Ý tưởng về quân đội châu Âu được đề cập lại sau cuộc di tản tại Afghanistan. (Nguồn: A Path for Europe) |
Năm 1999, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) từng cam kết xây dựng quân đội châu Âu gồm 60.000 người, song lời hứa đã không thành hiện thực.
Gần 20 năm sau, trong bối cảnh quan hệ Mỹ-EU rạn nứt, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel một lần nữa đề cập đến ‘tự chủ chiến lược’ thông qua một lực lượng vũ trang của châu Âu.
Những tưởng dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden với phương châm “Đưa nước Mỹ trở lại”, chủ trương củng cố quan hệ với đồng minh và đối tác, đặc biệt là EU, đề xuất ấy sẽ chỉ còn là dĩ vãng.
Song chiến thắng bất ngờ của Taliban ở Afghanistan cùng cuộc di tản hỗn loạn tại sân bay Kabul đã nhen nhóm lại ý tưởng này. Washington đã không tham khảo trước đồng minh, phủ nhận kế hoạch “rút lui có điều kiện” và từ chối kéo dài thời hạn rút quân khỏi Afghanistan sau ngày 31/8.
Thái độ kiên quyết của chính quyền Mỹ khiến EU buộc phải rút ngắn thời gian di tản tại sân bay Kabul, phó mặc số phận hàng nghìn công dân của mình và Afghanistan vào tay lực lượng Taliban.
Tuy nhiên, Afghanistan chỉ là một phần câu chuyện.
Thời gian qua, giới lãnh đạo châu Âu đã ít nhiều thất vọng khi chính quyền Tổng thống Joe Biden, dù theo đuổi phương châm “Đưa nước Mỹ trở lại”, vẫn duy trì một số quyết sách đối ngoại mang dư âm của cựu Tổng thống Donald Trump.
Bà Nathalie Loiseau, chủ nhiệm tiểu ban an ninh và quốc phòng của Nghị viện châu Âu nhận định: “Mỹ đã không muốn làm cảnh sát của thế giới nữa, Giờ đây, người châu Âu cần chấm dứt việc nhất cử nhất động đều dựa vào Mỹ”.
“Mỹ đã không muốn làm cảnh sát của thế giới nữa, Giờ đây, người châu Âu cần chấm dứt việc nhất cử nhất động đều dựa vào Mỹ” - Chủ nhiệm tiểu ban an ninh và quốc phòng của Nghị viện châu Âu Nathalie Loiseau. |
Con đường duy nhất…
Dù vậy, liệu viễn cảnh về một quân đội châu Âu của EU có khả thi?
Về mặt ý tưởng, các liên kết về kinh tế trong EU không chỉ ngăn xung đột, mà còn tạo ra khối thương mại lớn nhất trên thế giới. Song trong nhiều năm qua, nhiều chính trị gia EU đã chủ trương rằng EU cần có một lực lượng vũ trang độc lập với Mỹ và NATO để trở thành thế lực toàn cầu.
Cao ủy EU phụ trách các vấn đề đối ngoại Josep Borrell từng nhận định, chỉ cần lực lượng tác chiến gồm 5.000 binh sỹ cùng một chiến lược phối hợp rõ ràng, khối đã có thể xoay chuyển tình hình hỗn loạn những ngày qua tại sân bay Kabul. Ông nhấn mạnh: “Con đường duy nhất ở phía trước đòi hỏi tăng cường lực lượng, kết hợp năng lực và ý chí của tất cả chúng ta”.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là người ủng hộ ý tưởng quân đội châu Âu nhiệt tình nhất kể từ khi lên nắm quyền, thậm chí có lúc không ngần ngại gọi NATO là “chết não”.
Người được cho là sẽ kế nhiệm bà Angela Merkel, Thủ hiến bang North Rhine-Westphalia Armin Laschet, khẳng định châu Âu cần củng cố sức mạnh để “không phải nhờ đến người Mỹ nữa”.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer lại có cách tiếp cận khác, cho rằng EU cần có chiến lược phối hợp để xếp ngang hàng với Mỹ mà không cần lực lượng vũ trang riêng biệt.
Viết trên Twitter, bà khẳng định các nước châu Âu có đủ năng lực quân sự cần thiết và điều quan trọng là sự liên kết của những quốc gia cùng chí hướng, thông qua một cuộc bỏ phiếu toàn khối.
Binh sỹ và xe tăng Pháp chuẩn bị cho diễu binh nhân kỷ niệm Ngày Bastile (Quốc khánh) hôm 9/7. (Nguồn: AFP) |
Và những rào cản
Tuy nhiên, còn đó không ít rào cản lớn trên chặng đường thành lập một quân đội châu Âu.
