📞

Dự báo thế giới 2021: Sự thật về Covid-19 sẽ được 'vén màn'?

Bích Hạnh 18:45 | 04/01/2021
TGVN. Trong bối cảnh các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), những người phụ trách điều tra về nguồn gốc của virus corona chủng mới (SARS-CoV-2), sắp đến Vũ Hán (Trung Quốc), báo Pháp Le Point đặt câu hỏi “Năm 2021 sẽ tìm ra sự thật về Covid-19?”.
Cuộc điều tra về nguồn gốc Covid-19 có thể kéo dài trong nhiều năm. (Nguồn: Getty Images)

Cuộc điều tra quy mô lớn

Tại Trung Quốc, năm 2021 bắt đầu bằng một sự kiện mà lẽ ra đã phải bắt đầu từ năm 2020: WHO sẽ phái một ê kíp gồm khoảng 12 người đến Vũ Hán để điều tra nguồn gốc đại dịch Covid-19. Họ sẽ phải cách ly hai tuần, sau đó dành 4 tuần để điều tra.

Hãng tin Reuters dẫn lời một trong những nhà điều tra, ông Fabian Leendertz đến từ Viện Robert-Koch (Đức), nói: “Mục đích ở đây là để hiểu được những gì đã diễn ra và dựa trên cơ sở dữ liệu đó cố gắng giảm được nguy cơ trong tương lai”.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến vẫn thiên về việc SARS-CoV-2 bắt nguồn từ động vật chứ không phải là một "tai nạn" từ phòng thí nghiệm. Cuối cùng, việc điều tra mất rất nhiều thời gian và dư luận không nên hy vọng có ngay kết quả.

Nếu SARS-CoV-2 là do lây truyền từ dơi hoặc một con vật trung gian sang người, cuộc điều tra sẽ mất nhiều năm.

Sáu năm sau đợt dịch H1N1, năm 2019, người ta mới tìm ra được nơi xuất phát của virus là từ một trại nuôi heo ở Mexico. Với virus SARS-CoV-2 lần này, các nhà điều tra phải tăng cường giám sát virus ở vật nuôi và thú hoang, với một số lượng rất lớn “nghi can”, trong khi một hệ thống giám sát như vậy hãy còn "phôi thai".

Giả thiết thứ hai là virus thoát ra từ phòng thí nghiệm. Nếu đi theo hướng này, chỉ cần một cuộc điều tra đơn giản tại các phòng thí nghiệm gần tâm dịch nhất, tránh lãng phí nhiều năm tìm kiếm theo hướng khác.

Nhà vi sinh học Richard Ebright của trường Đại học Rutgers (Mỹ), chuyên gia về an toàn sinh học, nói: “Một cuộc điều tra khả tín đòi hỏi phải được tham khảo tài liệu lưu trữ, các mẫu vật, tiếp xúc các nhân viên tại trụ sở Viện Vi trùng học Vũ Hán, Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Vũ Hán và Viện Sản phẩm sinh học Vũ Hán. Tiến trình này phải bao gồm cả việc thanh tra các tài liệu lưu trữ bằng giấy tờ và trong máy tính, các tủ lạnh và tủ đông, chất vấn cả những thợ xây dựng, bảo trì, quét dọn, đổ rác ở phòng thí nghiệm và bộ phận hành chính, xét nghiệm huyết thanh từ những người này và lấy mẫu ở môi trường xung quanh tòa nhà”.

Tuy nhiên, tất cả những động thái trên đều không nằm trong chương trình điều tra của WHO. Và nếu có đi nữa thì các chuyến thăm phòng thí nghiệm cũng sẽ hoàn toàn mang tính hình thức, việc thẩm vấn bị hạn chế.

Trung Quốc nỗ lực với "ngoại giao vaccine"

Trong một diễn biến khác, giới chức Trung Quốc đã chấp thuận có điều kiện việc sử dụng đại trà vaccine Covid-19 của công ty sản xuất thuốc nhà nước Sinopharm. Động thái này diễn ra một ngày sau khi công ty nói rằng dữ liệu tạm thời cho thấy loại vaccine dẫn đầu này của họ có tỷ lệ phòng ngừa hiệu quả 79% trong giai đoạn thử nghiệm thứ 3, nhưng không cung cấp thêm chi tiết.

Trung Quốc đã hứa hẹn sẽ chia sẻ vaccine của mình với các nước kém phát triển hơn với “giá cả hợp lý”. (Nguồn: CNBC)

Một số loại vaccine do Trung Quốc sản xuất đang ở giai đoạn thử nghiệm cuối đã được sử dụng ở nước này sau khi được cấp phép khẩn cấp. Theo thông báo hôm 31/12/2020, Trung Quốc lần đầu phê duyệt loại vaccine tự mình sản xuất để tiêm đại trà.

Đây là vaccine do Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc, hay còn gọi là Sinopharm sản xuất, và đây có thể được coi là một bước tiến quan trọng trong việc chủng ngừa cho dân số lớn nhất thế giới.

Một số chuyên gia hoan nghênh một cách thận trọng việc phê duyệt vaccine Sinopharm ở Trung Quốc, nhưng họ cũng chỉ ra rằng không có dữ liệu chi tiết nào từ các thử nghiệm được công bố công khai.

Tiến sĩ Song Man-ki từ Viện Vaccine quốc tế ở Seoul (Hàn Quốc), nói với hãng tin Reuters: “Việc thiếu các giấy tờ hoặc dữ liệu được xem xét toàn diện bởi các tổ chức chính thức khiến rất khó để bình luận về hiệu quả của vaccine Trung Quốc hay Nga. Chúng tôi không thể đơn giản đánh giá một loại vaccine dựa trên tuyên bố của nhà sản xuất thuốc... Nhiều dữ liệu hơn sẽ được tổng hợp khi một số quốc gia bắt đầu tiêm chủng”.

Giáo sư Paul Griffin, một chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Queensland (Australia), nói: “Việc phê duyệt có điều kiện như thế này rõ ràng là còn tùy thuộc rất nhiều vào kết quả thử nghiệm lâm sàng đang diễn ra cũng như việc quan sát kỹ những người được tiêm vaccine. Tôi nghĩ điều đó có thể chấp nhận được, nhưng điều thực sự quan trọng là mọi người phải hiểu ... vẫn đang có những nghiên cứu sâu hơn đang được tiến hành”.

Trung Quốc đã hứa hẹn sẽ chia sẻ vaccine của mình với các nước kém phát triển hơn với “giá cả hợp lý”, vì vậy có khả năng chúng cuối cùng sẽ được sử dụng bởi rất nhiều người trên khắp thế giới.

Các nhà phân tích đã chỉ ra nỗ lực của Trung Quốc để thắng trong cuộc đua "ngoại giao vaccine". Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được cho là cam kết dành 2 tỷ USD cho lục địa châu Phi, đồng thời cung cấp cho các nước Mỹ Latinh và Caribe khoản vay 1 tỷ USD để mua vaccine.

(theo Reuters/BBC)