Chính quyền Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cần có chiến lược ngoại giao khéo léo trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung vẫn là cặp quan hệ quan trọng nhất hiện nay. (Nguồn: Print) |
Theo Tiến sỹ Jayadeva Ranade, trong bối cảnh Ấn Độ đang nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ và Nga, phục hồi nền kinh tế và xây dựng chiến lược "Ấn Độ tự cường", điều quan trọng là nước này không được nhượng bộ Trung Quốc và sẵn sàng đối phó những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích quốc gia cốt lõi của mình.
Đặc biệt, năm 2021 với Ấn Độ dự kiến sẽ là một giai đoạn đầy bất ổn mới, đòi hỏi phải có chiến lược "ngoại giao khéo léo" kèm với một thái độ quyết tâm không nhượng bộ các vấn đề chủ quyền và lợi ích quốc gia.
Một Trung Quốc hiếu chiến, mối quan hệ Trung Quốc-Pakistan đầy mưu mô và mối quan hệ hợp tác chiến lược Nga-Trung với nhiều toan tính buộc Ấn Độ phải có sự điều chỉnh, đảm bảo sự ổn định, bảo vệ tối đa lợi ích cốt lõi của mình.
Những "nhân tố toàn cầu"
Vị chuyên gia về Trung Quốc cũng nhấn mạnh rằng khi năm mới bắt đầu sau 12 tháng dài dường như bị bao trùm bởi những ca tử vong, nền kinh tế bị tàn phá và sự bất ổn, bối cảnh toàn cầu vẫn thay đổi. Tuy nhiên, sự cạnh tranh giữa những "nhân tố toàn cầu" sẽ ngày càng khốc liệt.
Đại dịch Covid-19 khiến tâm lý chống Trung Quốc tăng cao trên toàn thế giới, làm nổi lên nhu cầu đa dạng các nguồn cung cấp thiết yếu như dược phẩm và đất hiếm. Điều này đã thúc đẩy các quốc gia tăng tốc tái cơ cấu địa chính trị và phát triển chuỗi cung ứng mới.
Trên bình diện toàn cầu, mối quan hệ Mỹ-Trung có lẽ là quan trọng nhất hiện nay và tất cả sẽ theo dõi sít sao sự tiến triển của mối quan hệ này trong nhiệm kỳ của Tổng thống đắc cử Joe Biden.
Bất kỳ sự nới lỏng chính sách nào được thực hiện bởi chính quyền Mỹ sẽ là "nguồn dưỡng khí" cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và khiến nhà lãnh đạo này trở nên hung hăng hơn.
Bất chấp sức ép đáng kể của Mỹ, ông Tập Cập Bình đã không dao động trong mục tiêu biến Trung Quốc trở thành cường quốc toàn cầu - nếu không muốn nói là vượt qua Mỹ.
Mặc dù chính quyền Tổng thống đắc cử Joe Biden sắp tới vẫn chưa chính thức nêu rõ các chính sách đối ngoại của Mỹ, nhưng ông chủ mới của Nhà Trắng đã tuyên bố rõ rằng việc khôi phục mối quan hệ với châu Âu sẽ là một ưu tiên. Động thái này đã được các đồng minh phương Tây phản ứng tích cực.
Ông Biden và những ứng cử viên cho các chức vụ ngoại trưởng là Antony Blinken và cố vấn an ninh quốc gia là Jake Sullivan cũng đã chỉ ra rằng với Trung Quốc, họ muốn đàm phán hơn là đối đầu.
Truyền thông Mỹ gần đây cho rằng Trung Quốc đang thiết lập mối liên hệ với những người thân cận với Tổng thống đắc cử Joe Biden... |
Bắc Kinh đã phản ứng một cách thận trọng, nhưng tích cực. Một số quan chức và học giả Trung Quốc, bao gồm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ trong nhiều tuần qua đã nhắc lại sự cần thiết phải tái lập mối quan hệ Trung-Mỹ, trên cơ sở "sự tôn trọng" và nhấn mạnh phối hợp giải quyết các vấn đề chung như đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, đa số "phe bảo thủ Trung Quốc" vẫn giữ vững lập trường của Bắc Kinh về các vấn đề tồn tại sự khác biệt.
Do đó, liệu vấn đề này có buộc chính quyền Joe Biden có sự điều chỉnh, đưa trọng tâm chính sách đối ngoại ra khỏi khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sớm hay không?
Các nước châu Á và một số đồng minh ở châu Âu sẽ theo dõi chặt chẽ xem Mỹ có giảm sự hiện diện an ninh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hay không, giảm mức độ hợp tác với nhóm Bộ Tứ và liệu Mỹ có chiều hướng giảm sự hỗ trợ đối với Đài Loan, Nhật Bản và Philippines về các vấn đề an ninh hay không?
Nhận diện thách thức
Một số nguồn tin tiết lộ rằng Bắc Kinh nắm giữ tầm ảnh hưởng đáng kể trong giới tinh hoa quyền lực của Mỹ. Truyền thông Mỹ gần đây cho rằng Trung Quốc đang thiết lập các mối liên hệ với những người thân cận với Tổng thống đắc cử Joe Biden và chỉ ra mối liên hệ tài chính lâu đời của Bắc Kinh với đảng Dân chủ, bao gồm cả con trai của Biden.
Cho đến nay, chính sách đối ngoại hiếu chiến của Trung Quốc đang nỗ lực thiết lập quyền thống trị trên Biển Đông và sức ép quân sự mà nước này gây ra để đạt được tham vọng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang bị hạn chế bởi chính sách của Mỹ.
Bắc Kinh đang nâng cấp quan hệ với Moscow để tạo thành một khối cường quốc thân Trung Quốc mạnh mẽ ở châu Á.
Tiến sỹ Jayadeva Ranade cho rằng đối với Ấn Độ, Trung Quốc là thách thức lớn nhất về quân sự, ngoại giao, kinh tế và môi trường. Nước này cũng đang xâm phạm vào không gian chiến lược của Ấn Độ để khẳng định mình là cường quốc hàng đầu ở châu Á.
Ban lãnh đạo của Trung Quốc, vốn coi Ấn Độ là đối thủ cạnh tranh tiềm tàng kể từ năm 2014, sẽ ngày càng củng cố vị thế của mình.
Sức ép này, giống như cuộc đối đầu quân sự đang diễn ra, sẽ tiếp tục cho đến khi Bắc Kinh nhận thấy Ấn Độ sẵn sàng chấp nhận "nhượng bộ" họ.
| Quan chức quân đội Ấn Độ nhận định lý do đằng sau việc Trung Quốc 'kéo' lực lượng không quân dày đặc gần biên giới TGVN. Ngày 29/12, Tham mưu trưởng Không quân Ấn Độ RKS Bhadauria cho biết, Trung Quốc đã triển khai lực lượng không quân dày đặc ... |
| Trung Quốc thay thế Tư lệnh có quan điểm cứng rắn với Ấn Độ phụ trách Chiến khu miền Tây TGVN. Ngày 21/12, tờ Hindustan Times dẫn nguồn truyền thông Trung Quốc cho biết, Chủ tịch nước này Tập Cận Bình đã thay Tư lệnh ... |
| Căng thẳng biên giới Ấn-Trung: Ấn Độ tuyên bố cứng rắn, quyết không nhượng bộ dù chỉ 1cm lãnh thổ TGVN. Ngày 25/10, hãng Thông tấn PTI dẫn tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh khẳng định, New Delhi muốn chấm ... |