Nam. |
| Hà Nội dự kiến đầu tư 21 nghìn tỷ đồng cho giáo dục Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, tổng mức đầu tư trong giai đoạn trung hạn sắp tới cho giáo ... |
| Nhiều bạn trẻ giỏi chuyên môn nhưng thất bại ở thị trường quốc tế, vì đâu? TS. Lê Hoàng Quỳnh, 1 trong 10 gương mặt được vinh danh giải thưởng khoa học công nghệ Quả cầu vàng 2021 chia sẻ, nhiều ... |