Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu. |
Các quan chức quốc phòng Mỹ gần đây đã hối thúc các quốc gia Đông Nam Á thực hiện tuần tra chung nhưng không đề cập tới sự tham gia tiềm năng của Trung Quốc. Theo Bộ trưởng Ryamizard Ryacudu thì những cuộc tuần tra chung góp phần khẳng định rằng không một quốc gia nào có thể đơn phương củng cố sức mạnh và đe dọa các nước khác tại vùng biển tranh chấp. Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền với 4/5 diện tích Biển Đông. Trong vòng 18 tháng qua, Bắc Kinh đã đẩy mạnh việc cải tạo xây đảo nhân tạo tại các bãi đá tranh chấp và Mỹ, vì vậy cũng tăng cường tuần tra trên không và trên biển tại khu vực này.
Indonesia từ lâu vẫn nói rằng nước này là một bên trung lập trong các tranh chấp, thậm chí khi các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc chồng lấn lên một phần vùng biển ngoài khơi quần đảo Natuna của Indonesia.
Khi được hỏi liệu ông có cho rằng Trung Quốc có các ý đồ với quần đảo Natuna, Bộ trưởng Ryacudu trả lời là "chưa", và khẳng định thêm rằng Bắc Kinh không có quyền đối với quần đảo. "Chúng tôi có lịch sử tại đó", ông nói.
Đồng quan điểm với Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein cho biết việc tuần tra chung với Trung Quốc hoàn toàn có khả năng. “Trung Quốc sẽ đánh mất nhiều thứ nếu như khu vực trở nên bất ổn”, ông nói.
Tuy nhiên, trên thực tế tuần tra chung trên biển sẽ rất khó thực hiện, kể cả khi các nước đồng ý với ý tưởng này. ASEAN và Trung Quốc đã cố gắng xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử trong hơn một thập kỷ qua nhưng cho tới nay vẫn chưa có tiến triển đáng kể. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani cũng đã đề xuất sử dụng rộng rãi hơn các nguyên tắc ứng xử chung trên biển và trên không trong khu vực, đặc biệt là việc triển khai một bộ quy tắc ứng xử cho những cuộc chạm trán ngoài ý muốn trên biển.
Hằng Phạm (theo Bangkok Post)