Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh ký Hiệp định chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam tại Paris, ngày 27/01/1973. (Ảnh tư liệu) |
Truyền thống bất khuất ngàn đời của dân tộc
Cũng như các dân tộc bị áp bức trên thế giới, dân tộc Việt Nam sớm ý thức được tầm quan trọng của quyền dân tộc tự quyết, dù khái niệm này mới được nêu ra trong thời kỳ hiện đại.
Do vị trí địa chiến lược của mình, lịch sử dân tộc Việt Nam phần lớn là lịch sử đấu tranh để khẳng định sự tồn tại của quốc gia-dân tộc. Nếu một ngàn năm trước (năm 1077), bài thơ Thần#_ftn1 bất hủ xuất hiện giữa lúc cuộc kháng chiến chống quân Tống (của Lý Thường Kiệt) đang ở giai đoạn ác liệt nhất, thì các tác phẩm bất hủ khác sau đó: Bình Ngô đại cáo#_ftn2 do Nguyễn Trãi biên soạn năm 1428 và Tuyên ngôn độc lập do Hồ Chí Minh khởi thảo năm 1945, đều được hình thành sau thắng lợi của các cuộc chiến tranh khốc liệt. Cả ba kiệt tác này đều được xem như những tuyên bố hay là sự tự khẳng định quyền tồn tại của mọi quốc gia-dân tộc trong bang giao quốc tế.
Nhưng điều đáng chú ý là, “Tuyên ngôn độc lập Hồ Chí Minh” ra đời trong thời kỳ hiện đại, khi sự thừa nhận quốc tế đối với địa vị của một quốc gia có ý nghĩa rất quan trọng. Đó chính là lý do để Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do” khi quốc gia-dân tộc vừa giành lại nền độc lập sau ngót một trăm năm bị chà đạp nghiêm trọng các quyền cơ bản. Chân lý vĩnh hằng này cũng hiển nhiên như chân lý “mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng” mà chủ nghĩa thực dân thường cao giọng suốt mấy trăm năm.
Để tạo tính chính danh của Nhà nước Việt Nam mới, ngay sau Cách mạng tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triển khai hàng loạt hoạt động đối nội và đối ngoại hết sức chủ động và linh hoạt. Trong quan hệ với nước Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất nỗ lực để được nước này công nhận về mặt ngoại giao#_ftn3, nhưng vì những toan tính chính trị thực dụng, nước Mỹ vẫn không thừa nhận sự hiện tồn của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà-một Nhà nước được lập lên hợp pháp#_ftn4 sau thất bại của quân đội Nhật. Chẳng những thế, nước Mỹ còn tài trợ tối đa#_ftn5 cho giới diều hâu trong chính giới Pháp nhằm tiếp tục khống chế Việt Nam trong vòng nô lệ.
Trước nguy cơ thảm bại toàn diện của quân đội Pháp, Mỹ đã nỗ lực cùng một số nước lớn thúc đẩy Hội nghị Geneva nhằm đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (1954) theo cách có lợi nhất rồi đi đến thế chân Pháp, độc chiếm hoàn toàn miền Nam Việt Nam từ năm 1956.
Để hợp thức hoá cuộc chiến tranh xâm lược, cũng như chính giới Pháp, nhà cầm quyền Mỹ đã lập ra chế độ tay sai ở miền Nam Việt Nam. Cần lưu ý là, các chế độ mà Pháp và Mỹ dựng lên (những năm 1948-1956 và những năm 1956-1975) đều là bất hợp pháp, không phản ánh ý chí, nguyện vọng của dân tộc Việt Nam là đoàn kết toàn dân, giữ gìn độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Theo đó, những luận điểm về các cuộc chiến tranh của nhân dân Việt Nam chống Pháp và Mỹ là các cuộc “nội chiến” hay “chiến tranh uỷ nhiệm”#_ftn6 đều là giả dối. “Tác giả” của những sản phẩm ấy nhiều lần đã thừa nhận bản chất thực của các chế độ đó.
Như vậy, thực chất các cuộc chiến tranh chống Mỹ của nhân dân Việt Nam là sự tiếp nối truyền thống đấu tranh bền bỉ nhằm khẳng định quyền dân tộc tự quyết của toàn thể nhân dân, dân tộc Việt Nam.
