📞

Giáo cả Mách Sa Lếs như cây đại thụ toả bóng mát cho đời

Chiến Khu 20:00 | 22/12/2021
Giáo cả Mách Sa Lếs được ngợi ca như “kiến trúc sư” của nhiều phong trào quần chúng, mang lại hiệu quả thiết thực cho cộng đồng...
Ông Mách Sa Lếs, Giáo cả Thánh đường Hồi giáo xã Nhơn Hội, huyện An Phú.

Đến ấp Búng Lớn, xã Nhơn Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang nơi có búng Bình Thiên thơ mộng, chúng tôi được nghe nhiều đồng bào Chăm ngợi ca công đức to lớn của ông Mách Sa Lếs, Giáo cả Thánh đường Hồi giáo xã Nhơn Hội, huyện An Phú.

Ông là người giàu nhiệt huyết, được ngợi ca như “kiến trúc sư” của nhiều phong trào quần chúng, mang lại hiệu quả thiết thực cho cộng đồng. Ông còn là người đi đầu trong việc quảng bá văn hóa dân tộc Chăm và có công lớn đánh thức tiềm năng du lịch của búng Bình Thiên.

Chúng tôi được gặp Giáo cả Mách Sa Lếs ngay tại Thánh đường Hồi giáo Masjid Al Khai Ryah - nơi diễn ra mọi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, tín ngưỡng tôn giáo của đồng bào Chăm. Giữa lúc Giáo cả đang tiến hành nghi lễ cầu nguyện trong ngày.

Ông Mách Sa Lếs tuy đã 74 tuổi nhưng vẫn ánh lên sự tinh anh, nét cương nghị của một vị chức sắc tôn giáo đầy uy tín mà vẫn thật điềm đạm, nhân từ, ánh mắt đầy tin cẩn, nụ cười thường trực có sức lôi cuốn, lan tỏa mạnh mẽ với người đối diện.

Ông đã giữ chức Phó Ban Giáo cả 2 nhiệm kỳ và Trưởng Ban Giáo cả 2 nhiệm kỳ (mỗi nhiệm kỳ 5 năm). Đây là chức sắc tôn giáo được đồng bào Chăm tín nhiệm bầu chọn.

Với thâm niên hơn 20 năm làm việc trong Ban Giáo cả, ông là người có uy tín lớn nhất trong 9 xóm Chăm toàn tỉnh An Giang. Ông chịu trách nhiệm điều hành mọi việc tại Thánh đường cũng như đời sống cộng đồng người Chăm xã Nhơn Hội.

Ông chính là một trong những người đầu tiên của đồng bào Chăm Nhơn Hội sử dụng thành thạo tiếng Việt. Từ nhiều năm nay, ngoài việc duy trì hoạt động của Thánh đường, ông còn mở 02 lớp học miễn phí dạy Luật giáo, Lễ nghĩa, Kinh Qur'an… với khoảng 60 học trò.

Như ông tâm sự: “Điều quan trọng đối với tôi là được sống trọn đạo, luôn hướng cho thế hệ đi sau làm điều thiện, không vi phạm giáo luật, sau này trở thành công dân có ích cho xã hội”.

Ông điều hành hoạt động của Thánh đường và đời sống tâm linh của đông bào Chăm bằng uy tín, đức độ của mình, nên mọi hoạt động của Thánh đường đều diễn ra quy củ, mọi nghi lễ tôn giáo được thực hiện chuẩn mực, đúng pháp luật, đồng bào Chăm nơi đây đều tự giác thực hiện.

Phối hợp với Đồn Biên phòng Nhơn Hội tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 cho đồng bào dân tộc Chăm xã Nhơn Hội, huyện An Phú.

Giáo cả Mách Sa Lếs cho biết: “Đối với tôi đạo với đời luôn gắn liền với nhau và cùng phát triển. Tôi luôn dặn mình phải sống trọn đạo, đẹp đời, luôn cống hiến hết tâm huyết, trí tuệ, ra sức vun đắp cho đời sống của đồng bào Chăm, góp phần vào sự phát triển chung của toàn xã hội”.

Chúng tôi được biết trong cuộc sống của đồng bào Chăm nơi đây luôn bình dị, hạnh phúc, không hề tồn tại các tệ nạn xã hội. Người Chăm coi việc trộm cắp, bài bạc, mại dâm, gây gổ mất đoàn kết, uống rượu bia… như những điều cấm kị mà trong đời không được phạm phải dù chỉ một lần. Họ cũng ra sức ngăn ngừa, bài trừ các hoạt động lợi dụng tôn giáo để trục lợi bất chính hoặc phục vụ mưu đồ xấu xa.

Theo ông Mách Sa Lếs, “xã Nhơn Hội là xã biên giới. Chúng tôi đã từng trải qua chiến tranh biên giới Tây Nam. Bản thân tôi là người tận mắt chứng kiến bọn Pol Pot đốt phá nhà cửa, giết hại bà con nên hơn ai hết chúng tôi phải luôn ý thức sâu sắc và ra sức bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới Quốc gia”.

