TIN LIÊN QUAN | |
Tổng thống Obama chúc mừng ông Donald Trump | |
Điện mừng tân Tổng thống Hoa Kỳ |
Khi tỉ phú Donald Trump tuyên bố tham gia tranh cử, ít ai ngờ ông sẽ vượt qua 22 ứng viên lớn đầy tiềm năng khác và trở thành người chiến thắng trong cuộc đua gay cấn vào Nhà Trắng kéo dài 595 ngày. Đây là kết quả đầy bất ngờ khi bà Hillary Clinton liên tục dẫn trước trong các cuộc thăm dò trước bầu cử.
Ông Donald Trump đã bất ngờ vượt qua ứng cử viên dày dạn kinh nghiệm của đảng Dân chủ Hillary Clinton để trở thành ông chủ thứ 45 của Nhà Trắng. (Nguồn: AP) |
Vì sao thắng cử?
Việc ông Trump, một người không hề có kinh nghiệm về chính trị hay đối ngoại trước khi tranh cử, lại nhận được sự ủng hộ của đảng Cộng hòa và cử tri toàn nước Mỹ là một tiền lệ chưa từng có. Song điều này có thể lý giải.
Từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, kinh tế Mỹ đã có nhiều khó khăn, dù chính quyền của Tổng thống Obama đã nỗ lực và đạt được một số thành tựu nhất định trong thúc đẩy phục hồi kinh tế, tạo công ăn việc làm. Người dân Mỹ đã mất lòng tin vào giới lãnh đạo tinh hoa truyền thống khi tình hình kinh tế - xã hội Mỹ mãi không được cải thiện. Điều này đã đẩy những mâu thuẫn trong chính trị nội bộ Mỹ gia tăng mạnh trong hai năm gần đây.
Cử tri Mỹ cho rằng giới tinh hoa truyền thống là những người nói nhiều làm ít. Tình trạng này cần phải thay đổi, dù bản thân cử tri Mỹ cũng chưa biết những thay đổi đó nên đi theo hướng nào và đi về đâu. Có lẽ, đơn giản là người dân Mỹ đã nhàm chán những khuôn mặt quen thuộc của chính quyền do đảng Dân chủ lãnh đạo.
Lý giải về sự trỗi dậy mạnh mẽ của ông Trump, nhà phân tích Scot Faulkner của đảng Cộng hòa cho rằng, chính phong cách ăn ngay nói thẳng của ông Trump khiến những người bảo thủ hài lòng. "Ông Trump thuộc tuýp người bạo miệng đến mức người ta gần như tin rằng ông là người có suy nghĩ mới mẻ. Tôi cho rằng đó là lý do khiến ông Trump vượt lên đứng đầu".
Số liệu của hãng tin CBS công bố sáng ngày 9/11 cho thấy, mặc dù cả hai ứng viên Tổng thống Mỹ đều không giành được sự ủng hộ của đại đa số cử tri (54% người được hỏi không thích bà Clinton và 61% không thích ông Trump), song ông Trump lại giành được sự ủng hộ của các cử tri trông chờ sự đổi thay của nước Mỹ. Trong số các cử tri hi vọng tổng thống mới "có thể đem lại những thay đổi cần thiết" cho nước Mỹ, có đến 83% ủng hộ ông Trump trong khi bà Clinton chỉ nhận được 13%.
Quan điểm thay đổi là cần thiết để đem lại chiến thắng cho các ứng cử viên tổng thống. Cũng chính với khẩu hiệu thay đổi, Obama đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2008 và một lần nữa mong muốn thay đổi của cử tri chính đã làm nên thắng lợi của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay. Thắng lợi của ông Trump đồng nghĩa với thắng lợi của chủ nghĩa dân túy trong nền chính trị Mỹ.
Thách thức nào ở phía trước?
Ông Trump sẽ phải đối mặt với những thách thức không hề nhỏ cả về đối nội và đối ngoại.
Trong nước, kinh tế Mỹ tiếp tục trì trệ. Từ năm 2009 đến nay, Mỹ đang ở giai đoạn phát triển chậm nhất từ sau Chiến tranh Lạnh với tăng trưởng trung bình khoảng 2%/năm. Thâm hụt ngân sách Mỹ trong tài khóa 2016 hôm 30/9 đã tăng lần đầu tiên trong 5 năm. Bên cạnh đó, chi phí y tế, giáo dục liên tục tăng, lượng doanh nghiệp mới thành lập giảm sút khiến Mỹ đứng trước nguy cơ rơi vào khủng hoảng như hồi năm 2008.
Bên cạnh đó, tổng thống mới của nước Mỹ còn phải đối mặt với một nước Mỹ bị chia rẽ và mất niềm tin hơn bao giờ hết. Những cuộc cãi vã, công kích cá nhân và giọng điệu hằn học giữa hai ứng viên trong quá trình tranh cử là minh chứng cho điều này. Theo khảo sát của hãng tin ABC vào tuần trước, 97% người ủng hộ ông Trump và bà Clinton cho biết họ sẽ không chấp nhận ứng viên của phe kia. Hãng tin CBS cho biết có đến 65% số người được hỏi cho rằng ông Trump không đáng tin và một nửa số đại cử tri tuyên bố họ không sẵn sàng ủng hộ tân tổng thống.
