Đại sứ Vũ Hắc Bồng đến chào Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng trước khi lên đường nhận nhiệm vụ tại Guinea (cuối năm 1969). Ảnh tư liệu của gia đình Đại sứ. |
Ba điều lần đầu
Năm 1954, Hiệp định Geneva được ký kết.
Một Ủy ban quốc tế giám sát giữa ta và Pháp được thành lập.
Mỗi bên đều lập ra một ủy ban để thành lập Ủy ban liên hợp hai bên ở Nam Bộ và nhiều nơi.
Riêng ở Nam Bộ thì ủy ban này đóng tại huyện Phong Hiệp, tỉnh Cần Thơ. Phía Việt Nam phải chuẩn bị cán bộ để tham gia ủy ban, yêu cầu cán bộ phải có đạo đức và biết tiếng Pháp.
Lúc đó tôi là Trưởng Ban Dân quân của Bộ Tư lệnh Nam Bộ. Tôi đã được chọn vào ủy ban trên.
Đồng chí Phạm Phùng, Phó Bí thư Xứ ủy và là Chính ủy Bộ Tư lệnh Nam Bộ làm trưởng đoàn của phía Việt Nam (được phong hàm đại tá). Tôi và một số đồng chí khác được phong thiếu tá để dễ đàm phán với phía Pháp.
Thế là tôi được bước vào một "nghề mới": quân sự - ngoại giao.
Từ đây tôi bắt đầu gặp ba điều gọi là lần đầu.
Đầu tiên mặc quân phục chính quy kiểu đại cán, đi giày vải. Tất nhiên phải có bít tất (Nam Bộ gọi là vớ).
Đầu tiên đi xe ô tô và máy bay "bà già" của Pháp để di chuyển nhiều đoạn từ chiến khu về Trung Hiệp.
Đầu tiên ăn đồ Tây.
Tôi bắt đầu tiếp xúc với giới quân sự Pháp.
Phía ta phải sẵn sàng thái độ "nhu cương” vì vốn họ có ba thái độ.
Lúc cần thì họ rất lịch sự, lúc lại trở giọng, khi đuối lý thì đánh trống lảng.
Thái độ của ta lúc đó là đấu tranh bảo vệ hiệp định Geneva và bảo vệ nhân dân, kiên quyết ngăn chặn Pháp và tay sai khủng bố nhân dân (Phía Việt Nam vẫn có con đường riêng để liên hệ với các địa phương ở Nam Bộ).
Theo hiệp định Geneva, sự tồn tại của phái đoàn ta chỉ trong 300 ngày.
Đầu năm 1955, ta rút ra miền Bắc bằng máy bay của Pháp, có sự chứng kiến của Ủy ban quốc tế giám sát. Phái đoàn ta đã hoàn thành sứ mệnh được giao nhưng khi ra đi ai cũng vui buồn lẫn lộn, đó là tâm trạng chung của nhân dân ta lúc bấy giờ.
Tôi đã bước vào một thời kỳ mới!
Bất ngờ ở Guinea
Tôi ra Hà Nội làm việc tại Bộ Ngoại giao.
Lúc bấy giờ Bộ thành lập Vụ miền Nam. Đồng chí Hà Văn Lâu làm Vụ trưởng. Sau này, đồng chí Lâu được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Tôi làm Vụ phó Vụ miền Nam.
Đến cuối năm 1968, tôi bắt đầu công tác luân chuyển ngoại giao ra nước ngoài.
Cấp trên cử tôi đi làm Đại sứ tại Cộng hòa Guinea.
Tháng 5/1969, Bác Hồ đã ký quyết định cử tôi và ba đồng chí nữa đi ba nước châu Phi khác nhau.
Có thể đây là lần cuối cùng Bác làm công việc này vì sau đó Bác mệt và qua đời vào tháng 9/1969.
Đến tháng 10/1969, tôi đi Guinea. Đây là một nước Tây Phi thuộc địa cũ của Pháp.
Lúc đó, cuộc nổi dậy của dân Guinea cùng tác động lớn của cao trào kháng chiến của các nước thuộc địa khác có ảnh hưởng trực tiếp của cách mạng Việt Nam.
Tổng thống Guinea, ông Ahmed Sékou Touré, sau khi độc lập đã đến thăm Việt Nam rất sớm (1960), đã được Bác Hồ tiếp và làm việc.
Có nhiều điều ấn tượng đối với tôi khi công tác tại Guinea.
Khi tôi trình quốc thư lên Tổng thống, ngoài lễ nghi cần thiết, ông đã tiếp riêng tôi mà ý đầu tiên là thể hiện sự kính trọng sâu sắc của Guinea đối với Bác Hồ bằng cách dành mấy phút tưởng niệm.
Ông nói : "Tôi đã say mê Nguyễn Ái Quốc ngay từ khi còn học phổ thông".
