Ngày 12/7, Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 ở Den Haag ra phán quyết có lợi cho Philippines trong vụ kiện các đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông. Giáo sư Carlyle Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Australia cho rằng Trung Quốc sẽ không thay đổi thái độ và bác bỏ các phán quyết của Tòa trọng tài. Có thể Bắc Kinh sẽ tiến hành một chiến dịch tuyên truyền “gây shock và sợ hãi”. Trung Quốc sẽ nắm bắt mong muốn của tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte để mở các cuộc đàm phán trong thời gian tới.
Giáo sư Carlyle Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Australia. (Nguồn: UNSW) |
Bắc Kinh sẽ cố gắng đạt được một thỏa thuận với Philippines và phớt lờ các phán quyết. Đó có thể là hình thức tài trợ cho cơ sở hạ tầng, như dự án đường sắt tàu cao tốc giữa Manila và Clark, đồng thời gây áp lực với Tổng thống Duterte để giảm bớt sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Philippines, đổi lại hai bên sẽ có quan hệ song phương tốt hơn.
Theo ông Thayer, điều cơ bản là Trung Quốc sẽ tiếp tục củng cố sự hiện diện dân sự trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông, thông qua việc xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng hơn, đưa nhiều quan chức chính phủ ra đó hơn và thậm chí tổ chức cho các nước trong khu vực tới thăm những nơi này. Trung Quốc sẽ không tăng cường quân sự hóa các đảo nhân tạo ngay lập tức mà sẽ tiến hành từng bước và quan tâm theo dõi cuộc bầu cử Ttổng thống Mỹ tháng 11 tới.
Ông Ashley Townshen cho rằng phán quyết của Toà là bài trắc nghiệm xem liệu Bắc Kinh có sẵn sàng chấp nhận các luật lệ quốc tế hay không. (Nguồn: Lowy Institute) |
Ông Ashley Townshen, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Mỹ thuộc Đại học Sydney cho rằng phán quyết của Toà là một trắc nghiệm trong việc thực thi pháp luật quốc tế tại Biển Đông và là dấu hiệu cho thấy liệu Bắc Kinh có sẵn sàng chấp nhận các luật lệ quốc tế hay không.
Trung Quốc sẽ chỉ trích mạnh mẽ các phán quyết này, đẩy mạnh kế hoạch quân sự hóa các đảo nhân tạo và coi đó như một sự thách thức, nhưng ít có khả năng Bắc Kinh tiến hành những hành động quân sự nguy hiểm.
Tuy nhiên, một số chuyên gia khác nhận định là Trung Quốc có thể có những hành động đáp trả mạnh mẽ, như tuyên bố thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) tại các vùng có tranh chấp ở Biển Đông, đẩy mạnh việc bồi đắp, xây đảo nhân tạo.
Về phản ứng của Mỹ, Giáo sư Thayer cho rằng Washington sẽ phối hợp tấn công ngoại giao cùng với các nước có lập trường tương tự để gây sức ép buộc Trung Quốc tuân thủ phán quyết này. Mỹ sẽ cảnh giác duy trì một sự hiện diện quân sự nhằm ngăn ngừa Trung Quốc tiến hành xây dựng tại bãi cạn Scarborough. Washington sẽ cố gắng củng cố mối quan hệ với Chính quyền Duterte nhằm ngăn cản mọi khả năng tiến tới của Trung Quốc.
Bàn về quan hệ Trung Quốc-ASEAN, Giáo sư Thayer cho rằng chừng nào Thủ tướng Campuchia Hun Sen còn giữ nguyên lập trường lên án Tòa trọng tài thì ASEAN khó có thể có được một lập trường thống nhất hiệu quả. Các quan chức cao cấp ASEAN đã soạn thảo tuyên bố về Tòa trọng tài, nhưng không đạt được đồng thuận chung để trình các Ngoại trưởng thông qua. Giáo sư Thayer cho rằng khối ASEAN sẽ tiếp tục “đi tìm chén thánh”, tức là một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), mang tính ràng buộc và nếu như đạt được thì bộ quy tắc này sẽ mang lại hoà bình và an ninh cho tất cả các nước.
ASEAN vẫn sẽ theo đuổi COC tại Biển Đông. (Nguồn: Fact FTI) |