Ảnh minh họa. (Nguồn: BBC) |
Thiên đường trốn thuế
Vụ việc bùng phát ngày 3/4 sau khi Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ), có trụ sở tại Washington D.C (Mỹ), công bố báo cáo được tiến hành trong suốt một năm qua dựa trên kho chứng từ về thuế bị rò rỉ của hãng luật Mossack Fonseca (trụ sở ở Panama) trong thời gian từ năm 1977 tới cuối năm 2015.
Các nhà báo đã tiến hành điều tra đối với khoảng 11,5 triệu chứng từ được khai thác từ hệ thống nội bộ của Mossack Fonseca, có liên quan tới khoảng 214.000 doanh nghiệp và hàng nghìn cá nhân. Trong số những cái tên nổi bật được “Hồ sơ Panama” nhắc tới có các cộng sự của Tổng thống Nga Vladimir Putin, người thân của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson, cũng như ngôi sao bóng đá Lionel Messi.
Ngày 4/4, tại thủ đô Reykjavik của Iceland, hàng nghìn người đã đổ xuống đường để biểu tình yêu cầu Thủ tướng Gunnlaugsson từ chức do các cáo buộc cho rằng ông và vợ đã lập một công ty ở nước ngoài để che giấu hàng triệu USD tiền đầu tư, trong bối cảnh quốc gia này đang gặp khó khăn về tài chính.
Trong khi đó, Australia đã tiến hành một cuộc điều tra quy mô lớn đối với 800 khách hàng giàu có của Mossack Fonseca tại nước này. Pháp và Hà Lan cũng tuyên bố điều tra, trong khi một nguồn tin từ cơ quan tư pháp Tây Ban Nha cho biết Madrid đã khởi động một cuộc điều tra hành vi rửa tiền liên quan tới hãng luật Panama.
Về phần mình, Panama cam kết điều tra để xác định các hành động phạm pháp và buộc những cá nhân cùng tổ chức gây thiệt hại tài chính phải trả giá. Tổng thống Juan Carlos Varela cho biết Panama sẽ phối hợp với các cuộc điều tra quy mô quốc tế, song nhấn mạnh việc “bảo vệ hình ảnh đất nước”, vốn đang bị coi là một trong những “thiên đường” trốn thuế trên thế giới.
Tại Panama, các giao dịch tài chính nước ngoài về cơ bản không phạm pháp song thường bị nhiều người lợi dụng để trốn thuế, tiến hành các phi vụ làm ăn phi pháp hay che giấu các tài sản có được do biển thủ hoặc có thể ảnh hưởng tới khía cạnh chính trị.
Nguồn dữ liệu khổng lồ
Mọi chuyện bắt đầu vào những tháng cuối năm 2014 khi một nguồn tin giấu tên liên lạc với Bastian Obermayer, phóng viên điều tra của tờ Suddeutsche Zeitung (Đức) và hỏi liệu họ muốn tiếp cận với một nguồn thông tin giá trị về các giao dịch mờ ám liên quan tới hàng loạt chính trị gia nổi tiếng hay không.
Suddeutsche Zeitung sau đó đã bắt tay với ICIJ để tiến hành điều tra. ICIJ nhanh chóng kêu gọi sự cộng tác của các nhà báo đến từ hơn 100 hãng truyền thông trên thế giới trong quá trình xác minh và nghiên cứu các tài liệu được chia sẻ. Thực tế dung lượng các dữ liệu chia sẻ là khoảng 2,6 terabyte, gấp 100 lần dung lượng dữ liệu mật do WikiLeaks công bố và phải 600 đĩa DVD mới chứa hết. Dự kiến sẽ có thêm những thông tin được công bố trong các tuần tới đây.
Âm mưu của Mỹ?
Cuộc điều tra “Hồ sơ Panama” đã nêu tên khoảng 140 chính trị gia, trong đó có cả các cựu nguyên thủ quốc gia và những người đang đương chức. Theo đó, gia đình của ít nhất 8 thành viên đương nhiệm hoặc đã nghỉ hưu trong Bộ Chính trị Trung Quốc, trong đó có cả gia đình của Chủ tịch Tập Cận Bình, có sở hữu tài sản lớn ở nước ngoài. Cũng theo điều tra, Thủ tướng Iceland đã bí mật sở hữu hàng triệu USD trái phiếu ngân hàng ở nước ngoài trong khi hệ thống ngân hàng nước này sụp đổ vào năm 2008.
Trong khi đó, Tổng thống Argentina Mauricio Macri cùng cha và anh trai được cho là đứng tên vị trí giám đốc một doanh nghiệp nước ngoài tại Bahamas, song ông Macri cho rằng thông tin này không có gì đặc biệt và mọi hoạt động của doanh nghiệp đều được giới chức ngành thuế Bahamas nắm rõ.
Thành viên Ủy ban Đạo đức của FIFA Juan Pedro Damiani bị cáo buộc làm ăn với 3 nhân vật vướng vào các bê bối tham nhũng trong liên đoàn. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, Quốc vương Saudi Arabia, đạo diễn phim giành giải Oscar Pedro Almodovar và diễn viên Thành Long cũng có tên trong số các nhân vật nổi tiếng mà “Hồ sơ Panama” đề cập tới.
Tuy nhiên, không ít công bố của ICIJ bị phủ nhận. Điện Kremlin cho rằng đây thực chất là một âm mưu của Mỹ nhằm vào cộng sự của ông Putin khi cho rằng nhân vật này là người đứng đầu một công ty ở nước ngoài có khối tài sản lên tới hơn 2 tỷ USD. Người Phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng các nhà báo tham gia cuộc điều tra từng làm việc trong các cơ quan của chính phủ Mỹ, cho CIA và các cơ quan đặc biệt.
Kẽ hở pháp lý
Ông Ramon Fonseca, một trong những nhà sáng lập của Mossack Fonseca, nói rằng việc ICIJ tiết lộ các thông tin là “phạm pháp” và là “một cuộc tấn công nhằm vào Panama”. Hơn 500 ngân hàng, các chi nhánh và các công ty con đã bắt tay với Mossack Fonseca kể từ những năm 1970 để giúp các khách hàng của họ quản lý các công ty ở nước ngoài.
Theo ICIJ, các tài liệu rò rỉ cho thấy “nhiều ngân hàng, công ty luật và các tổ chức ở nước ngoài thường không đáp ứng các yêu cầu pháp lý để đảm bảo khách hàng không dính líu tới các doanh nghiệp phạm pháp, trốn thuế hoặc tham nhũng”. Mossack Fonseca hiện đang là đối tượng bị Đức và Brazil điều tra do các cáo buộc liên quan đến hoạt động rửa tiền đe dọa làm chấn động giới lãnh đạo cấp cao.