📞
Nhà văn hóa Hữu Ngọc

Đôi điều về nghệ thuật ý niệm

Hữu Ngọc 09:00 | 11/05/2019
TGVN.Nghệ thuật ý niệm là gì? Định nghĩa đơn giản, đó là nghệ thuật mà mục đích của nghệ sĩ là nêu rõ một ý niệm của mình. Ý niệm (ý đồ) của tác phẩm quan trọng hơn là sự thực hiện vật chất của tác phẩm.

Thường thì một tác phẩm văn nghệ chỉ được hoan nghênh rộng rãi khi nó phản ảnh được tâm trạng một xã hội. Năm 1820, trong trào lưu văn học lãng mạn châu Âu, tập thơ Trầm tư (Méditations poétiques) của Lamartine ở Pháp được hoan nghênh vì thể hiện đúng tâm trạng buồn chán, thích mơ mộng của một thế hệ hoang mang, thất vọng trước thời cuộc (buồn tẻ, thời chiến công huy hoàng của Napoléon đã hết, khủng hoảng chính trị, kinh tế, xã hội, tôn giáo).

Một trăm năm sau, vào những năm 20 thế kỉ XX, chủ nghĩa lãng mạn Pháp vào Việt Nam, qua báo chí, văn chương và trường học Pháp Việt. Thơ Lamartine được một số trí thức Tây học ưa thích và dịch vì rất phù hợp tâm trạng xã hội ta lúc đó: hoang mang buồn chán vì cảnh nước nhà bị đô hộ, những giá trị phương Tây thách thức văn hóa truyền thống Khổng học (tự do yêu đương, chủ nghĩa cá nhân chống lại nề nếp gia đình truyền thống, mơ mộng...). Thế hệ tiếp biến văn hóa với lãng mạn Pháp đã khiến cho ở nước ta xuất hiện văn chương lãng mạn và cả hội họa lãng mạn.

Trong ba mươi năm Cách mạng và chiến tranh, văn nghệ của ta mang dấu ấn hiện thực xã hội chủ nghĩa. Từ sau Đổi mới 1986, nhất là trong khung cảnh “toàn cầu hóa” từ những năm 90, ngày càng nhiều trào lưu văn nghệ phương Tây du nhập vào. Văn nghệ hiện đại phương Tây được tạo ra trong hoàn cảnh kinh tế, xã hội, tư tưởng rất khác ta (hậu công nghiệp, kinh tế phồn vinh, kỹ trị, chủ nghĩa cá nhân cao...). Nếu văn nghệ sĩ không có tâm trạng tương tự mà lại đi bắt chước nước ngoài thì rơi vào chủ nghĩa hình thức và tạo ra những tác phẩm ngô nghê. Muốn thành công, tiếp biến văn hóa với bên ngoài đòi hỏi cảm xúc thực và sự nhuần nhuyễn. Cho nên, sự tìm hiểu văn nghệ hiện đại phương Tây là cần thiết.

Ở châu Âu, vào thế kỉ XIX, những biến diễn xã hội, chính trị, triết học đã khiến cho văn nghệ đi từ chủ nghĩa lãng mạn sang chủ nghĩa hiện thực, tự nhiên, rồi tượng trưng. Đến thế kỉ XX, ở phương Tây, do ảnh hưởng các cuộc cách mạng (chính trị, khoa học tự nhiên và xã hội), các cuộc chiến tranh toàn cầu và ý thức hệ, tâm trạng con người hiện đại đã xuất hiện: ý thức sâu sắc về quyền tự do của con người, của cá nhân, băn khoăn siêu hình, cạnh tranh căng thẳng, tâm lý bất ổn, ý thức về cái vô lý của cuộc sống, phê phán mạnh mẽ tất cả giá trị cũ để luôn luôn khám phá cái mới, chủ nghĩa vật chất tầm thường và chủ nghĩa tiêu thụ đối lập với nhu cầu tâm linh. Khoa học và kỹ trị đối lập với nhân bản. Tâm trạng ấy phản ảnh trong một nền văn nghệ đa dạng, sống động, phức tạp, đầy mâu thuẫn. Vì vậy mà mọc ra không biết bao nhiêu khuynh hướng, trường phái, “mốt”, nhiều khi chết yểu.

Thế kỉ XX, xuất hiện nghệ thuật trừu tượng, đẻ ra nghệ thuật phi hình tượng (art non figurant), đi ngược lại truyền thống nghệ thuật hình tượng (art figuratif) dựa vào hình tượng hiện thực, một truyền thống có tự nghìn xưa. Và từ đó, nghệ sĩ luôn phải chọn giữa hai con đường: hình tượng và phi hình tượng, khuynh hướng văn nghệ siêu thực cũng là nguồn sinh ra phong trào phi trừu tượng.

Trong các phong trào nghệ thuật hiện đại rất phong phú, chỉ xin đề cập đến ở bài này nghệ thuật ý niệm, hay nghệ thuật khái niệm (tiếng Anh là conceptual art, tiếng Pháp là art conceptuel, tiếng Đức là konzeptkunst).

Nghệ thuật ý niệm là gì? Định nghĩa đơn giản, đó là nghệ thuật mà mục đích của nghệ sĩ là nêu rõ một ý niệm của mình. Ý niệm (ý đồ) của tác phẩm quan trọng hơn là sự thực hiện vật chất của tác phẩm. Vì vậy, không nhất thiết tác phẩm phải hoàn hảo, không nhất thiết tác giả phải tự tay đẽo gọt hay chụp, vẽ, mà có thể người khác làm hộ, dĩ chí chỉ cần tập hợp một số tư liệu (vật linh tinh, giấy đã đánh máy, ảnh không chuyên nghiệp, áp phích...) cốt làm rõ ý niệm ra. Nghệ thuật ý niệm nói cho cùng là để nghệ sĩ tự khám phá mình. Nó quay lưng lại với mỹ học và mọi quy tắc nghệ thuật. Người ta có thể sử dụng ngôn ngữ, toán học, tín hiệu học, triết học, xã hội học, có khi thực hiện một hành động cụ thể (thí dụ: ném một quả bóng vào thác Niagara).

Có rất nhiều cách thể hiện khác nhau, tùy các họa sĩ thích gì làm nấy: cắt lắp hình ảnh kiểu đồ họa, những băng ảnh, tạc tượng Hitler to tướng mặc quần đùi hay Giáo hoàng bị một thiên thạch giết chết, làm một con tôm hùm khổng lồ hay ngâm các con vật vào formol. Dòng nghệ thuật minimal art (tối thiểu: giảm các khối lượng đường nét càng nhiều bao nhiêu càng tốt) cũng gần với nghệ thuật ý niệm.

Nghệ thuật ý niệm thường mang tính chất khiêu khích, mỉa mai, trắng trợn, hài hước, nặng màu sắc trang trí, dân gian. Những nghệ sĩ đi tiên phong vào những năm 1966-1972 phần nhiều là người Mỹ. Nổi tiếng nhất hiện nay là Jeff Koon. Một ông tổ của nghệ thuật ý niệm là họa sĩ Pháp Marcel Duchamp (1887-1968) đã từng theo lập thể (cubisme), vị lai (futurisme), sử dụng những đồ vật là sản phẩm công nghiệp để diễn tả ứng xử máy móc của người hiện đại (chiếc bô đi tiểu tiện, cái ghế, tranh La Joconde vẽ râu thêm vào)...