Nhỏ Bình thường Lớn

"Đóng băng" chính sách ánh dương: Lợi bất cập hại?

Chính sách Ánh Dương của Hàn Quốc đối với CHDCND Triều Tiên dường như đã bị đóng băng từ hai tháng qua kể từ khi Tổng thống Lee Myung-bak lên nhậm chức. “Lợi” thì chưa thấy gì cụ thể, nhưng “hại” thì đã rõ.


Chính sách Ánh Dương có “phiên bản mới”?

Được Tổng thống Kim Dae-jung đưa ra từ năm 1998, Chính sách Ánh Dương chú trọng thúc đẩy hợp tác hoà bình, tiến tới hoà giải và thống nhất. Chính sách Ánh Dương gồm 3 nguyên tắc cơ bản: CHDCND Triều Tiên sẽ không có các hoạt động vũ trang nhằm vào miền Nam; Hàn Quốc sẽ không nỗ lực để sáp nhập CHDCND Triều Tiên bằng mọi giá; Hàn Quốc sẽ chủ động tìm kiếm các hình thức thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai miền.

Kể từ khi thực hiện Chính sách Ánh Dương, CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc đã có nhiều cuộc tiếp xúc chính trị, hợp tác kinh tế và tổ chức gặp gỡ cho các gia đình bị ly tán. Năm 2000, Tổng thống Kim Dae-jung đã được trao giải Nobel hoà bình nhờ chính sách Ánh Dương. Dưới thời Tổng thống Roh Moo-huyn, chính sách Ánh Dương cũng được thúc đẩy thực hiện với mục tiêu xây dựng sự hiểu biết lẫn nhau, cùng theo đuổi lợi ích chung, tìm kiếm sự hợp tác quốc tế về vấn đề liên Triều.

Trong bài diễn văn nhậm chức ngày 25/2, Tổng thống mới của Hàn Quốc Lee Myung- bak cũng tuyên bố “phải thúc đẩy quan hệ giữa hai miền hơn nữa, không phải ở ngưỡng ý niệm mà phải là hành động thực tế”. Ông cũng nói về chương trình Tầm nhìn 3.000, trong đó, Hàn Quốc sẽ giúp đỡ nước CHDCND Triều Tiên nâng thu nhập bình quân đầu người từ mức 250 USD hiện nay lên mức 3.000 USD trong 10 năm tới. Lee Myung-bak cũng tuyên bố rõ những khoản viện trợ cho CHDCND Triều Tiên sẽ được gắn với hai điều kiện tiên quyết: Phi hạt nhân và cải cách mở cửa.

Tuy nhiên, sự đóng băng trong quan hệ liên Triều hai tháng qua khiến nhiều người đặt ra câu hỏi liệu Chính sách Ánh Dương được khởi động 10 năm trước có phải đang phải bước vào thời điểm “Hoàng Hôn” khi chính sách của Lee Myung-bak đối với CHDCND Triều Tiên ngày càng tỏ ra cứng rắn. Chính sách đối với Bình Nhưỡng của Lee Myung- bak dường như chỉ tập trung vào sự khác biệt về Chính sách Ánh Dương của hai chính phủ tiền nhiệm, chỉ trích nó quá duy tâm và lờ đi tình hình thực tế, trong khi họ chiếm ưu thế trong mối quan hệ liên Triều. Cheong Seong-Chang, Trưởng ban nghiên cứu Triều Tiên tại Viện nghiên cứu Sejong cho rằng: “Mối quan hệ liên Triều đang bị xói mòn nhanh chóng, bởi Chính phủ Lee Myung-bak theo đuổi chính sách đối với Triều Tiên khác xa với thời Tổng thống Kim Dae-jung và Roh Moo-hyun, lờ đi các thỏa thuận đạt được tại các thượng đỉnh hai bên đạt được trước đó và theo đuổi chính sách cứng rắn”.

Thành tựu đáng kể

Mới đây, một tổ nghiên cứu chính sách Ánh Dương công bố bản thống kê nhấn mạnh những thành tựu đạt được của chính sách này. Chẳng hạn, kể từ khi Chính sách Ánh Dương ra đời, có khoảng 1,72 triệu dân Hàn Quốc thăm đỉnh Kumgang hay núi Kim Cương ở Triều Tiên. Hiện tại, có khoảng 69 công ty Hàn Quốc hoạt động ở Khu công nghiệp Keasong và tuyển dụng khoảng 30.000 nhân công Triều Tiên. Một ngày trung bình có khoảng 300 đến 400 xe tải của Hàn Quốc đi quanh khu vực phi quân sự (DMZ) tới Triều Tiên và khoảng 1.000 người qua lại biên giới.

