Một thông điệp được lưu truyền trên Facebook ở Việt Nam. |
Từ lâu, Việt Nam, một quốc gia nhỏ bé nằm ở khu vực Đông Nam Á, luôn chỉ được coi là quốc gia “nghèo”. Tuy nhiên, trong khi đại dịch Covid-19 đang quét qua toàn cầu như một cơn lũ khủng khiếp, Việt Nam lại vẫn vững vàng. Tất cả là nhờ một chiến lược phòng chống dịch với chi phí thấp nhưng lại vô cùng hiệu quả.
“Ở nhà là yêu nước”
Khẩu hiệu này chính phủ Việt Nam được tuyên truyền trên mọi phương tiện công chúng, thậm chí là cả mạng xã hội. Nó cũng giống hashtag #restezchezvous (hãy ở nhà bạn), như một lời khuyên cáo của các nhân viên y tế Pháp tới công chúng, nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân.
Theo Worldometers, đến ngày 1/4, Pháp đã ghi nhận 52.128 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 3.523 ca tử vong. |
Trước khi virus corona chủng mới tràn tới các quốc gia “giàu có” như Mỹ hay Pháp, nhiều người sẽ cho rằng, Việt Nam – quốc gia mà nhiều khách du lịch gọi là “đất nước nghèo với hình ảnh những đứa trẻ ngồi trên lưng trâu” – dễ bị “vỡ trận” do khoảng cách địa lý gần với Trung Quốc - nơi đại dịch xuất phát.
Thế nhưng, thực tế không hề vậy. Tính đến ngày 1/4, Việt Nam đã ghi nhận 212 ca nhiễm Covid-19, phần lớn bệnh nhân là những người nước ngoài hoặc từ nước ngoài trở về và con số này chỉ bằng 0,4% số ca nhiễm ở Pháp. Trong khi đó, Việt Nam là một trong những quốc gia đông dân và có mật độ dân số dày đặc nhất ASEAN với 94 triệu dân.
Bài học từ những “con rồng châu Á”
Các quốc gia và vùng lãnh thổ phát triển khác tại châu Á cũng đã có những thành công nhất định trong việc phòng chống dịch Covid-19 như Singapore, Hàn Quốc,...
Đối với Hàn Quốc, đó là bài toán xét nghiệm hàng loạt với 338.000 trường hợp. Tuy nhiên, Hàn Quốc là một quốc gia phát triển với năng lực sản xuất đáng kể. Tại châu Âu, Đức đã tuyên bố sẽ thực hiện 300.000 xét nghiệm Covid-19 mỗi ngày.
Mặt khác, với Việt Nam, tính đến ngày 1/4 , Việt Nam đã xét nghiệm tổng cộng 35.808 mẫu. Tờ Financial Times đã gọi đây là chiến lược phòng chống dịch “chi phí thấp”. Đổi lại, đây cũng là một chiến lược khá khó chịu khi khó có thể tìm ra được tất cả các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Tuy nhiên, đây là chiến lược đã được chứng minh là rất thành công khi Việt Nam đương đầu với dịch bệnh SARS cách đây 17 năm và ngăn ngừa dịch lây lan từ giai đoạn rất sớm, với 63 ca nhiễm và 5 ca tử vong. Nhưng nghịch lý thay, dịch SARS lại bắt nguồn từ bệnh viện Việt - Pháp, bệnh viện lộng lẫy và hiện đại nhất Hà Nội thời đó.
Trước tình huống khẩn cấp, Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới của Bệnh viện Bạch Mai, nay là Bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương, được Bộ Y tế Việt Nam giao nhiệm vụ trực tiếp thu nhận và điều trị bệnh nhân SARS từ Bệnh viện Việt - Pháp chuyển sang. Bệnh viện Việt - Pháp bị cách li, đóng cửa. Ngày 28/4/2003, Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên tuyên bố đã khống chế được bệnh SARS, một thành công được giới nghiên cứu khoa học khen ngợi.