Ông Tổng thống cũng ưu ái cấp cho Đại sứ quán một biệt thự từng là trường học. Mọi thứ được miễn phí.
Vào đầu tháng 7/1970, ở Guinea đã xảy ra một cuộc tấn công quân sự do bọn lính đánh thuê của người Guinea lưu vong ở hải ngoại đi đường biển tấn công vào thủ đô Conakry.
Thủ đô rối loạn bất ngờ. Hàng chục người dân và một số cán bộ của các phong trào cách mạng các nước sống tạm trú tại Guinea chạy vào Đại sứ quán Việt Nam xin lánh nạn.
Trước tình hình căng thẳng đó, Đại sứ quán quyết định mở cửa cho họ chạy vào và nuôi dưỡng họ, mặc dù chúng ta đang rất khó khăn về lương thực.
Cán bộ, nhân viên Đại sứ quán phải giảm bớt nhu cầu để dành thực phẩm cho họ.
Cuối cùng, do sự phản công của quân đội Guinea, bọn đảo chính đã bỏ chạy ra biển.
Sau đó Bộ Ngoại giao Guinea và đại diện một trong vài phong trào cách mạng tạm trú ở Guinea đã cảm ơn Việt Nam và công bố lên báo địa phương.
Đợt công tác tại Guinea đúng 3 năm.
Năm 1972, tôi rời Guinea. Trước khi chia tay, Tổng thống Guinea gặp mặt và đãi cơm thân mật.
Năm 1973, tôi được cử sang làm Đại sứ ở Chile. Do Chile có đảo chính quân sự nên cùng năm đó, Đại sứ quán rút khỏi đất nước Nam Mỹ này.
Lại gặp đảo chính ở Angola
Tôi về nước năm 1973 và nhận quyết định làm Chánh Văn phòng Bộ Ngoại giao cho đến năm 1976.
Lúc này cũng là thời kỳ sôi động của phong trào giải phóng dân tộc ở các nước bị chế độ thực dân cai trị.
Đồng chí Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch được lệnh đi một vòng qua các nước, trong đó có Cộng hòa Angola mới được giải phóng thoát khỏi thực dân Bồ Đào Nha.
Angola rất mong muốn thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam và rất khâm phục Việt Nam.
Sau chuyến đi của đồng chí Thạch, trên đã quyết định bổ nhiệm tôi làm Đại sứ đầu tiên tại Angola vào năm 1976.
Tôi có nhiều ấn tượng trong quá trình công tác tại Angola.
Angola mới độc lập qua cuộc cách mạng bạo lực. Bạn rất cảm mến và phục quyết tâm cách mạng của Việt Nam.
Tổng thống António Agostinho Neto đã thăm Việt Nam năm 1973 và có ấn tượng rất tốt về Việt Nam. Trong chuyến thăm, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã tiếp tổng thống bạn.
Với tình cảm yêu mến Việt Nam, bạn đã quyết định cấp nhà cho Việt Nam lập đại sứ quán miễn phí. Trong khi đó, ta cử chuyên gia nông nghiệp sang giúp bạn trồng lúa (ban đầu là 10 người, không lấy lương theo chế độ chuyên gia mà chỉ nhận trợ cấp tượng trưng).
Trong một thời gian ngắn, Việt Nam đã cử nhiều đoàn đến làm việc và trao đổi kinh nghiệm, nổi bật có đoàn của Chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ thăm vào năm 1978 mà bạn gọi là: "Vị luật sư cầm súng".
Đến năm 1980, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm, bạn gọi là: "Tướng huyền thoại của các dân tộc nổi dậy".
Đại sứ Vũ Hắc Bồng tháp tùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chuyến thăm Angola năm 1980. (Ảnh: NVCC) |
Đến khi bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đến thăm Angola, bạn gọi là: "Bông hoa của những bông hoa giải phóng".
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều phức tạp xuất phát từ yếu tố chủ quan và khách quan ảnh hưởng lớn đến sự ổn định của đất nước này, trong đó có sự tồn tại của lực lượng vũ trang gọi là FNLA (Mặt trận quốc gia giải phóng Angola) được nước ngoài hỗ trợ nên từ biên giới liên tục tấn công Angola.
Lực lượng này móc nối với một số cán bộ của bạn, trong đó có cả Ủy viên Bộ Chính trị của Đảng cầm quyền để làm đảo chính. Đất nước Angola bị chấn động lớn nhưng cuối cùng lãnh đạo và quân đội đã phản công giành lại tình thế.
Căng thẳng diễn ra trong một thời gian ngắn.
Đây là nước thứ 3 tôi đi công tác nhiệm kỳ đều gặp phải đảo chính!
Tôi đã trải qua 6 năm công tác tại Angola, có 1/2 thời gian làm trưởng đoàn ngoại giao.
Tổng thống A. Neto mắc bệnh và qua đời. Người lên thay là một vị Phó Thủ tướng tên là Santos, ông đã mời cơm thân mật lúc chia tay tôi.
