TIN LIÊN QUAN | |
Mỹ - Ai Cập thảo luận về an ninh khu vực Trung Đông | |
Nỗ lực khai thác thị trường du lịch Trung Đông |
Ngày 19/8, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã tổ chức Hội nghị thúc đẩy quan hệ Việt Nam và Trung Đông – châu Phi nhằm đánh giá kết quả triển khai hợp tác giữa Việt Nam và các nước trong khu vực trong thập kỷ qua, đồng thời trao đổi thống nhất các định hướng và giải pháp chính sách giúp đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt với các nước cho giai đoạn 10 năm tới. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị gồm hơn 120 đại biểu đại diện các cơ quan của Đảng, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành, Lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh Bắc Ninh, Đăk Lăk, Hưng Yên, Nam Định, Gia Lai, Bến Tre, Trà Vinh, Điện Biên…, đại diện ban, ngành của nhiều địa phương, các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam tại khu vực Trung Đông, châu Phi cùng một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam có hợp tác với các nước khu vực.
Ảnh minh họa (Nguồn: taichinh) |
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đoàn Duy Khương và đại diện nhiều Bộ, ngành, địa phương đã phát biểu tại Hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam cho biết, quan hệ giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông - châu Phi từ trong quá khứ tới hiện tại đều rất tốt đẹp. Nhận thấy tiềm năng to lớn của quan hệ hợp tác chính trị, ngoại giao, kinh tế với khu vực này, Bộ Ngoại giao đã xây dựng Đề án thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Trung Đông giai đoạn 2008-2015.
Hội nghị đánh giá cao những thành tựu đạt được trong hợp tác giữa Việt Nam và các nước Trung Đông, châu Phi. Trong thập kỷ qua, bất chấp những khó khăn như tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế thế giới, bất ổn an ninh - chính trị tại một số quốc gia Trung Đông, châu Phi, giá dầu thế giới giảm sâu, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các nước khu vực vẫn tiếp tục có những bước phát triển quan trọng, đặc biệt trong các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, thương mại, đầu tư, dầu khí, khoa học - công nghệ… như huy động khoảng 1,5 tỷ USD đầu tư trực tiếp cho 161 dự án và nhiều tỷ USD đầu tư gián tiếp từ các nước Trung Đông, châu Phi; Việt Nam đầu tư khoảng 1,55 tỷ USD sang khu vực; tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Trung Đông, châu Phi năm 2015 đạt 17,3 tỷ USD, trong đó riêng kim ngạch thương mại với Trung Đông tăng 6 lần, từ 2 tỷ USD năm 2008 lên hơn 12 tỷ USD năm 2015 (gấp gần 2,5 lần so với mục tiêu dự kiến là 5 tỷ USD năm 2015).
Tuy nhiên, kết quả này còn khiêm tốn so với tiềm năng và nhu cầu hợp tác của hai bên. Để phát huy các thành quả hợp tác đã đạt được, đồng thời đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác với khu vực Trung Đông, châu Phi, góp phần đáp ứng các yêu cầu mới về đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12, các đại biểu tham dự Hội nghị đã tập trung thảo luận các giải pháp nhằm xây dựng một khung chính sách mới cho hợp tác giữa Việt Nam và Trung Đông, châu Phi giai đoạn 2016-2025.
Các đại biểu nhất trí cho rằng, mặc dù còn nhiều thách thức, nhưng cải cách trong nước, triển vọng tăng trưởng và xu thế hướng Đông của các nền kinh tế Trung Đông, châu Phi đang tạo nên những cơ hội quan trọng cho Việt Nam để đưa quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và các nước trong khu vực lên bước phát triển mới, tương xứng hơn nữa với nền tảng chính trị tốt đẹp và những tiềm năng hợp tác to lớn, đặc biệt trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, dầu khí, viễn thông, lao động, nông nghiệp, khoa học - công nghệ….
Hội nghị đã tạo diễn đàn gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm và giao lưu trực tiếp giữa các cơ quan hoạch định chính sách và các địa phương, giới doanh nghiệp, đặc biệt với các Đại sứ Việt Nam tại Trung Đông, châu Phi.
Châu Phi: Thu giữ hàng tấn ngà voi buôn lậu đến Đông Nam Á Cơ quan thực thi pháp luật về động vật hoang dã (ĐVHD) châu Phi đã tiến hành bắt giữ một nhóm đối tượng vì hành ... |
Châu Phi: IMF dự báo kinh tế suy giảm tại Nam Sahara Nguyên nhân xuất phát từ suy giảm chỉ số kinh tế vĩ mô tại các nền kinh tế lớn nhất trong khu vực này dưới ... |
Ngoại giao visa ở châu Phi Nam Phi tạo điều kiện cấp thị thực (visa) cho Nigeria không chỉ thúc đẩy quan hệ kinh tế - chính trị song phương mà ... |