Khủng hoảng lương thực
Những nạn nhân phải hứng chịu tác động nặng nề nhất vẫn là khu vực châu Á - Thái Bình Dương, châu Phi, Nam Sahara và Mỹ Latinh. Số người bị thiếu đói đã tăng lên 642 triệu ở khu vực châu Á Thái Bình Dương. Còn ở châu Phi và Nam Sahara, con số này là 265 triệu và ở Mỹ Latinh là 53 triệu. Con số đó ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi cũng đã lên tới 42 triệu người. Trong khi đó, nạn đói cũng bắt đầu "tăng nhiệt" ở các nước phát triển với khoảng 15 triệu người.
Cách đây hơn một năm, các nước thành viên của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) đã cam kết đến năm 2015 giảm một nửa số người bị đói trên thế giới. Nhưng từ đó đến nay, số người bị đói trên thế giới đã tăng từ 850 triệu người lên gần một tỷ người và cứ 6 giây có một đứa trẻ bị chết đói. Theo các bản báo cáo của FAO, từ nay đến năm 2050, sản xuất nông nghiệp phải tăng 70% mới có thể có đủ lương thực để nuôi 9 tỷ người trên thế giới.
Theo Ngân hàng Thế giới, giá lương thực lên cao làm tăng ngay số người nghèo đói lên và sự giảm sút về thu nhập trên toàn cầu cũng là một nguyên nhân làm cho tình trạng nghèo đói tồi tệ hơn. Điều trớ trêu là hầu hết những người nghèo đói của thế giới lại là nông dân, những người sản xuất ra lương thực. Thực tế, hơn 60% người dân châu Phi làm việc ở nông thôn, trồng trọt và chăn nuôi súc vật, chỉ kiếm được chưa đầy 1 USD/ngày. Năng suất các vụ mùa của họ chỉ bằng 20% năng suất các vụ mùa ở châu Âu và Mỹ, bởi vì họ không tiếp cận được với tất cả những điều kiện cần thiết để tăng sản lượng như giống, phân bón, nước, điện, kỹ thuật và khả năng tiếp cận thị trường. Khi giá lương thực giảm đi, người nông dân lại là những người bị tổn thương nhất do nông sản là những thứ họ phải bán để lấy tiền trang trải cho các khoản chi tiêu khác.
Đối phó thụ động
Hội nghị cấp cao về an ninh lương thực do FAO tổ chức đã khai mạc ngày 16/11 tại Rome, vào lúc số người bị đói trên thế giới tiếp tục gia tăng, thì lãnh đạo của 8 nước giàu nhất G8 lại vắng mặt, trừ Thủ tướng Silvio Berlusconi của nước chủ nhà Italy.
Trước một thách thức to lớn như vậy, mọi giải pháp phải được xem xét, kể cả việc kêu gọi lĩnh vực tư nhân cũng góp phần vào giải quyết. Để thuyết phục các công ty tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh chống nạn đói trên thế giới, Tổng Thư ký FAO Jacques Diouf đã vận dụng cả những lập luận kinh tế khi nói rằng thị trường sẽ được mở rộng, nếu như một tỷ người hiện nay đang bị đói ăn trở thành những người tiêu dùng.
Tháng 7 vừa qua, các nước G8 đã hứa sẽ chi khoảng 20 tỷ USD trong thời gian 3 năm cho các nước đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Thế nhưng, giới quan sát lại tỏ ra hết sức lo ngại về khả năng hoạt động viện trợ lương thực khẩn cấp của Liên hiệp quốc cho các nước nghèo sẽ bị thu hẹp. Giới chuyên gia kinh tế cho rằng để đối phó với nạn đói ngày càng gia tăng, trước hết thế giới cần phải tìm cách cân bằng giữa trợ giúp lương thực và hỗ trợ phát triển nông nghiệp ở các nước bị đe dọa nặng nề nhất. Với cách làm này mới hy vọng tìm ra lời giải cho bài toán xóa đói và giảm nghèo trên thế giới.
Điều dễ nhận thấy là hình thức viện trợ lương thực các nước giàu chưa đưa lại hiệu quả lâu dài trong cuộc chiến chống nghèo đói. Khi giá lương thực tăng vọt trong năm 2008, chính phủ Mỹ đã chi bổ sung 1,4 tỷ USD để vận chuyển lương thực sản xuất trong nước ra nước ngoài như các khoản viện trợ. Hành động này lại không đưa ra được giải pháp nào cho vấn đề sản lượng lương thực thấp. Hiện tại, Mỹ chi cho viện trợ lương thực ở châu Phi nhiều gấp 20 lần số tiền họ chi cho phát triển nông nghiệp để giúp người dân châu Phi tự nuôi lấy họ.
Cuộc đua tìm đất
Do không thể nuôi sống dân số đông đúc chỉ bằng nguồn lương thực sản xuất trong nước, một số quốc gia đang lao vào các chiến dịch mua những diện tích đất trồng khổng lồ ở nước ngoài. Một số nước đông dân đã coi việc tìm kiếm, thuê hoặc mua lại đất có thể canh tác như một chính sách ưu tiên hàng đầu, nhằm bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.
Tại hội nghị thượng đỉnh của FAO năm nay, nhiều tổ chức phi chính phủ đã tố cáo các quốc gia, các tập đoàn đa quốc gia chiếm đất của nông dân tại các nước nghèo. Trong số này, Trung Quốc là trường hợp điển hình. Trung Quốc tuy là quốc gia có diện tích đất lớn nhưng chỉ có 10% là đất nông nghiệp trong khi phải nuôi đến 22% dân số thế giới. Để giải quyết sự thiếu thốn này, từ năm 2007, Trung Quốc đã chi hơn 2,2 tỷ USD để mua đất trồng ở nước ngoài. Khoảng 40 công ty nông nghiệp của nước này đã thành lập các nông trường quy mô lớn tại 30 nước trên thế giới. Các nông trường này sản xuất chủ yếu những loại lương thực, thực phẩm mà Trung Quốc thiếu như gạo, đậu tương, ngô...
Hai tổ chức phi chính phủ Grain và La Via Campesina đã lên án một số chính phủ như Saudi Arabia và Hàn Quốc đã gây sức ép để mua đất canh tác của các nước nghèo và xem đó là chiến lược mới để bảo đảm lương thực cho dân nước họ mà không phải thông qua hệ thống mậu dịch quốc tế. Theo hai tổ chức này thì có hơn 100 tỷ USD đã được chi cho việc mua bán đất canh tác và 40 triệu ha đất đã bị chiếm đoạt từ Etiopipi đến Indonesia.
Mặc dù không phải lúc nào việc mua bán đất cũng được ủng hộ song các hoạt động mua bán đất đai vẫn có xu hướng tăng mạnh. Theo Liên minh quốc tế về đất đai, khoảng 30 triệu ha đất có khả năng canh tác đã được đưa lên bàn thương lượng trong nửa đầu của năm 2009, lớn hơn cả diện tích đất trồng ở Pháp (27,5 triệu ha) và lớn gấp 3 lần diện tích đất đã được mua bán giữa các nước trong cả năm 2008.
Gia Lê (tổng hợp)