Tính đến nay, đã có khoảng 1/3 bệnh nhân Covid-19 ở Việt Nam hồi phục. |
Những quyết định quyết đoán
Trước mặt trận chống Covid-19, Việt Nam đã đặt cảnh giác cao kể từ khi những cảnh báo đầu tiên về dịch bệnh xuất hiện ở Trung Quốc. Ngày 23/1, Việt Nam đã ghi nhận ca nhiễm đầu tiên là một người đàn ông Trung Quốc, đến từ “tâm dịch” Vũ Hán. Cùng ngày, Trung Quốc ghi nhận ca tử vong thứ 17. Chiều ngày 27/1, khi đó cả đất nước Việt Nam còn đang trong không khí vui vẻ của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ: “Chống dịch như chống giặc”.
Ngày 1/2, Việt Nam đã quyết định đóng cửa một phần biên giới với người láng giềng, thậm chí còn từ chối cấp thị thực cho khách du lịch Trung Quốc và dừng các chuyến bay thường xuyên với Trung Quốc. Ngoài ra, Việt Nam còn có một cử chỉ triệt để khác: đóng cửa các trường học từ sớm. Ngay sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết, các trường học chỉ đón học sinh trong một tuần và đóng cửa cho đến tận hôm nay.
Hai bệnh viện dã chiến đã được xây dựng tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội cũng đã xây dựng bệnh viện dã chiến trong một đêm. Cả quốc gia đang tạm thời “cách ly xã hội” trong vòng 15 ngày, kể từ ngày 1/4. Thông điệp phòng chống virus corona được lan truyền đến khắp mọi nơi, từ truyền thông đại chúng, mạng xã hội cho đến những chiếc loa phóng thanh đặt ở đầu mỗi con phố, thị trấn, làng mạc vốn đã là một nét đặc trưng của Việt Nam.
“Trước đây, người Việt Nam chỉ có thói quen đeo khẩu trang khi ra đường do bụi bặm hoặc ô nhiễm. Nhưng kể từ khi công bố dịch, khẩu trang đã thành vật bất ly thân đối với mỗi người dân” – Tuấn, một hướng dẫn viên du lịch ở TP. Hồ Chí Minh cho biết.
Bài hát “Ghen Cô Vy” xuất hiện trên chương trình Last Week Tonight with John Oliver của đài HBO (Mỹ). (Ảnh chụp màn hình) |
Việt Nam cũng đã có những bước đi đúng đắn để tuyên truyền cho người dân trên mạng xã hội. Bài hát “Ghen Cô Vy” của các ca sĩ Việt Nam nhằm cảnh báo với người dân về việc phòng tránh virus corona, khuyến khích rửa tay liên tục đã trở thành một bài hát “viral” không chỉ ở Việt Nam mà còn trên khắp thế giới. Bài hát còn được chuyển biến thành một điệu nhảy, lan truyền trên mạng xã hội Tik Tok. Thậm chí, “Ghen Cô Vy” còn được đưa lên Last Week Tonight with John Oliver - show tin tức trào phúng (news satire) nổi tiếng ở Mỹ, từng đoạt giải Emmy.
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng đã có những biện pháp cứng rắn đối với những người phát tán thông tin giả, thông tin chưa được kiểm chứng. Tất cả những người đưa tin tức giả trên mạng xã hội về virus corona đều bị công an triệu tập và xử phạt hành chính. Mặt khác, Bộ Y tế cũng luôn gửi tin nhắn SMS tới toàn bộ người dân về thông tin dịch bệnh và tư vấn cách giữ gìn vệ sinh cá nhân. Các nhà hàng và nơi công cộng cũng không còn đông đúc như bình thường. Tất cả người dân Việt Nam đang ở chế độ cảnh giác cao.
Nguồn nhiễm mới từ phương Tây
Trong suốt tháng Hai, số lượng các ca nhiễm chỉ dừng lại ở con số 17, trong đó đã có 16 bệnh nhân được chữa khỏi. Việt Nam cũng đã tuyên bố sẽ giảm bớt các lệnh hạn chế đối với biên giới Trung Quốc. Tuy nhiên, dịch bệnh không còn “nhập khẩu” vào Việt Nam từ phương Bắc xuống nữa, mà là từ phương Tây.