Trở về với “Ngoại giao nội địa”
Tôi về nước vào năm 1982.
Bộ cử tôi làm Giám đốc Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh, mà chúng tôi thường gọi vui với nhau là "Ngoại giao nội địa" - hay gọi là Ngoại giao Local.
Tôi đã trải qua 20 năm công tác tại Sở Ngoại vụ, với một số công việc chính qua nhiều giai đoạn.
Giai đoạn đầu là chấn chỉnh nội bộ, học tập và làm quen với tính cách một cơ quan ngoại giao địa phương có sự lãnh đạo của Bộ Ngoại giao và của lãnh đạo Thành phố, phải từng bước làm cho tốt.
Các công tác lớn đó là việc chấp hành chống di tản bằng chương trình đưa dân ra nước ngoài một cách có tổ chức, có trật tự (cuối cùng đã giải quyết gần 1.000.000 người dân đi đoàn tụ gia đình thường gọi là chương trình ODP).
Vấn đề tiếp theo là cùng nhiều cơ quan lo cứu trợ cho Campuchia, trong đó có khoảng 6.000 dân tị nạn đến Thành phố và một số địa phương lân cận.
Tiếp theo là thực thi chủ trương từng bước mở rộng quan hệ quốc tế theo hướng đón tiếp các đoàn quốc tế đến Thành phố (như phóng viên nước ngoài, các nhà kinh doanh, các tổ chức quốc tế, các chính khách).
Chủ tịch Cuba Phidel Castro ký ảnh lưu niệm trong chuyến thăm TP. Hồ Chí Minh, 5/1995. Từ trái qua: ông Phạm Chánh Trực, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, ông Vũ Hắc Bồng, Giám đốc Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh). (Ảnh tư liệu). |
Đặc biệt, có việc đón tiếp lãnh tụ Cuba Fidel Castro, đoàn cấp cao của Trung Quốc, Tổng thống Mỹ và một số lãnh tụ của thế giới thứ 3.
Mặt khác, thông qua nhiều đường để cử người ra quốc tế nhằm mở rộng hợp tác thương mại kinh tế mà hình thức ban đầu là kết nghĩa chính trị, văn hóa...
Thành phố Hồ Chí Minh đã góp phần đáng kể trong kết quả chống bao vây, cấm vận và mở rộng hợp tác quốc tế.
Vào thời kỳ phát triển mới của đất nước, đi sâu vào thời kỳ hiện đại hóa các mặt, Thành phố đã huy động cả hệ thống chính trị trong đó có Sở Ngoại vụ vào vận động quốc tế để mở rộng hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật.
Công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài cũng đã từng bước đi từ thấp đến cao, ngày nay đã trở thành một mặt quan trọng trong hệ thống chính trị của Thành phố.
Ông Vũ Hắc Bồng, nguyên Giám đốc Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi gặp mặt kỷ niệm 45 năm thành lập Sở, tháng 10/2020. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Tôi kết thúc công tác tại Sở Ngoại vụ vào cuối năm 2001.
“Xuất thân miền Bắc (Nghệ An), đi bộ đội Nam tiến, chuyển sang công tác đối ngoại khi đang là sĩ quan Quân đội, ông Bồng có bề dạy hoạt động và vốn sống rất phong phú. Ở ông, các phẩm chất tốt đẹp nhất của “sĩ phu Bắc Hà” hòa quyện nhuần nhuyễn với chất “anh Hai Sài Gòn” nên ông có khả năng tiếp xúc rất đặc biệt với mọi người. Lại có khiếu hài hước sâu sắc nên người đối thoại với ông luôn cảm thấy dễ chịu, thoải mái". Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Cuba Vũ Chí Công |
Điều tôi mừng nhất là một thế hệ trẻ kế tiếp đã và đang phát triển, có kiến thức tốt hơn, có sức bật và năng suất cao đang làm tốt công việc mà cấp trên giao cho.
Nay tôi đã bước vào tuổi 95 rồi.
Chỉ xin thưa rằng, qua hơn 25 năm trong quân ngũ và gần 50 năm làm công tác ngoại giao, để đền đáp công ơn của cách mạng, tôi luôn tâm niệm rằng, một người cán bộ muốn làm cho tốt thì phải sống biết điều, biết đoàn kết như bác Tôn Đức Thắng đã dặn tôi hồi năm 1973 trước khi đi Chile.
Một điều luôn in sâu trong tôi để xứng đáng là con cháu của Bác Hồ, mỗi khi gặp điều khó xử thì nhớ 6 chữ của Bác: "Dân tộc, hòa bình và vị tha".
Ông Vũ Hắc Bồng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Guinea, Chile và Angola, nguyên Giám đốc Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh, nguyên cố vấn cao cấp của Bộ Ngoại giao Việt Nam. Ông là một trong 10 nhà ngoại giao được Chủ tịch nước phong hàm Đại sứ suốt đời đợt đầu tiên. |