Tránh rơi vào vực sâu
Chưa bao giờ sự chia rẽ trong NATO lại sâu sắc và mang tính rộng khắp đến thế, từ vấn đề Kosovo cho đến việc mở rộng NATO hay kế hoạch tăng cường lực lượng nhằm cải thiện tình hình ở Afghanistan. Thực chất của việc chia rẽ chính là việc phân định vai trò và trách nhiệm của Mỹ và một số nước Đông Âu với một số thành viên chủ chốt của NATO ở Tây Âu.
Có thể thấy sự chia rẽ này tiêu biểu nhất trong quá trình "Đông tiến" của NATO. Trong khi Mỹ thúc đẩy việc trao quy chế Kế hoạch hành động thành viên (MAP) cho Ukraine và Gruzia thì Pháp và Đức kiên quyết phản đối điều này. Chính quyền Mỹ, mà cụ thể là Tổng thống Bush, nhà lãnh đạo sẽ hết nhiệm kỳ vào cuối năm nay, muốn để lại dấu ấn bằng việc đưa được hai nước mà mình từng ca ngợi là những điển hình trong tiến trình dân chủ hóa các nước trên thế giới. Tuy nhiên, Pháp và Đức, với những mối quan hệ kinh tế - năng lượng chặt chẽ với Nga, vào thời điểm này khó có thể chấp nhận Ukraine và Gruizia là ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch mở rộng về phía Đông của NATO.
Một vấn đề nổi cộm nữa là việc chia sẻ gánh nặng tại Afghanistan. Lực lượng an ninh quốc tế tại Afghanistan là do NATO chịu trách nhiệm và các nước thành viên khối quân sự này đều có binh sĩ tại đây, cùng với một số đồng minh ngoài NATO của Mỹ, ví dụ như Australia. Tuy nhiên, về cơ bản, các hoạt động tham chiến trực tiếp đều do phía Mỹ tiến hành trong khi binh sỹ các nước châu Âu chỉ làm nhiệm vụ an ninh ở các khu vực ít bạo lực hơn. Dù vậy, điều này cũng không làm yên lòng chính giới các nước đó. Ngày 1/4, Quốc hội Pháp đã có cuộc tranh luận gay gắt về ý tưởng của Tổng thống Pháp đưa nước mình can dự hơn nữa vào cuộc chiến tại Afghanistan.
Trước đó, Quốc hội Canada đã có Nghị quyết chỉ cho phép quân đội quốc gia Bắc Mỹ này tiếp tục hiện diện tại Afghanistan đến năm 2011 nếu các nước đồng minh khác cử lực lượng tăng viện, còn nếu không, sẽ rút toàn bộ vào tháng 2/2009.
Những kết quả tại Hội nghị đã cho thấy sự thỏa hiệp giữa các nhóm nước trong khối quân sự này theo hướng tránh rơi vào chia rẽ sâu sắc. Nếu như Mỹ phải nhân nhượng trong vấn đề mở rộng thành viên khi NATO quyết định sẽ chưa trao MAP cho Ukraine và Gruzia mà trao cho 2 nước thuộc khối Đông Âu cũ là Albania và Croatia; thì Pháp lại mang tin vui cho Mỹ khi cam kết sẽ tăng cường sự hiện diện tại Afghanistan. Động thái của Pháp cũng tạo điều kiện thuận lợi cho Canada tiếp tục duy trì lực lượng của mình tại đây. Và với Mỹ, điều này có ý nghĩa là gánh nặng của họ được chia sẻ nhiều hơn trước.
Đi men theo núi cao
Nếu những kết quả của Hội nghị thượng đỉnh NATO lần này lại tạo ra một sự phản ứng mạnh mẽ mới của Nga, có lẽ Mỹ và các nước châu Âu khác còn vấp phải khó khăn lớn hơn cả mâu thuẫn nội bộ của chính họ. Ngày 6/4 tới đây, hai Tổng thống Nga và Mỹ sẽ trực tiếp gặp nhau tại Sochi bên bờ biển Đen. Người ta cho rằng sự kiện này sẽ mang lại nhiều chuyển biến bất ngờ và quan trọng liên quan đến an ninh châu Âu hơn chính Hội nghị thượng đỉnh NATO.
Ông Bush hy vọng Mátxcơva sẽ bớt phản đối kế hoạch triển khai NMD tại Ba Lan và CH Czech với những nhượng bộ của Washington. Trên thực tế, đã có một vài dấu hiệu và cơ sở nhất định để đạt được thỏa thuận. Trong bức thông điệp gần đây nhất gửi nhà lãnh đạo Nga, ông Bush cho biết tên lửa đánh chặn sẽ được đặt ở Ba Lan và trạm radar sẽ được dựng lên ở CH Czech nhưng toàn bộ hệ thống sẽ chưa đưa vào sử dụng chừng nào Iran hoặc một nước thù địch nào khác chưa tiến hành thử nghiệm tên lửa có thể bắn đến châu Âu. Ngoài ra, người Nga sẽ được tiếp cận các cơ sở NMD này. Nếu đạt được thỏa thuận, điều này có thể sẽ làm thay đổi bản tổng kết thành tích đối ngoại của ông Bush, vốn bị đánh giá là hết sức kém cỏi từ khi lên nắm quyền.
Vì vậy, với những gì đã đạt được tại Bucharest, có lẽ người thua thiệt nhất chính là những nước đã và đang làm tất cả để tách ra khỏi mối quan hệ hợp tác truyền thống với Nga để theo đuổi một mô hình mới với những lời hứa không có cơ hội được thực hiện. n
Minh Thành