Người dân cả nước chúc mừng sau khi Hiệp định Paris được ký kết. |
Nước Mỹ thừa nhận quyền dân tộc tự quyết của nhân dân Việt Nam
Cuộc chiến tranh ở Việt Nam là cuộc đọ sức giữa nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản với những bộ óc sừng sỏ nhất nước Mỹ cùng đội quân nhà nghề hạng nhất thế giới, thông qua những hoạt động và trận đánh khốc liệt. Nước Mỹ đã tung vào chiến trường miền Nam Việt Nam hầu như tất cả những gì họ có, trừ bom nguyên tử. Sau khi thất bại trong âm mưu “đưa Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá”, nước Mỹ mới buộc chấp nhận ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam năm 1973.
Hiệp định Paris về Việt Nam là kết quả của cuộc đàm phán kỳ lạ nhất trong lịch sử nhân loại. Cuộc đàm phán diễn ra suốt gần 5 năm, với gần 300 cuộc họp chính thức và tiếp xúc bí mật; xen giữa các cuộc tiếp xúc là các trận chiến khốc liệt trên khắp chiến trường Nam, Bắc Việt Nam; giữa một nước nhỏ, trình độ phát triển mới ở giai đoạn “tiền tư bản”, vừa giành được độc lập, với một cường quốc hàng đầu thế giới trên mọi phương diện...
Ngay tại Chương I, Hiệp định đã trang trọng ghi nhận: “Các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam”. Trong chương này chỉ quy định duy nhất 1 điều với nội dung: “Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Geneva năm 1954 về Việt Nam đã công nhận” (Điều 1).
Đề mục của Chương IV phản ánh rõ khát vọng của cả dân tộc Việt Nam: “Việc thực hiện quyền tự quyết của nhân dân Việt Nam”, với nội hàm “Chính phủ Hoa Kỳ và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cam kết tôn trọng những nguyên tắc thực hiện quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam sau đây: a) Quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm và phải được tất cả các nước tôn trọng; b) Nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị của miền Nam Việt Nam thông qua tổng tuyển cử thật sự tự do và dân chủ, có giám sát quốc tế; c) Các nước ngoài sẽ không được áp đặt bất cứ xu hướng chính trị hoặc cá nhân nào đối với nhân dân miền Nam Việt Nam” (Điều 9).
Có thể nói, Hiệp định Paris về Việt Nam là kết quả của cuộc đấu trí, đấu lực toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ trong suốt 21 năm, cả trên chiến trường và tại các cuộc đàm phán, mà “điểm nhấn” của thành quả đó là việc siêu cường thế giới (cũng như “các nước khác”) phải công khai thừa nhận quyền dân tộc cơ bản và quyền tự quyết của nhân dân, dân tộc Việt Nam mà Hiệp định Geneva chưa đạt được.
Nét đặc sắc của Hiệp định còn ở chỗ, lần đầu tiên dân tộc Việt Nam tự quyết định vận mệnh của mình, thông qua việc đàm phán trực tiếp với đối thủ, mà không có sự tham gia của bên thứ ba nào.
Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết là thắng lợi vĩ đại, dấu son khẳng định quyền dân tộc tự quyết của nhân dân, dân tộc Việt Nam. Đây là tiền đề quan trọng mở ra cơ hội để tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước vào kỷ nguyên phát triển theo con đường tiến bộ, văn minh. Đây cũng là sự kế thừa, phát triển đến đỉnh cao ý chí bất khuất không chịu làm nô lệ và truyền thống độc lập, tự cường suốt hàng ngàn năm của dân tộc - như Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng cộng sản Việt Nam luôn nhấn mạnh “lấy sức ta giải phóng cho ta” là chính. Đồng thời Hiệp định Paris về Việt Nam còn phù hợp với xu thế chung của thời đại là mọi dân tộc đều có quyền tự quyết định sự tồn tại và phát triển của mình, nhưng không tách rời sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế vì hoà bình và tiến bộ xã hội.
Vĩ thanh
Trên một bình diện khác, Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết mang ý nghĩa và tầm vóc thời đại.