Hàng năm, có khoảng 100.000 người Hàn Quốc sống quanh DMZ qua lại thăm nhau. Cuối năm ngoái, tổng kim ngạch thương mại liên Triều đạt 1,78 tỷ USD, chiếm 40% ngoại thương của Triều Tiên.

Trích dẫn những con số trên cho thấy Triều Tiên có những dấu hiệu cởi mở cũng như mối quan hệ sâu sắc hơn với Hàn Quốc. Chung Se-hyun, nguyên Bộ trưởng thống nhất dưới thời chính quyền Kim Dae-jung và Roh Moo-hyun cho rằng: “Thay vì chỉ trích chính sách Ánh Dương không có tác dụng tương hỗ hay lợi thế quá nghiêng về Triều Tiên, cần nhận thấy rằng Triều Tiên đang ngày càng tin tưởng Hàn Quốc hơn”.

Theo quan điểm của một số chính trị gia, những chỉ trích như thế, chủ yếu đánh giá trên phương diện chính trị và quân sự, là chưa thỏa đáng. Chẳng hạn như trường hợp của Đức, trao đổi công dân luôn diễn ra trước rồi kế tiếp mới đến những biến chuyển về chính trị và quân sự.

Những người ủng hộ chính sách Ánh Dương cũng chỉ ra những ảnh hưởng tư bản chủ nghĩa “ngấm” vào Triều Tiên. Những người này cho rằng mặc dù Triều Tiên tuyên bố với bên ngoài họ là một quốc gia xã hội chủ nghĩa nhưng trên thực tế đã bắt đầu có những chuyển biến sang nền kinh tế thị trường. Họ cho rằng năm 2002 được xem như là năm đầu tiên Triều Tiên thực hiện chính sách mở cửa.

Trong năm đó, nước này đã mở cửa 5 thành phố đối với Hàn Quốc, bao gồm Sinuiju, Mount Kumgang, Kaesong…. Trên thực tế, người ta cho rằng Triều Tiên thực sự có ý định thay đổi nhưng Mỹ đã không cho họ cơ hội.

Chính phủ mới của Hàn Quốc nhiều lần tuyên bố sẽ tập trung vào việc cải thiện kinh tế đất nước. Mối quan hệ liên Triều là một nhân tố lớn ảnh hưởng đến tình hình thương mại và xếp hạng chỉ số tín dụng quốc gia. Một bán đảo Triều Tiên ổn định sẽ tốt cho việc thu hút đầu tư và cơ hội kinh doanh. Như vậy, chính sách Ánh Dương tốt cho sự phát triển kinh tế đất nước.

“Ánh Dương” chiếu về đâu?

Những người chỉ trích cách tiếp cận của ông Lee Myung-bak đối với Triều Tiên cũng chỉ trích chính sách thực dụng, cứng rắn của ông đối với Bình Nhưỡng trong lĩnh vực kinh tế. Họ cho rằng kỳ vọng vào sự nhân nhượng trong quan hệ với Bình Nhưỡng là sai bởi vì mục tiêu cuối cùng là thống nhất đất nước chứ không phải thành tựu về kinh tế.

Gong Tieying, một nhà nghiên cứu các vấn đề Triều Tiên của Trung Quốc cũng chỉ ra rằng làm kinh tế khác xa với làm chính trị: “Hoạt động chính trị cần một tầm nhìn dài hạn. Nếu một chính trị gia vẫn hành xử chủ yếu dựa trên các lập luận của một doanh nhân thì chắc chắn sẽ gặp rắc rối”.

Cho đến nay, nhiều nhà bảo thủ ở Hàn Quốc vẫn giữ quan điểm không nhìn thấy triển vọng nào của chính sách Ánh Dương. Yang Un-Chul ở Viện nghiên cứu Sejong, người ủng hộ quan điểm tiếp cận cứng rắn của Lee Myung-bak đối với Triều Tiên, cho rằng: “Rõ ràng chính sách đối với Bình Nhưỡng trong quá khứ không chỉ thất bại trong việc ngăn chặn Bình Nhưỡng từ bỏ hạt nhân mà còn không cải thiện được nền kinh tế nước này. Nếu chúng ta có thái độ tin tưởng, kiên định và thực hiện chính sách dựa trên sự nhân nhượng, thái độ của Triều Tiên sẽ thay đổi”.

Trong khi hai miền Triều Tiên đang trong tình trạng “chiến tranh lạnh”, các công ty của Nga, Trung Quốc và thậm chí cả Mỹ sẽ có nhiều cơ hội giành được quyền khai thác các nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú của Triều Tiên, bao gồm cả quặng sắt và uranium.

Mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên có hướng tới một kỷ nguyên mới hay sẽ quay trở về tình trạng căng thẳng, đối đầu như thế kỷ trước, chủ yếu sẽ phụ thuộc vào những động thái sắp tới của Seoul.

Mai Thảo
(Theo Asia Times, Korea Times)