Người dân Triều Tiên theo dõi tuyên bố của Chính phủ về vụ thử nghiệm vũ khí nhiệt hạch đầu tiên của nước này, ngày 6/1. |
Dù còn có những hoài nghi đối với năng lực hạt nhân thực sự của Triều Tiên thì có hai điểm không thể phủ nhận, đó là mong muốn sở hữu vũ khí hạt nhân của Triều Tiên và mong muốn cùng hoạt động sản xuất và thử nghiệm vũ khí hạt nhân của nước này trên thực tế đã gây ra những tác động to lớn đối với quan hệ quốc tế.
Dư chấn
Cho đến nay, bên cạnh các vụ bắn thử tên lửa, Triều Tiên đã bốn lần tiến hành thử hạt nhân: ngày 9/10/2006, 25/5/2009, 12/2/2013 và 6/1/2016. Sức công phá của các vụ thử này lần lượt được cho là khoảng 1.000 ton, 4 kiloton, 7 kiloton và 10 kiloton. Đặc biệt, gần đây nhất Triều Tiên tuyên bố đã thử bom nhiệt hạch (hay bom H), một loại vũ khí tiên tiến và nguy hiểm hơn nhiều so với bom nguyên tử (bom A).
Vụ thử nghiệm đã gây ra một chấn động lớn về địa chất (tương đương một vụ động đất 5,1 độ richter) cũng như một dư chấn trong quan hệ quốc tế, khi nhiều nước và Liên hợp quốc đã lên tiếng về vụ việc này. Những nước xung quanh và có liên quan đến vấn đề hạt nhân Triều Tiên như Hàn Quốc, Nhật Bản hay Mỹ đã tuyên bố điều tra về vụ thử hạt nhân này. Trong khi đó, cũng có rất nhiều ý kiến nghi ngờ Triều Tiên chưa đủ năng lực và công nghệ để tiến hành một vụ thử bom H.
Động lực nào?
Trong nhiều năm qua, việc Triều Tiên mong muốn sở hữu, sản xuất và thử nghiệm vũ khí hạt nhân đã trở thành một đề tài nóng bỏng. Đã có những luận điểm liên quan đến nguyên nhân cùng động lực thúc đẩy Triều Tiên tham gia vào cuộc chơi phức tạp này.
Thứ nhất, vũ khí hạt nhân là phản ứng của Triều Tiên trong một hệ thống quốc tế mà nước này cho là “vô chính phủ” - tức là không có một chủ thể nào (kể cả Liên hợp quốc) có thể áp đặt ảnh hưởng hay quyết định của mình lên các quốc gia. Trong hệ thống quốc tế, các thể chế và luật lệ quốc tế không thể tác động mạnh đến các quốc gia, trong đó có Triều Tiên. Điển hình là việc Triều Tiên đã tự nguyện rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) nên họ cho rằng có thể làm bất cứ điều gì mình muốn - dù là nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất hay sở hữu vũ khí hạt nhân.
Thứ hai, Triều Tiên vẫn giữ quan điểm coi vũ khí hạt nhân là công cụ để bảo vệ đất nước. Điều này xuất phát từ nhu cầu tồn tại tất yếu giữa tình cảnh bị các nước lớn cấm vận, bao vây, không có nhiều đồng minh. Triều Tiên đã chọn con đường phát triển sức mạnh quân sự để chống lại những “kẻ thù” hiện hữu. Vũ khí hạt nhân chính là cách thức Triều Tiên phòng ngừa những chính sách và động thái quân sự cứng rắn của các nước đối lập.
Thứ ba, phát triển vũ khí hạt nhân là phản ứng một cách có suy tính của Triều Tiên để nâng cao quyền lực mang tính răn đe. Quyền lực luôn là trò chơi có tổng bằng 0, sự mạnh lên của Triều Tiên chính là sự yếu đi tương đối của các đối thủ. Ở đây, một cuộc tấn công hạt nhân nhanh và mạnh mà Triều Tiên có đủ năng lực để tiến hành nhằm vào các đồng minh của Mỹ, như Bình Nhưỡng vẫn đe dọa, sẽ khiến siêu cường này phải có những tính toán, cân nhắc khi đưa ra quyết định hành động trừng phạt.
Thứ tư, tiến tới mục tiêu sở hữu vũ khí hạt nhân cũng gắn với mong muốn nâng cao vị thế trên trường quốc tế khi khả năng hạt nhân của Triều Tiên, dù còn đang tranh cãi, đã mang lại cho họ những lợi ích và vị thế có lợi trong cuộc đàm phán với các nước lớn, khiến Bình Nhưỡng cảm thấy mình có tiếng nói “có trọng lượng hơn” trên bàn đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân.
Thứ năm, vai trò của các nhà lãnh đạo Triều Tiên trong nỗ lực phát triển vũ khí hạt nhân là điều không thể phủ nhận. Thậm chí, có thể coi các nhà lãnh đạo Triều Tiên là những người tạo nên câu chuyện về “huyền thoại hạt nhân”. Niềm tin và hy vọng mà giới lãnh đạo Triều Tiên đặt vào vũ khí hạt nhân là có thật. Quan trọng hơn, họ quyết tâm thực hiện niềm tin đó.