Ngày 6/3, Việt Nam đã xác nhận bệnh nhân số 17, một công dân nữ 27 tuổi trở về Việt Nam từ London. Tờ New York Times gọi BN17 với cái tên mĩ miều “bệnh nhân số 0 của thế giới thời trang”. Ngay sau khi BN17 xét nghiệm dương tính, chính quyền ngay lập tức tìm kiếm và cách ly 200 người có liên hệ với nữ bệnh nhân này. Khu phố của cô bị cách ly và chính quyền đã triển khai bằng mọi cách để tìm kiếm thông tin của tất cả các hành khách trên chuyến bay VN 0054 từ London về Hà Nội ngày 1/3.
Anna Moï, một nhà văn người Pháp gốc Việt, đã tới Hội An trước đó vài ngày đã nói rằng: “Họ triển khai rất hiệu quả. Cảnh sát đã đến từng khách sạn để tìm kiếm những người trên chuyến bay đó. Nhờ những biện pháp chặt chẽ ngay tại các cửa khẩu, Việt Nam có thể dễ dàng tìm thông tin của tất cả mọi người.”
Bà Moï cũng nhận xét, Việt Nam đã thay đổi rất nhiều. Các tòa nhà, khu mua sắm đều có máy đo thân nhiệt và sẵn sàng ra lệnh cấm khách hàng nếu người đó không đeo khẩu trang. Một du khách người Hà Lan kể lại anh bị cấm lên xe khách do không đeo khẩu trang.
Bệnh viện dã chiến trong khuôn viên Bệnh viện Bạch Mai được dựng lên sau 1 đêm. |
Giống như nhiều người nước ngoài ở Việt Nam, bà Moï luôn tuân thủ khuyến cáo của chính quyền và luôn đeo khẩu trang mỗi khi ra đường. Cuối tháng Ba, trước khi về Pháp, bà còn tranh thủ mua vài hộp khẩu trang để mang về cho gia đình. “Thật là một nghịch lý khi phải mua khẩu trang ở Việt Nam để mang về Pháp, một quốc gia giàu có. Tại Pháp, mọi người thường cho rằng, đeo khẩu trang cũng là vô dụng trước dịch bệnh. Đây thật là một điều vô lý” – Bà Moï chia sẻ.
Và trong khi đại dịch Covid-19 đang lan truyền với tốc độ chóng mặt ở phương Tây, thì với số lượng các ca nhiễm thấp và công tác phòng chống dịch chặt chẽ, bỗng dưng, Việt Nam lại trở thành địa điểm an toàn.
Dòng người về nước tăng đã làm công tác quản lý dịch trở nên phức tạp. Thế nhưng, cả quốc gia đều chung tay vào cuộc chiến chống lại Covid-19. Giờ đây, các khách sạn, ký túc xá sinh viên và căn cứ quân sự cũng được sử dụng để làm nơi cách ly tập trung cho những người ở nước ngoài trở về.
Việt Nam đã xây dựng một hệ thống quản lý rất tốt và người dân cũng cảm thấy rất thoải mái chứ không hề căng thẳng, bởi họ cảm thân yên lòng khi đất nước đã làm rất tốt trong công tác phòng dịch. Tất cả, từ Chính phủ, cảnh sát, quân đội, y tế cho đến sinh viên ngành y, các tình nguyện viên đều chung tay nhằm dập tắt dịch bệnh sớm nhất có thể.
Hồng, một công dân sống ở Sài Gòn kể, từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, mọi thứ đều chậm lại, nhiều người còn bông đùa rằng, chưa năm nào được nghỉ Tết nhiều như năm nay. Nhưng trong câu bông đùa đó lại mang một nỗi sợ hãi nhất định về dịch bệnh.
Thế nhưng, nhà văn Anna Moï lại cho rằng, Việt Nam đã từng đi qua hai cuộc chiến tranh khốc liệt. Cho đến nay, nó vẫn còn in sâu vào trong tâm thức của mỗi người Việt Nam. Dịch bệnh đúng là đem lại sự sợ hãi trong người dân, kể cả những người trẻ tuổi. Thế nhưng, cho đến khi nào người Việt còn gọi virus này là “giặc” thì họ vẫn luôn trong tâm thế của một cuộc chiến đích thực, chứ không phải là một phép ẩn dụ.