Bà Nathalie Tocci, Giám đốc Viện Nghiên cứu Istituto Affari Internazionali (Italy), người từng kêu gọi đưa khái niệm tự chủ chiến lược vào văn bản EU năm 2016 về quốc phòng, cho rằng khối đã không còn ý chí chính trị để xây dựng và triển khai quân đội châu Âu.
Minh chứng là Thủ tướng Angela Merkel, người từng chung quan điểm với ông Macron về tự chủ chiến lược, vẫn duy trì sự ủng hộ dành cho NATO và các căn cứ quân sự của Mỹ tại EU và Đức.
Ông Fabrice Polthier, nhà xây dựng chính sách của NATO, lại đặt câu hỏi: “EU cần quân đội để làm gì? Chống lại người Nga, đảm bảo an ninh biển ở châu Âu hay truy quét lực lượng khủng bố?”
Ngoài ra, ông Polthier nhận định xây dựng tự chủ chiến lược đồng nghĩa rằng khối cần có Bộ Chỉ huy riêng, thay vì dựa vào NATO. Điều này có thể tác động tới quan hệ giữa EU với Mỹ và Anh.
Một chướng ngại vật đáng kể khác trong thành lập lực lượng vũ trang EU, hay đơn giản là xây dựng chiến lược an ninh phối hợp, đến từ quy định của khối. Theo đó, các thành viên cần đồng thuận trong mọi quyết sách đối ngoại.
Theo ông Azeem Ibrahim, giám đốc của Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách Newlines, quy định này đã khiến việc ra quyết sách của khối trì trệ đáng kể.
Rào cản không kém phần cam go là về mặt tài chính.
Dù EU đã phân bổ hơn 9 tỷ USD cho Quỹ Quốc phòng châu Âu vào năm 2027, song các thành viên cũng cần tăng chi tiêu của riêng mình. Đây rõ ràng là thách thức với một số nước.
Câu chuyện yêu cầu góp 2% GDP quốc gia vào ngân sách NATO còn đó: Theo dự kiến, năm nay chỉ 9/30 nước châu Âu trong NATO đóng đủ yêu cầu.
“Con đường duy nhất ở phía trước đòi hỏi tăng cường lực lượng, kết hợp năng lực và ý chí của tất cả chúng ta”-Cao ủy EU về các vấn đề đối ngoại Josep Borrell. |
Dù có vượt qua các thách thức trên, EU vẫn còn nhiều việc phải làm để thúc đẩy hợp tác quân sự nội khối. Pháp, Đức và Tây Ban Nha đang phối hợp phát triển máy bay chiến đấu thế hệ mới của châu Âu. Tuy nhiên, 4 năm kể từ ngày công bố kế hoạch, các bên chỉ mới hoàn thành bản dự thảo.
Tuần qua, trong nhiều cuộc gặp song phương và đa phương, Bộ trưởng Quốc phòng các nước EU đã trao đổi về các vấn đề này, thậm chí thảo luận về xây dựng văn bản “định hướng chiến lược”, vạch ra những nguy cơ an ninh và quốc phòng, cùng mục tiêu chính sách chung của toàn khối.
Theo bà Georgina Wright, người đứng đầu chương trình châu Âu tại Viện Nghiên cứu Montaigne (Pháp), tài liệu dự kiến được phát hành vào năm 2022 này là bài kiểm tra xem liệu giới lãnh đạo EU có thực sự nghiêm túc trong cải thiện chiến lược phòng thủ hay không. Bà nhận định đây sẽ là nguồn thông tin để giới chức quốc phòng đánh giá năng lực quân sự của các thành viên, từ đó tận dụng tối đa nguồn lực bảo đảm an ninh EU, kể cả trên không gian mạng hay vũ trụ.
Cho tới lúc đó, đề xuất về “tự chủ chiến lược” và một quân đội châu Âu vẫn chỉ dừng ở mức ý tưởng mà thôi.
| Đến lúc EU tính toán lập quân đội riêng? Đảng Nhân dân châu Âu (EPP), là phái lớn nhất trong Nghị viện châu Âu, cho rằng Liên minh châu Âu (EU) cần thành lập ... |
| Trước thềm bầu cử Hạ viện, Nga chặn đầu phe ông Navalny, hé lộ thông tin phái đoàn châu Âu sang giám sát Ngày 6/9, nhà chức trách Nga đã chặn một trang web của nhân vật chỉ trích Điện Kremlin Alexei Navalny, vốn hướng dẫn những người ... |