Nữ hoàng Anh tại lễ tưởng niệm (Ảnh CNN) |
Năm nay là năm thứ 91 kể từ khi thoả thuận ngừng bắn được Đức ký với quân đồng minh vào ngày 11/11/1918. Phụ thuộc vào nơi tiến hành kỷ niệm, ngày này được gọi là Ngày đình chiến, Ngày tưởng nhớ hoặc Ngày cựu chiến binh.
Tại Anh, Nữ hoàng Elizabeth II, các chính trị gia cấp cao và người đứng đầu lực lượng vũ trang đã dự một nghi lễ tại nhà thờ Westminster Abbey tại London để tưởng nhớ một thế hệ đã ngã xuống, những người đã tham gia chiến đấu trong Đại chiến thế giới lần thứ nhất. Những cựu chiến binh cuối cùng là William Stone, Henry Allingham và Harry Patch đều đã qua đời trong năm nay.
Năm nay, lãnh đạo Đức và Pháp đã cùng nhau kỷ niệm ngày này với một nghi lễ tại Khải Hoàn môn ở Paris, một động thái được vạch ra để báo hiệu kỷ nguyên mới trong quan hệ Pháp - Đức. Năm nay, bà Angela Merkel đã trở thành Thủ tướng Đức đầu tiên kỷ niệm ngày Đình chiến tại Paris.
Phát biểu tại buổi lễ, Tổng thống Pháp Sarkozy nói với Thủ tướng Đức Merkel rằng: "sự có mặt của bà ở đây với chúng tôi trong ngày 11/11 là một biểu hiện hiếm có của tình hữu nghị - mỗi người Pháp đều hiểu điều này có ý nghĩa như thế nào".
Người Australia cũng dành một phút mặc niệm vào lúc 11h trưa để tưởng nhớ những người đã hy sinh hoặc chịu đau khổ vì cuộc chiến. "Những mất mát là một sự gợi nhớ rằng chiến tranh chẳng có gì vinh quang. Những người tham chiến biết rõ điều này hơn bất kỳ ai khác", tướng Australia Peter Cosgrove hôm nay nói.
Bờ đông Australia là một trong những nơi đầu tiên chứng kiến giờ thứ 11 của ngày thứ 11 của tháng 11 - thời điểm tiếng súng của Thế chiến I ngừng.
Tại Washington, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ đánh dấu ngày Cựu chiến binh bằng việc tham gia đặt vòng hoa tại nghĩa trang quốc gia Arlington, nằm ở ngoại ô Washington.
Quân Mỹ, đặc biệt là những người ở Iraq và Afghanistan cũng kỷ niệm ngày lễ này và nhận thức rõ cái giá của chiến tranh.
Theo Vietnamnet