Thứ sáu, niềm tin của giới lãnh đạo Triều Tiên không thể thực hiện được nếu không được lan tỏa và nhận được sự ủng hộ của xã hội. Vũ khí hạt nhân không chỉ là quyền lực, là vị thế và an ninh mà còn là biểu tượng cho một đất nước hùng mạnh. Đó là một niềm tin được kiến tạo về mặt xã hội, tồn tại trong các mối quan hệ xã hội và được cả xã hội Triều Tiên chia sẻ.
Tác động
Đã có những động lực và điều kiện thúc đẩy Triều Tiên sản xuất, thử nghiệm vũ khí hạt nhân. Vậy thì, tác động từ hoạt động thử vũ khí hạt nhân của Triều Tiên là gì?
Tác động trước mắt
Vụ thử mang lại một hiệu ứng tinh thần rất lớn đối với xã hội Triều Tiên, trong bối cảnh Đảng Lao động Triều Tiên dự kiến sẽ tiến hành Đại hội lần thứ bảy vào tháng Sáu tới. Vụ thử này, giống như một sự kiện phô diễn năng lực công nghệ và quốc phòng, giúp ban lãnh đạo đất nước khích lệ tinh thần và gắn kết cả dân tộc.
Là nước láng giềng cùng nằm trên bán đảo Triều Tiên, Hàn Quốc là một trong những nước lo ngại nhất. Tiếp nối những căng thẳng và va chạm quân sự trong năm 2015, vụ thử hạt nhân lần này sẽ khiến cho quan hệ liên Triều thêm căng thẳng. Ngày 10/1, Mỹ đã điều máy bay chiến đấu B52 tới Hàn Quốc dường như để thực thi chính sách “ngoại giao pháo hạm”.
Vụ thử này cũng cho thấy quan hệ Trung Quốc - Triều Tiên đang có phần lạnh giá. Trong những vụ thử trước đây, Triều Tiên thường thông báo trước cho Trung Quốc. Nhưng lần này, không nước nào nhận được thông tin gì trước khi Triều Tiên tiến hành. Thực tế, quan hệ Trung - Triều đã đi xuống từ vụ thử hạt nhân mà Triều Tiên tiến hành năm 2013.
Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã đưa ra tuyên bố phản ứng, lên án vụ thử hạt nhân của Triều Tiên. Nhiều khả năng sẽ có nghị quyết trừng phạt mới dành cho Triều Tiên. Nhưng bên cạnh đó, trước sự khó đoán định đối với những động thái tiếp theo của Triều Tiên, biện pháp trừng phạt nào cũng sẽ bị hạn chế.
Tác động lâu dài
Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ không thể yên tâm trước những vụ thử hạt nhân liên tục của Triều Tiên. Do vậy, nhiều khả năng, những vụ thử như thế này sẽ đẩy Hàn Quốc và Nhật Bản tiến gần hơn với Mỹ về hợp tác quân sự. Mỹ sẽ càng có lý do để tiếp tục duy trì quân đồn trú, hiện diện quân sự tại khu vực Đông Bắc Á.
Nếu thực sự vũ khí trong vụ thử ngày 6/1 là bom nhiệt hạch, thì Triều Tiên sẽ “gia nhập” nhóm số ít các nước sở hữu bom nhiệt hạch trên thế giới, khiến cho cán cân quyền lực giữa các chủ thể đối lập ở khu vực thay đổi đáng kể, cụ thể là nghiêng về phía Triều Tiên khi so sánh với Hàn Quốc hay Nhật Bản. Do đó, bên cạnh việc hợp tác với một cường quốc ngoài khu vực, không loại trừ khả năng một cuộc chạy đua vũ trang sẽ được các bên như Hàn Quốc hay Nhật Bản tiến hành.
Dầu vậy, cũng có quan điểm cho rằng động thái thử hạt nhân của Triều Tiên như một đòn đánh động để các bên đối lập như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản phải thể hiện thiện chí hơn nhằm xoa dịu tình hình, cụ thể là nối lại các cuộc đàm phán, nới lỏng cấm vận đối với Triều Tiên trong thời gian tới.
Mong muốn sở hữu vũ khí hạt nhân của Triều Tiên không thể chấm dứt một sớm một chiều. Tuy nhiên, có lẽ không ai mong muốn căng thẳng hay xung đột xảy ra. Vụ thử hạt nhân ngày 6/1 dường như mang ý nghĩa phô diễn nhiều hơn là gây hấn. Trong quá khứ, giữa Triều Tiên với các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ từng xảy ra nhiều vụ đụng độ trực diện hơn, nhưng các bên đều biết kiềm chế. Vì thế, chúng ta có thể tin và hy vọng rằng sẽ không xảy ra xung đột lớn, một nền hòa bình dù là tạm thời trên bán đảo Triều Tiên sẽ tiếp tục được duy trì.