Các quốc gia chính là chủ thể đưa ra các quyết định quan trọng nhất về vấn đề vũ khí hạt nhân. Hầu hết quốc gia chọn cách từ bỏ vũ khí hạt nhân và tuân theo những cam kết trong Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên một số quốc gia xem những loại vũ khí đó như một biểu hiện của sức mạnh, một số khác coi đó là cách ngăn chặn hiệu quả trước cuộc tấn công hạt nhân vẫn còn tồn tại. Thế giới vẫn sống trong lo ngại về các hoạt động liên quan đến chương trình hạt nhân ở CHDCND Triều Tiên và Iran, và điều quan trọng hơn là nỗ lực nhằm làm lắng dịu lo ngại đó bằng các biện pháp hòa bình.
“Sự phục hưng hạt nhân”
Mối quan ngại về một “sự phục hưng hạt nhân” ngày càng hiện rõ, trong đó năng lượng hạt nhân đang được xem là một loại năng lượng sạch thay thế trong thời điểm các quốc gia đang tăng cường nỗ lực nhằm chống lại biến đổi khí hậu toàn cầu. Tuy nhiên, mối lo lại nằm ở chỗ điều này có thể dẫn đến việc sản xuất và sử dụng nhiều hơn các nguyên liệu hạt nhân. Điều này thực sự nguy hiểm trước sự gia tăng ngày một nhanh nguy cơ khủng bố.
Giải trừ quân bị là một công việc vô cùng khó. Nhưng cái giá và rủi ro của những biện pháp thay thế không bao giờ nhận được sự quan tâm xứng đáng. Hãy xem các khả năng rất lớn từ những chi phí quân sự khổng lồ. Theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, chi phí quân sự toàn cầu năm ngoái đã lên đến con số 1.300 tỷ USD. 10 năm trước, Viện nghiên cứu Brookings đã công bố một nghiên cứu, theo đó ước tính tổng chi phí cho các loại vũ khí hạt nhân của riêng Mỹ cũng đã vượt qua con số 5.800 tỷ USD, bao gồm cả chi phí làm sạch trong tương lai. Dù có tính toán thế nào đi nữa, những khoản đầu tư khổng lồ này có thể được sử dụng cho nhiều mục đích hiệu quả khác.
Những quan ngại về chi phí cho vũ khí hạt nhân và những đe dọa vốn có của nó có thể dẫn đến việc thế giới buộc phải nghĩ ra những ý tưởng cần thiết nhằm tái khởi động các hoạt động giải trừ quân bị. Chúng tôi đã làm việc với Ủy ban về Vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD), do ông Hans Blix đứng đầu, rồi Liên minh về Các vấn đề nghị sự mới và Nhóm sáng kiến 7 nước ở Na Uy. Ngoài ra, Australia và Nhật đã khởi động Ủy ban quốc tế về giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hạt nhân. Một số tổ chức phi chính phủ các quốc gia hạt nhân cũng đã có những kế hoạch dự kiến, chẳng hạn như Kế hoạch Hoover do ông Henry Kissinger đề xuất.
Đề xuất 5 điểm
Trên cương vị là Tổng thư ký LHQ, tôi xin đưa ra một đề xuất với 5 điểm chính.
Trước hết, tôi đề nghị các bên trong Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), đặc biệt là các quốc gia hạt nhân hoàn thành nghĩa vụ của mình theo hiệp ước nhằm bảo đảm cho các cuộc đàm phán về các biện pháp hữu hiệu tiến tới giải trừ quân bị. Các bên có thể thống nhất về khuôn khổ riêng biệt, củng cố chắn chắn cho các biện pháp. Hoặc các bên có thể xem xét sắp xếp một cuộc đàm phán về vũ khí hạt nhân được hỗ trợ bởi hệ thống kiểm chứng mạnh mẽ như từng được đề xuất tại LHQ. Đây có thể là một xuất phát điểm tốt.
Các cường quốc hạt nhân nên chủ động liên kết với các quốc gia khác về vấn đề này trong Hội nghị Giải trừ quân bị tại Geneva, đây là diễn đàn thế giới về đàm phán giải trừ quân bị đa phương. Thế giới hoan nghênh việc tái khởi động đàm phán song phương giữa Mỹ và Nga với mục tiêu giảm cơ bản và hiệu quả kho vũ khí và đạn dược của mình. Đề nghị của Anh đăng cai Hội nghị các quốc gia hạt nhân về vấn đề thanh sát là một bước đi chắc chắn và đúng hướng.
Thứ hai, các quốc gia thường trực trong Hội đồng Bảo an cần khởi động các cuộc thảo luận về các vấn đề an ninh trong tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân. Hội đồng cũng cần tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh về vấn đề trên. Các quốc gia không thuộc hiệp ước NPT nên ổn định lại năng lực vũ khí hạt nhân và thực hiện những cam kết giải trừ của chính họ.
Thứ ba, việc trì hoãn đơn phương về việc thử hạt nhân và sản xuất các nguyên liệu phân hạch đã phần nào thành công. Chúng ta cần có những nỗ lực mới nhằm đưa Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện đi vào thực tiễn, và thúc đẩy Hội nghị giải trừ quân bị sớm bắt đầu đàm phán về một hiệp ước nguyên liệu phân hạch. LHQ ủng hộ việc sáng lập khu vực phi hạt nhân ở Trung Á và châu Phi, đồng thời khuyến khích các nỗ lực nhằm thiết lập một khu vực tương tự ở Trung Đông.
Thứ tư, các quốc gia có vũ khí hạt nhân cần thường xuyên công bố các mục tiêu mà họ theo đuổi, mặc dù những báo cáo này rất khó được công khai. Tôi hoan nghênh các quốc gia có vũ khí hạt nhân gửi các tài liệu đó đến Ban Thư ký của LHQ và khuyến khích công bố rộng rãi. Việc thiếu những tính toán chính xác về tổng lượng vũ khí hạt nhân là lý do cho sự cần thiết phải minh bạch hơn.
Cuối cùng, các biện pháp bổ sung là cần thiết. Điều này bao gồm cả việc loại bỏ các dạng vũ khí hủy diệt hàng loạt; các nỗ lực chống lại chủ nghĩa khủng bố hạt nhân; hạn chế việc sản xuất và buôn bán vũ khí thông thường; và bao gồm cả các lệnh cấm vũ khí mới, chẳng hạn như tên lửa đạn đạo và vũ khí không gian.
Những đề xuất trên mang đến một sự khởi đầu mới không chỉ ở phương diện giải trừ quân bị, mà còn củng cố hơn nữa hệ thống an ninh và hòa bình của thế giới.
Vĩnh Tiến(Ban Ki-moon Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc - trích dịch theo Project Syndicate )
(*) Tên bài và tiêu đề phụ do TG&VN đặt