Campuchia là một nước phát triển chậm sau gần ba thập kỷ chiến tranh và xung đột. "Sự ngờ vực" vẫn còn ăn sâu trong suy nghĩ của người dân và trở thành nguồn gốc của bất ổn chính trị, luôn tiềm ẩn trong lòng xã hội Campuchia.
Do vậy, ông Hun Sen ưu tiên những chính sách để duy trì hòa bình, an ninh và phát triển kinh tế-xã hội, mục tiêu dân chủ và nhân quyền đứng thứ hai. Về kinh tế, ông đưa Campuchia phát triển theo mô hình kinh tế thị trường tự do. Ông lựa chọn hệ thống chính trị đa đảng, nguyên tắc dân chủ và nhân quyền được thực hiện theo Hiến pháp năm 1993.
Nhờ đó, Campuchia đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử của đất nước, trong đó bao gồm xung đột nội bộ và tranh giành quyền lực giữa các phe phái. Cuối những năm 1990, Thủ tướng Hun Sen đã giải tán các lực lượng Khmer Đỏ còn lại và tái hoà nhập họ vào các lực lượng vũ trang Hoàng gia Campuchia, đánh dấu sự kết thúc của cuộc nội chiến.
Dưới sự lãnh đạo của ông, nghèo đói ở Campuchia cũng giảm dần. Trong hai thập kỷ qua, Campuchia đạt tăng trưởng GDP bình quân đầu người 7,7% và được Ngân hàng Thế giới (WB) xếp vào danh sách các nước tăng trưởng cao. Tỷ lệ hộ nghèo ở Campuchia giảm từ 47,8% năm 2007 xuống 18,9% năm 2012, song khoảng cách phát triển giữa thành thị và nông thôn còn khá lớn.
Bằng phương châm phát triển đất nước dựa trên sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế và phát huy bản sắc văn hóa. Ông Hun Sen mang hoài bão đưa Campuchia trở thành quốc gia có thu nhập trung bình năm 2030 và quốc gia có thu nhập cao năm 2050.
Tuy nhiên, "giấc mộng" này với ông khó trở thành hiện thực khi quyền lực của ông bị thách thức nặng nề trong cuộc tổng tuyển cử tháng 7/2013. Uy tín Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) của ông giảm đáng kể và để mất 22 ghế vào tay phe đối lập Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP). Nguyên nhân chính nằm ở vấn nạn tham nhũng bên trong Chính phủ của ông Hun Sen.
Nhận thức được vấn đề này, Thủ tướng Hun Sen đã thiết lập một chương trình cải cách toàn diện. Như vậy, để xây dựng "huyền thoại" của riêng mình, ông Hun Sen phải tiến hành một số thay đổi trong Chính phủ của mình, phải sáng tạo và kiên định trong cuộc chiến chống tham nhũng.
Hằng Phạm (theo The Establishment Post)