📞

Dù là tháng 3 hay tháng 7, các cuộc gặp Mỹ-Trung Quốc đều đi vào bế tắc, vì sao?

Phương Hà 14:14 | 27/07/2021
Trong năm nay, Washington và Bắc Kinh đã có 2 cuộc gặp mặt trực tiếp nhằm tìm hướng gỡ nút thắt trong quan hệ Mỹ-Trung Quốc. Tuy nhiên, sau cuộc gặp ở Thiên Tân ngày 25-26/7, quan hệ hai nước vẫn trong trạng thái "nước sôi lửa bỏng".
Lực lượng an ninh bên ngoài địa điểm diễn ra cuộc gặp của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Sherman với các quan chức Trung Quốc tại Thiên Tân, Trung Quốc, ngày 25/7. (Nguồn: SCMP)

Chuyến đi của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đến thành phố cảng Thiên Tân, miền Bắc Trung Quốc nhằm hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc Tạ Phong, gặp Ngoại trưởng Vương Nghị được cho là một cơ hội để đảm bảo sự cạnh tranh gay gắt giữa hai nước không dẫn đến xung đột. Thế nhưng, mọi chuyện đã không diễn ra như kỳ vọng.

"Đóng đinh" lập trường

Tháng 3/2021, Trung Quốc và Mỹ đã tổ chức cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên giữa hai bên dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ở Alaska. Giai đoạn mở đầu của cuộc hội đàm được công khai với giới truyền thông, nhưng màn chào hỏi dự kiến trong vài phút đã biến thành một cuộc đối đầu gay gắt kéo dài hơn một giờ đồng hồ.

Sáng 26/7, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đã có cuộc hội đàm với Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong tại Thiên Tân. Sau cuộc hội đàm, bà Sherman cũng đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị.

Tuy nhiên, hội đàm Mỹ-Trung lần này ở Thiên Tân không giống như cuộc gặp ở Alaska lần trước vì chỉ dành thời gian 2 phút cho truyền thông trước khi khai mạc, không có bài phát biểu nào và truyền thông không được vào hội trường.

Một số quan chức cho biết cuộc gặp kín tuy cũng có không khí thân thiện nhưng bao trùm cả buổi vẫn tiếp tục là những tuyên bố "gây chiến" và những chỉ trích công khai từ cả hai phía.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Sherman gây áp lực với Trung Quốc về những hành động mà Washington cho là đi ngược lại trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Bên cạnh đó, trong các mối quan tâm chung như biến đổi khí hậu, vấn đề Iran, Afghanistan và Triều Tiên, một quan chức Mỹ cũng cho biết, “tôi nghĩ sẽ sai nếu nói là Mỹ đang tìm kiếm hoặc lôi kéo sự hợp tác của Trung Quốc”.

Trong tuyên bố sau khi kết thúc chuyến đi, bà Sherman cho biết, bà và ông Vương Nghị đã có những cuộc thảo luận thẳng thắn về một loạt vấn đề, thể hiện tầm quan trọng của việc duy trì các kênh liên lạc cởi mở giữa hai nước. Hai bên đã thảo luận về các cách để quản lý quan hệ Mỹ-Trung một cách có trách nhiệm.

Bà Sherman nhấn mạnh rằng, Mỹ chấp nhận sự cạnh tranh gay gắt giữa hai nước và sẽ tiếp tục gia tăng sức cạnh tranh của Mỹ, nhưng không có ý định tìm kiếm xung đột với Trung Quốc.

Trên tài khoản Twitter, bà Sherman chỉ đăng một bức ảnh chụp chung với ông Vương Nghị và dùng tin nhắn để nói về cuộc hội đàm với Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong.

Về phía Bắc Kinh, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị tuyên bố "quả bóng" giờ đang ở trong sân nhà Mỹ. Ông nói: “Khi nói đến tôn trọng các quy tắc quốc tế, chính Mỹ mới phải suy nghĩ lại".

Đồng thời, ông Vương Nghị yêu cầu Washington dỡ bỏ mọi lệnh trừng phạt và thuế quan đơn phương đối với Trung Quốc.

Tại cuộc họp báo sau hội đàm với bà Sherman, Thứ trưởng Tạ Phong đã trả lời về trọng tâm thảo luận của hai bên và tuyên bố rằng trong cuộc hội đàm, ngoài việc nêu rõ quan điểm chính về quan hệ Trung-Mỹ, ông đã kêu gọi Washington thay đổi nhận thức cũng như chính sách rất sai lầm về Bắc Kinh.

Trung Quốc yêu cầu Mỹ ngừng ngay lập tức việc can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, ngừng gây tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc, không nên bước qua “giới hạn đỏ” và tiến hành các trò khiêu khích.

Suy nghĩ còn cách xa nhau

Giới ngoại giao hai phía đã kỳ vọng rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Italy vào tháng 10 tới. Tuy nhiên, Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho biết triển vọng về cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo không xuất hiện ở Thiên Tân.

Trong khi đó, hiện nay, có dấu hiệu cho thấy chính quyền Tổng thống Biden có thể mở rộng quy mô các hoạt động hành pháp ảnh hưởng đến Bắc Kinh - như cản trở Iran bán dầu cho Trung Quốc, và phối hợp với các đồng minh trong các vấn đề về quan hệ với nền kinh tế thứ 2 thế giới.

Ông Biden cũng rất muốn tổ chức một hội nghị thượng đỉnh vào cuối năm nay với các nhà lãnh đạo của Bộ tứ (Quad) gồm Nhật Bản, Australia và Ấn Độ. Nhà Trắng cũng không đưa ra nhiều tín hiệu cho thấy họ có ý định giảm bớt thuế đối với hàng hóa Trung Quốc.

Đồng thời, hợp tác giữa hai bên về đại dịch Covid-19 cũng có vẻ đang trở nên "xa vời". Mỹ gọi việc Trung Quốc từ chối kế hoạch của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhằm điều tra nguồn gốc virus SARS-CoV-2 là "vô trách nhiệm" và "nguy hiểm".

Bắc Kinh trong thời điểm này dường như cũng chưa sẵn sàng hợp tác với Washington về vấn đề khí hậu, vốn là một ưu tiên đối với ông Biden, mặc dù Đặc phái viên về khí hậu của Mỹ John Kerry đã tích cực kêu gọi.

Ông Eric Sayers, nghiên cứu viên tại Viện Doanh nghiệp Mỹ nhận định: “Có thể thấy được từ Thiên Tân là cả hai bên vẫn còn rất xa nhau về cách họ nhìn nhận giá trị và vai trò của các thỏa thuận ngoại giao”.

(tổng hợp)