Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và người đồng cấp Nga Vladimir Putin. |
Đáp trả "hành động đâm sau lưng" của Thổ Nhĩ Kỳ, Nga nhanh chóng áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt kinh tế trong các lĩnh vực chủ chốt của Thổ Nhĩ Kỳ như du lịch và nông nghiệp. Đồng thời, Nga cũng tăng cường sự hiện diện quân đội tại Syria, triển khai hệ thống tên lửa phòng không tầm trung và tầm xa S400 cũng như các lực lượng hải quân mới.
Bên cạnh đó, Tổng thống Vladimir Putin còn cáo buộc việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay của nước này là nhằm che đậy sự liên quan của Ankara trong các giao dịch dầu thô với nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Với cáo buộc đó, Nga đã nhắm mũi rìu dư luận về phía Thổ Nhĩ Kỳ như một kẻ gây sự "vừa ăn cướp vừa la làng".
Về phần mình, trước những cáo buộc và phản ứng gay gắt của Nga, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố sẽ từ chức nếu Nga đưa ra những bằng chứng xác đáng cho những cáo buộc về mối liên hệ với IS. Đồng thời, ông Erdogan cũng khẳng định sẽ không xin lỗi Nga về vụ bắn hạ máy bay Nga nhưng lại bày tỏ "đau buồn sâu sắc" và ước rằng sự việc trên đã không xảy ra. Ngày 2/12, ông Erdogan tuyên bố sẽ không trả đũa các biện pháp trừng phạt của Nga và khẳng định Moscow là một trong những đối tác chiến lược của Ankara.
Các chuyên gia cho rằng, động thái này của ông Erdogan là sự "xuống nước" đáng kể, cho thấy Thổ phần nào đã "ngấm" đòn trả đũa của Nga. Mặt khác, dường như những hành động đầy quyết đoán của Tổng thống Nga Vladimir Putin sau vụ việc đã có những tác động tức thời lên thái độ của giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và cả các đồng minh NATO.
Về phía NATO, đứng trước một bên là đồng minh Ankara, một bên là khả năng Nga sẽ rút khỏi liên minh chống IS, dường như NATO đã lựa chọn quay lưng với Thổ Nhĩ Kỳ để tập trung vào phối hợp với cường quốc quân sự không thể thiếu trong cuộc chiến chống IS.
Cho đến Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) tại Paris, trong khi cả thế giới đều mong chờ một cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo hai bên nhằm thỏa hiệp chấm dứt căng thẳng thì người đứng đầu Điện Kremlin một mực từ chối gặp gỡ song phương với lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, với tình hình hiện tại, căng thẳng Nga - Thổ có khả năng sẽ không kéo dài lâu vì cả hai bên đều thiệt hại nặng nề nếu căng thẳng tiếp tục gia tăng. Hơn nữa, Nga cũng hiểu rằng Thổ Nhĩ Kỳ vốn không phải là mối đe dọa của họ trên bàn cờ chiến lược Syria. Tín hiệu đầu tiên là Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết sẽ không từ chối gặp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ tại cuộc họp của Hội đồng Bộ trưởng Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) dự kiến diễn ra tại Serbia vào ngày 3-4/12.
Huyền Trâm