📞

Hợp tác ba bên Mỹ-Nhật-Hàn: 'Hãy đập mạnh thanh sắt khi còn nóng'

Phương Anh 20:47 | 26/05/2022
Chuyến công du tới Hàn Quốc và Nhật Bản của Tổng thống Mỹ Joe Biden không chỉ có ý nghĩa chiến lược với từng cặp quan hệ mà còn là cơ hội kết nối Seoul-Tokyo lại gần nhau hơn, gắn kết 3 nước hướng tới những mục tiêu chung.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tại Seoul ngày 21/5. (Nguồn: AP)

Nhiệm vụ kết nối

Trong chuyến thăm Hàn Quốc và Nhật Bản vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden có một nhiệm vụ là "kết nối" hai đồng minh châu Á này.

Một nhà báo kỳ cựu của Hàn Quốc đã nói lên cảm giác của nhiều người dân trong nước: "Chắc chắn, niềm tự hào của chúng ta đã được nâng cao (nhờ chuyến thăm của ông Biden). Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Hàn ngày 21/5 diễn ra chỉ 11 ngày sau khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tuyên thệ nhậm chức. Sự phấn khích của công chúng là điều dễ hiểu vì Hàn Quốc chưa bao giờ tổ chức hội nghị thượng đỉnh với Mỹ ngay sau lễ nhậm chức của một nhà lãnh đạo mới, và lần này là chuyến thăm đầu tiên của tổng thống Mỹ Joe Biden".

Hai Tổng thống đã nhanh chóng bắt tay vào các lĩnh vực hợp tác, đồng ý điều chỉnh chiến lược của họ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, hai nước cũng nhất trí bắt đầu thảo luận về việc mở rộng các cuộc tập trận chung, và Seoul cam kết sẽ đóng một vai trò lớn hơn trong địa chính trị khu vực.

Trong bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy, Triều Tiên vẫn tiếp tục các vụ thử tên lửa nhắm đến Seoul và Washington, một liên minh chặt chẽ giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Nhiều chuyên gia an ninh cho biết, một trong những mục tiêu của hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật Bản là bảo vệ không chỉ Tokyo mà còn cả Seoul. Mỹ và Nhật Bản có một kế hoạch dự phòng chung mang mã số 5055 quy định việc triển khai Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF) và quân đội Mỹ trong trường hợp khẩn cấp về an ninh trên Bán đảo Triều Tiên.

Trong khi đó, Mỹ và Hàn Quốc cũng đang củng cố quan hệ đồng minh của họ. Trong cuộc họp "2+2" giữa các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng hai nước vào tháng 3/2021, Mỹ và Hàn Quốc khẳng định rằng liên minh Mỹ-Hàn "đóng vai trò là nền tảng của hòa bình, an ninh và thịnh vượng trên Bán đảo Triều Tiên và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương".

"Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở" đã trở thành một từ khóa được Hàn Quốc và Nhật Bản chia sẻ. Nhiều chuyên gia đã gọi mối quan hệ rạn nứt giữa Nhật Bản và Hàn Quốc là "mắt xích còn thiếu" trong các thỏa thuận an ninh cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Việc ông Yoon trở thành Tổng thống Hàn Quốc có thể mang lại cho tam giác quan hệ Mỹ-Nhật-Hàn cơ hội thúc đẩy ổn định khu vực bằng cách tăng cường hợp tác đối phó với Triều Tiên và Trung Quốc.

Hàn Quốc là một cường quốc quân sự lớn, có ngân sách quốc phòng lớn thứ 10 trên thế giới và 600.000 quân. Chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch chi tổng cộng 315 nghìn tỷ Won (247 tỷ USD) cho quốc phòng trong 5 năm kể từ năm 2022.

Hàn Quốc đã có chiến lược phòng thủ 3 giai đoạn trước các cuộc tấn công hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, bao gồm cả hệ thống tấn công phủ đầu Kill Chain. Hệ thống này, bao gồm các tên lửa đất đối không, có thể được huy động nếu phát hiện các dấu hiệu sắp xảy ra vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng.

Nhật Bản và Hàn Quốc có chung nguy cơ trở thành mục tiêu trả đũa của Triều Tiên nếu một trong hai bên tấn công nước này.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tại Tokyo ngày 23/5. (Nguồn: AP)

Không được phép bỏ lỡ cơ hội

Với việc Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, một trong những vấn đề quan trọng được đưa ra tại cả hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Hàn và Mỹ-Nhật phải là làm thế nào để tăng cường hiệu quả "chiếc ô hạt nhân" của Mỹ như một biện pháp răn đe chống lại các mối đe dọa từ Trung Quốc và Triều Tiên.

Tokyo và Seoul tiếp tục chia sẻ lợi ích trong việc làm cho chiếc ô hạt nhân hiệu quả hơn bằng cách hợp tác chặt chẽ với Washington. Tân Tổng thống Yoon cũng mong muốn thúc đẩy an ninh kinh tế của Hàn Quốc. Ông có kế hoạch tìm kiếm cơ hội gia nhập nhóm Bộ tứ bằng cách đầu tiên tham gia các nhóm làm việc về công nghệ tiên tiến và các lĩnh vực khác.

Trong chuyến công du của ông Biden đến châu Á, chính phủ của Tổng thống Yoon đã đăng ký tham gia Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF), một sáng kiến do Mỹ dẫn đầu, nhằm mở rộng chuỗi cung ứng toàn cầu cho các mặt hàng chiến lược.

Các tập đoàn hàng đầu, như Samsung, có thể sẽ thúc đẩy mạnh mẽ IPEF. Ông Yoon có thể thấy tỷ lệ ủng hộ của ông tăng lên nhờ chuyến thăm của ông Biden đến Hàn Quốc, thúc đẩy triển vọng của đảng Bảo thủ của ông trong cuộc bầu cử địa phương toàn quốc vào tháng 6 tới, thách thức bầu cử lớn đầu tiên đối với tân tổng thống.

"Không nên bỏ lỡ cơ hội khi ông Yoon có động lực. Hãy đập mạnh thanh sắt khi nó còn nóng", một quan chức cấp cao của chính phủ Hàn Quốc cho biết, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc phải hành động nhanh chóng để tăng cường quan hệ.

Ông Biden, người đã cố gắng làm cầu nối để thu hẹp khoảng cách giữa Nhật Bản và Hàn Quốc cách đây 9 năm, phải nhận thức rõ rằng hai đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc không được phép bỏ lỡ cơ hội này.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol có thể sẽ sớm có cơ hội gặp nhau. Mong muốn mở rộng phạm vi hợp tác an ninh ra ngoài châu Âu, NATO đã mời 4 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand, tham dự hội nghị thượng đỉnh tại Tây Ban Nha vào cuối tháng 6 tới.

(theo Nikkei)