Trước hết, đối với các dân tộc bị áp bức, nguyên tắc quyền dân tộc tự quyết không tự động được xác lập, mà phải trải qua quá trình đấu tranh bền bỉ và hy sinh vô bờ của các dân tộc bị áp bức, cùng sự giúp đỡ chí tình, thực chất, hiệu quả của các nước xã hội chủ nghĩa, đứng đầu là Liên Xô, mới đưa đến việc cộng đồng quốc tế ghi nhận thành một nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế. Trên cơ sở đó, các dân tộc còn phải tiếp tục chịu đựng biết bao mất mát, đau thương mới hiện thực hoá được khát vọng cao cả ấy, trước sự thừa nhận trên thực tế của đủ loại thực dân cũ và mới.
Thứ hai, Hiệp định Paris về Việt Nam thêm một bằng chứng sống động, khẳng định chân lý vĩnh hằng “mọi dân tộc đều sinh ra có quyền bình đẳng”. Nhưng vấn đề đặt ra là, phải làm sao để quyền tự quyết của mỗi dân tộc cần phải được áp dụng trực tiếp từ pháp luật quốc tế, chứ không phải trải qua những cuộc “so găng” đẫm máu như đã diễn ra trong cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Do đó, nguyên tắc này cần phải được tất cả các nước thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ trên thực tế chứ không phải chỉ dừng lại trên lý thuyết. Đây là một trong những lý do để Tuyên bố Vienna và Chương trình hành động, được Hội nghị thế giới lần thứ hai về quyền con người (thông qua tại Áo, năm 1993) nhấn mạnh “việc khước từ quyền dân tộc tự quyết là sự vi phạm quyền con người”.
Thứ ba, trong bối cảnh mới, quyền dân tộc tự quyết cũng cần được bổ sung những nội hàm mới khi các hình thức thực dân trá hình vẫn tồn tại dưới nhiều vỏ bọc khác nhau. Chẳng hạn, cho đến nay, các nước đang phát triển vẫn tiếp tục chịu những bất lợi trong các hoạt động thương mại quốc tế; nguồn tài nguyên của các nước đang phát triển vẫn bị vắt kiệt phục vụ cho những mục tiêu siêu lợi nhuận; các nước nhỏ yếu vẫn là nạn nhân của các cuộc cạnh tranh địa-chính trị-chiến lược của các siêu cường...
Vì thế, việc nhận diện những biểu hiện và biến thể mới của chủ nghĩa thực dân cần được đặc biệt quan tâm, để sao cho mọi dân tộc đều được hưởng đầy đủ trên thực tế những gì cộng đồng quốc tế đã đạt được - từ việc xác lập thành nguyên tắc ứng xử giữa các nước, cũng như những thành quả trên thực tế như Hiệp định Paris đã ghi nhận đối với dân tộc Việt Nam.
#_ftnref1 “Nam quốc sơn hà/Nam quốc sơn hà Nam đế cư/Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư/Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư” (dịch: “Sông núi nước Nam vua [đế] Nam ở/Rành rành định phận tại sách Trời/Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”).
#_ftnref2 “Tự Triệu, Đinh, Lý, Trần chi triệu tạo ngã quốc/Dữ Hán, Đường, Tống, Nguyên nhi các đế nhất phương” (dịch: “Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập/Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ [làm đế] một phương”).
#_ftnref3 Như tự nguyện “đứng về phe Đồng minh”, thực hiện nhiều hoạt động trực tiếp giúp các đơn vị lính Mỹ chống Nhật ở Đông Dương, nhiều lần đề xuất đặt quan hệ ngoại giao và kêu gọi giao thương, đầu tư từ các nhà tư bản Mỹ...
#_ftnref4 Thông qua cuộc bầu cử rộng rãi, tự do vào tháng 1/1946.
#_ftnref5 Nước Mỹ đã tài trợ đến 78% chi phí chiến tranh của Pháp ở Đông Dương. Nhiều nhân vật diều hâu Mỹ đã đến Việt Nam, trực tiếp tham gia hoạch định chính sách và chiến lược quân sự cho người Pháp.
#_ftnref6 Những luận điểm này đang len lỏi vào nhận thức của người dân Việt Nam, nhất là lớp trẻ.