📞

Điểm nhấn trong truyền thông Ấn Độ về Chính sách Hành động hướng Đông

Nhóm tác giả Học viện Ngoại giao K48 12:41 | 15/07/2024
Truyền thông quốc tế Ấn Độ đang xây dựng hình ảnh tích cực về Chính sách AEP trong nhận thức của công chúng thông qua ba khung chính sách trọng tâm.
Điểm nhấn trong truyền thông Ấn Độ về Chính sách Hành động hướng Đông. (Nguồn: thesecuritydistillery)

Xác định vai trò chiến lược của Đông Nam Á

Từ sau khi Chính sách hướng Đông (Look East Policy - LEP) được đổi tên thành Chính sách Hành động hướng Đông (Act East Policy - AEP) vào năm 2014 dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Modi, Ấn Độ luôn ý thức được vai trò chiến lược và ảnh hưởng của khu vực Đông Nam Á đối với việc thực hiện chính sách nhằm khẳng định vai trò lớn hơn, xứng đáng hơn của Ấn Độ với vị thế của một cường quốc ở khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, phải tới cuối năm 2022, truyền thông Ấn Độ mới thực sự hoạt động mạnh mẽ trong việc đưa tin về các vấn đề xoay quay chính sách này.

Trong quá trình đẩy mạnh thực hiện chính sách AEP, truyền thông Ấn Độ đã có nhiều động thái quan trọng. Có thể kể đến một số hoạt động như tăng cường phản ánh về các sự kiện và chính sách trong khu vực Đông Á, tập trung vào việc báo cáo, phân tích các diễn biến chính trị, kinh tế và an ninh trong khu vực Đông Á; tạo ra các chiến lược truyền thông đa dạng như hội thảo, diễn đàn, chương trình truyền hình để tăng cường nhận thức và hiểu biết về AEP ở trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, với sự bùng nổ của mạng xã hội và truyền thông kỹ thuật số, truyền thông Ấn Độ đã và đang tạo ra những nội dung phù hợp về AEP để thu hút nhiều hơn sự chú ý của nhóm công chúng trẻ và nhóm người thường xuyên sử dụng mạng xã hội. Những động thái trên chỉ là một phần nhỏ trong các hoạt động truyền thông đẩy mạnh chính sách và hoạt động của AEP, từ đó tăng cường vai trò và tầm ảnh hưởng của Ấn Độ đến khu vực Đông Á.

Việc nghiên cứu về cách mà truyền thông Ấn Độ đóng góp vào quá trình phát triển AEP của Ấn Độ thông qua các mục tiêu, nội dung, hướng tiếp cận và các nhân tố tác động cả bên trong và bên ngoài, cũng như việc dự báo, sẽ đóng góp vào việc cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn cho nghiên cứu chính sách đối ngoại của Ấn Độ nói chung và AEP nói riêng. Đặc biệt khi Việt Nam là một trong những "Đối tác chiến lược toàn diện" của Ấn Độ, việc nghiên cứu về truyền thông Chính sách Hành động Hướng Đông trở nên cấp thiết và có giá trị cả về khoa học lẫn thực tiễn.

Ba hướng tiếp cận

Truyền thông Ấn Độ đang xây dựng hình ảnh tích cực về Chính sách AEP trong nhận thức của công chúng thông qua ba khung chính sách trọng tâm.

Thứ nhất, truyền thông Ấn Độ nhấn mạnh ASEAN là trụ cột và tầm nhìn quan trọng trong chính sách Hành động Hướng Đông của nước này đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Phát biểu tại Diễn đàn Tương lai ASEAN theo hình thức trực tuyến ngày 23/4, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Jaishankar nhấn mạnh rằng, “một châu Á đa cực” và “một thế giới đa cực” đang ngày càng trở nên rõ nét. Điều này làm nổi bật vai trò quan trọng của ASEAN và Ấn Độ trong việc giải quyết các vấn đề của trật tự thế giới mới, nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác và phối hợp nhiều hơn nữa.

