Người biểu tình chống Chính phủ của Thủ tướng Gruevski tại Skopje ngày 17/5. |
Ngày 17/5, khoảng 20.000 người Macedonia ủng hộ phe đối lập đã tập trung tại trung tâm Thủ đô Skopje, đòi Chính phủ của Thủ tướng Nikola Gruevski từ chức, với cáo buộc các quan chức cấp cao lạm quyền, có âm mưu gian lận bầu cử và chỉ đạo nghe lén các chính khách, phóng viên và lãnh đạo tôn giáo. Thủ lĩnh đảng Liên minh Dân chủ Xã hội đối lập (SDSM) Zoran Zaev khẳng định người biểu tình sẽ vẫn tụ tập trước tòa nhà Chính phủ cho đến khi Thủ tướng Gruevski và nội các của ông từ chức.
Có thể thấy, tình hình ở Macedonia diễn biến ngày càng phức tạp. Kể từ đầu năm đến nay, đây là lần thứ hai, thủ lĩnh SDSM Zoran Zaev kêu gọi Thủ tướng từ chức, thành lập một chính phủ lâm thời và tổ chức bầu cử trước thời hạn. Trước đó, ông Zaev còn tuyên bố tẩy chay Quốc hội và khoét sâu thêm mâu thuẫn giữa người thiểu số gốc Albania và Chính phủ hiện tại.
Trên thực tế, trong gần một năm qua, các tổ chức phi chính phủ của Mỹ đã mở rộng hoạt động mang tên gọi "thúc đẩy dân chủ" ở quốc gia này. Thậm chí, hàng trăm ngàn USD đã được chi cho các hoạt động của đảng đối lập ở Macedonia, trong số này phải kể đến Quỹ Xã hội mở của George Soros. Cùng với đó, Mỹ cũng giúp lực lượng đối lập ở Macedonia mở một chiến dịch truyền thông lớn nhằm bôi xấu chính phủ.
Vì vậy, ngày 16/5, Nga đã lên tiếng cáo buộc Mỹ và phương Tây tìm cách kích động "cách mạng sắc màu" ở Macedonia. Viện dẫn tin mà truyền thông ở Serbia đưa tin về một vụ công dân Montenegro bị bắt giữ tại Macedonia với cáo buộc "tiếp tay cho các phần tử cực đoan Albania" hoạt động ở Macedonia, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định, đây là bằng chứng cho thấy các cơ quan tình báo phương Tây muốn "mượn tay kẻ khác để thực hiện các kịch bản thảm khốc".
Có thể thấy, sự xuất hiện của sáng kiến "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" cũng là lúc "hiệp đấu" mới giữa Nga - Mỹ ở Macedonia bắt đầu. Mỹ không muốn đường ống này, vì sự tồn tại của nó sẽ hủy hoại những toan tính chiến lược, triệt tiêu "thành quả" của Mỹ trong ván bài Ukraine. Diễn biến địa chính trị cho thấy, Macedonia là điểm then chốt cho bất kỳ kết nối năng lượng nào theo trục Nam - Bắc chạy qua Balkan. Ở góc độ nào đó, tương lai của cả bán đảo Balkan sẽ phụ thuộc Macedonia, cụ thể là quan điểm của Skopje thuận theo Washington hay Moscow.
Trong khi đó, Nga muốn dùng "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" như là bàn đạp để đẩy mạnh hợp tác toàn diện với các nước mà tuyến đường ống đi qua. Đó không đơn giản chỉ là hạ tầng năng lượng, mà là "nam châm" để thu hút các nước khác thay vì chạy theo tiến trình hội nhập EU.
Như vậy, cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa Mỹ và Nga một lần nữa lại "va chạm" ở lục địa Á - Âu và lần này là tại đất nước nhỏ bé Macedonia. Mỹ đang ở thế tấn công với các chiến lược mang tên "cách mạng màu sắc", "chiến tranh phi truyền thống". Tuy nhiên, Nga đang có được lợi thế là Chính phủ của Thủ tướng Nikola Gruevski không vì sức ép của Mỹ, EU mà quay lưng với Moscow. Do đó, trận "so găng" địa - chính trị giữa Mỹ và Nga ở Macedonia được dự đoán sẽ cực kỳ khốc liệt.
Trịnh Quang (theo Oriental Review, Global Research)