Vì vậy, ông luôn nhắc nhở người dân phải giữ vững bình yên cuộc sống, trong quá trình lao động sản xuất gần biên giới nếu phát hiện các hiện tượng: xâm canh, xâm cư, vượt biên trái phép, buôn lậu… thì nhanh chóng báo tin cho các lực lượng chức năng xử lý.

Nhận thấy đồng bào mình dân trí còn thấp, đa phần không biết viết và nói tiếng Việt, ông là một trong những người đề xuất với chính quyền địa phương, vận động các cấp, các ngành ban đầu là mở các lớp xóa mù chữ (do các đồng chí cán bộ Biên phòng trực tiếp đứng lớp), rồi ông vận động mở trường học trên địa bàn.

Vì vậy, hiện nay tỷ lệ biết chữ của con em đồng bào Chăm khá cao, có nhiều em đi du học và nhiều em là sinh viên các trường cao đẳng, đại học trên cả nước.

Ông Cao Xuân Điệu, Bí thư, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hội cho biết: “Giáo cả Mách Sa Lếs là người đứng đầu thành lập các quỹ vì người nghèo, quỹ khuyến học... của đồng bào Chăm xã Nhơn Hội. Ông thường xuyên vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh tổ chức các đoàn khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho đồng bào và vận động nâng cấp Trạm Y tế xã, quyên góp tiền mua xe cứu thương miễn phí giúp chuyển bệnh nhanh, kịp thời cho bà con mắc bệnh hiểm nghèo.

Những hoạt động tích cực đó góp phần nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe, ổn định cuộc sống cho đồng bào. Ông thường xuyên kêu gọi cộng đồng dân tộc Chăm phải đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau, mọi vấn đề nảy sinh đều được Ban Giáo cả giải quyết ổn thỏa, rất ít khi phải thông qua chính quyền địa phương”.

Phối hợp với cán bộ Đồn Biên phòng Nhơn Hội hướng dẫn đồng bào Chăm rửa tay, đeo khẩu trang đúng cách phòng, chống dịch Covid-19 ngay tại Thánh đường Hồi giáo dân tộc Chăm.

Trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Ban Giáo cả đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, lực lượng vũ trang thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch Covid-19, tăng cường công tác tuyên truyền cho tín đồ Hồi giáo, đồng bào dân tộc Chăm, nhân dân địa phương tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, nhất là Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19, khuyến cáo 5K của Bộ Y tế; luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, không chia sẻ thông tin chưa được kiểm chứng, không lan truyền thông tin bịa đặt liên quan đến tình hình dịch bệnh, thực hiện “Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình là một pháo đài”, góp phần cùng toàn tỉnh đẩy lùi dịch Covid-19.

Giáo cả Mách Sa Lếs còn là người đi đầu trong số những người Chăm tham gia làm du lịch mùa nước nổi ở búng Bình Thiên. Ông tự hào cho biết: Trong những năm gần đây, chúng tôi chính thức làm du lịch. Chúng tôi cho thuê trang phục, chụp hình lưu niệm, đưa, đón khách tham quan búng, tổ chức các dịch vụ ăn nghỉ tại nhà…”.

Ông thường xuyên vận động bà con giữ gìn vệ sinh môi trường, đồng thời tổ chức các buổi tổng vệ sinh, thu gom rác thải trên các tuyến đường và dưới búng Bình Thiên, trả lại môi trường trong sạch, cảnh quan yên bình, thơ mộng cho búng Bình Thiên. Vì vậy lượng khách du lịch trong và ngoài nước trong những năm gần đây không ngừng tăng lên.

Việc làm ý nghĩa, thiết thực của Giáo cả Mách Sa Lếs đã góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả chương trình an sinh xã hội, công tác giảm nghèo và chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển.

Những đóng góp của Giáo cả đã được các cấp ủy, chính quyền ghi nhận. Với Giáo cả Mách Sa Lếs, đây là thành quả của việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bởi “đạo” và “đời” vốn không thể tách rời, muốn “tốt đời”, phải “đẹp đạo” và tinh thần này sẽ được Giáo cả Mách Sa Lếs tiếp tục phát huy như cây đại thụ toả bóng mát cho đời.

Với những cống hiến không ngừng nghỉ, vị Giáo cả Mách Sa Lếs uy tín của đồng bào Chăm đã được tặng thưởng 1 Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương vì có nhiều thành tích xuất sắc trong Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2013; 1 kỷ niệm chương vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do có nhiều cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc; 1 kỷ niệm chương của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch do đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch và nhiều Bằng khen, Giấy khen của Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh An Giang…

Ông được tín nhiệm bầu chọn giữ các chức vụ quan trọng như: Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Phó Ban đại diện hội đồng Hồi giáo dân tộc Chăm tỉnh, Trưởng Ban Giáo cả Thánh đường Hồi giáo xã Nhơn Hội, huyện An Phú.