Khẳng định này không chỉ xuất hiện mới đây mà đã được truyền thông, báo chí Ấn Độ nhấn mạnh từ sớm khi Chính sách EAP được triển khai mạnh mẽ hơn tại khu vực ASEAN, đặc biệt là sau khi Ấn Độ và ASEAN nâng tầm mối quan hệ lên thành Đối tác chiến lược toàn diện trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN - Ấn Độ lần thứ 19 diễn ra tại Campuchia, ngày 12/11/2022.

Những tháng đầu năm 2024, hai tờ báo Times of IndiaHindustan Times tập trung đưa tin về những tiến triển đi vào thực chất của EAP khu vực ASEAN. Đề cập vai trò trụ cột của ASEAN trong Chính sách EAP, nhưng nội dung các bài báo nhấn mạnh nhiều hơn vào hợp tác của Ấn Độ và ASEAN trong giai đoạn này như việc tập trung vào các chủ đề có tầm quan trọng đặc biệt và kết quả cụ thể, bao gồm việc hoàn thành sớm việc xem xét Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ (AITIGA) và các vấn đề khu vực cùng quan tâm.

Thứ hai, truyền thông Ấn Độ tập trung phản án Chính sách EAP đóng vai trò tích cực trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Trong khoảng thời gian từ năm 2022 đến nay, cả 3 tờ báo lớn của Ấn Độ là The Times of India, Hindustan TimesORF (Observer Research Foundation) đều có mật độ đưa tin với khung truyền thông vai trò của chính sách Ấn Độ tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương khá cao.

Qua loạt tin, bài xuất hiện liên tục trên các trang truyền thông đại chúng, có thể nhận thấy truyền thông Ấn Độ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình nhận thức của công chúng về AEP và tác động của nó đối với sự ổn định phát triển và hòa bình ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đồng thời, việc sử dụng các từ khóa nhất quán và chiến lược trong các bài báo giúp xây dựng hình ảnh Ấn Độ như một cường quốc có trách nhiệm và đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực.

Thứ ba, truyền thông tuyên truyền mạnh mẽ về việc Ấn Độ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển cơ sở hạ tầng và kết nối.

Thời gian qua, Ấn Độ đã đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là trong việc xây dựng đường bộ, đường sắt và cảng biển để cải thiện kết nối với các quốc gia Đông Nam Á. Một ví dụ điển hình là Dự án Đường cao tốc Ấn Độ-Myanmar-Thái Lan (India-Myanmar-Thailand Trilateral Highway) kết nối ba quốc gia qua một hành lang đường bộ dài 1.400 km.

Thông qua Sáng kiến Đại dương Ấn Độ-Thái Bình Dương (Indo-Pacific Ocean Initiative - IPOI) ra mắt năm 2019, Ấn Độ và Australia đã hợp tác trong các lĩnh vực giảm thiểu và quản lý rủi ro thiên tai, kết nối thương mại và vận tải hàng hải, xây dựng năng lực và chia sẻ tài nguyên.

Như vậy, có thể thấy được truyền thông quốc tế Ấn Độ đang xây dựng hình ảnh tích cực về Chính sách AEP trong nhận thức của công chúng thông qua ba khung chính: ASEAN là trụ cột và tầm nhìn quan trọng trong Chính sách EAP của Ấn Độ đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; Chính sách EAP đóng vai trò tích cực trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; Ấn Độ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển cơ sở hạ tầng và kết nối.

Hiện nay, trong bối cảnh tình hình an ninh chính trị trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương diễn biến phức tạp do căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và các nước lớn khác như bộ tứ QUAD (Nhật, Mỹ, Australia, Ấn Độ), truyền thông quốc tế Ấn Độ đóng vai trò trung tâm trong việc đưa Chính sách EAP đến với thế giới bằng một thông điệp mạnh mẽ về một Ấn Độ có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong không chỉ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà còn trên phạm vi toàn thế giới.

Trong tương lai truyền thông quốc tế Ấn Độ sẽ tiếp tục nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN trong Chính sách EAP, truyền tải mạnh mẽ thông điệp về vai trò của Chính sách EAP nói riêng và Ấn Độ nói chung trong việc đảm bảo hòa bình và ổn định của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đồng thời tăng cường truyền thông về vai trò của AEP trong thúc đẩy phát triển kinh tế, đặc biệt là nền kinh tế phát triển bền vững.