Ngay khi kết quả cho thấy lợi thế nghiêng về ông Trump, hơn 1.000 người đã tập trung trước cửa Nhà Trắng, một số còn tràn xuống đường để phản đối. Sau khi Donald Trump giành chiến thắng, biểu tình đã nổ ra ở nhiều nơi tại Mỹ. Theo The Guardian (Anh), các cuộc biểu tình đã nổ ra tại các thành phố trên khắp nước Mỹ, trong đó có Oakland, Los Angeles, Portland và New York. Cũng có thông tin về các cuộc tuần hành và biểu tình ở trung tâm Portland, tại Davis, California và tại Đại học Columbia ở New York. Truyền thông Mỹ đưa tin, hàng trăm sinh viên đã xuống đường biểu tình ở các thành phố Berkeley, Oakland và San Jose chỉ vài phút sau khi thông tin về ông Donald Trump đắc cử tổng thống.
Về đối ngoại, ông Trump sẽ phải đối mặt với một thế giới bất ổn sâu sắc, từ một Trung Đông căng thẳng với các điểm nóng ở Syria, Iraq, Yemen, Libya, Israel... tới một châu Âu đang vật lộn với những chia rẽ nội khối, gia tăng biến động chính trị và nguy cơ khủng bố..., nhất là khi tương quan và sức mạnh Mỹ không còn ở thế áp đảo như trước, cùng với đó là sự nổi lên của các trung tâm quyền lực mới.
Ông Trump sẽ tập trung thực hiện khẩu hiệu "làm cho nước Mỹ vĩ đại một lần nữa". (Nguồn: AP) |
Bước đi khôn ngoan đầu tiên
Trong nhiệm kỳ của mình, chắc hẳn ông Trump sẽ tập trung xung quanh khẩu hiệu "làm cho nước Mỹ vĩ đại một lần nữa". Và ngay trong những động thái đầu tiên khi thắng cử, ông đã cho thấy bước đi "khôn ngoan" của một nhà lãnh đạo đất nước.
Khác với phong cách gay gắt và những phát ngôn gây sốc thường thấy, trong bài phát biểu thắng cử của mình, ông Trump đã có những nỗ lực hàn gắn sự chia rẽ chính trị trong cử tri. Ông ca ngợi và ghi nhận những đóng góp của bà Hillary Clinton, và kêu gọi nước Mỹ "hàn gắn vết thương do chia rẽ" và đoàn kết trở lại để cùng nhau "xây dựng lại đất nước và làm mới giấc mơ Mỹ".
Ông Trump dành phần lớn thời lượng bài phát biểu tập trung nói về kế hoạch phục hưng nước Mỹ và các chính sách đối nội của mình, từ việc phát triển cơ sở hạ tầng đến các trợ cấp xã hội cho cựu chiến binh và chia sẻ lợi ích phát triển tới mỗi công dân. Ông Trump hứa hẹn về việc tăng gấp đôi tốc độ phát triển và giữ vững vị thế nền kinh tế mạnh nhất thế giới của Mỹ.
Về đối ngoại, ông khẳng định mong muốn xây dựng quan hệ "tốt đẹp" và "công bằng" với các nước "sẵn sàng quan hệ tốt" với Mỹ và nhấn mạnh "sẽ luôn đặt lợi ích của nước Mỹ lên hàng đầu".
Có thể thấy, mục tiêu Donald Trump là phục hưng nước Mỹ và khẳng định lại vai trò lãnh đạo của Mỹ thông qua những nhiệm vụ kinh tế trong nước để chấn hưng nước Mỹ từ bên trong. Tuy nhiên, điều này khiến nhiều người lo ngại về sự cam kết của Mỹ đối với đồng minh và bạn bè.
Trong chiến dịch tranh cử, Donald Trump đã nhiều lần nhắc đến những cam kết này. Ông cho rằng nước Mỹ không nên tiếp tục bảo trợ an ninh "không công" cho các đồng minh chủ chốt như Hàn Quốc và Nhật Bản, hứa hẹn sẽ giải tán khối NATO nếu ông đắc cử, thậm chí chỉ trích các đồng minh đang "lợi dụng" nước Mỹ.
Ông cũng từng phát biểu, nếu làm tổng thống, ông có thể không đảm bảo sự bảo vệ cho các nước NATO nếu các nước này bị tấn công; và rằng, Mỹ sẽ chỉ giúp nếu nước đó đã thực hiện đầy đủ "nghĩa vụ" trong liên minh. Đây là lần đầu tiên kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, một ứng viên tổng thống đề xuất việc đặt điều kiện cho việc bảo vệ đồng minh của Mỹ.
Tân Tổng thống Trump cam kết vì một nước Mỹ hùng mạnh Ngay sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 trước đối thủ Hillary Clinton, tỷ phú Donald Trump đã có ... |
Dư luận quốc tế về kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ Lãnh đạo nhiều nước trên thế giới đã chúc mừng ông Donald Trump và khẳng định sẵn sàng hợp tác với chính quyền tương lai ... |
Đường lối đối nội của tân Tổng thống Mỹ Giờ là lúc Tổng thống đắc cử Donald Trump vạch ra lộ trình thực hiện “Bản hợp đồng giữa Donald Trump và nước Mỹ”. |