📞

'Kế hoạch 12 điểm' của Trung Quốc: Phương Tây đặt dấu hỏi về uy tín, Tổng thống Ukraine 'gật gù'

Hà Phương 20:05 | 27/02/2023
Tổng thống Ukraine cho rằng kế hoạch mới do Trung Quốc đưa ra về xung đột Nga-Ukraine có thể hữu ích, trong khi phương Tây hoài nghi về uy tín của Bắc Kinh với vai trò trung gian hòa giải.
Tổng thống Nga Putin (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp ngày 4/2/2022 tại Bắc Kinh. (Nguồn: AP)

Ngày 24/2, Trung Quốc kêu gọi ngừng bắn toàn diện ở Ukraine và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ông sẵn sàng xem xét các phần trong kế hoạch hòa bình 12 điểm do Bắc Kinh đưa ra.

Trong khi đó, phương Tây tỏ ra hoài nghi đối với đề nghị của Trung Quốc bởi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho rằng Bắc Kinh không mấy "khả tín" với vai trò trung gian hòa giải.

Kế hoạch 12 điểm của Trung Quốc, được nêu trong một tài liệu của Bộ Ngoại giao nước này, phần lớn nhắc lại đường lối của Trung Quốc kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine ngày 24/2/2022.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh: “Tất cả các bên phải giữ lý trí và kiềm chế, tránh thổi bùng ngọn lửa và làm trầm trọng thêm căng thẳng, đồng thời ngăn cuộc khủng hoảng xấu đi hơn nữa hoặc thậm chí vượt khỏi tầm kiểm soát”.

Lập trường “cởi mở” của Tổng thống Zelensky

Trang mạng Politico cho biết, Tổng thống Zelensky sẵn sàng xem xét một số khía cạnh của “Kế hoạch 12 điểm” do Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố và ông muốn gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để thảo luận về các đề xuất của Bắc Kinh.

Theo nhà lãnh đạo Ukraine, cuộc gặp với ông Tập Cận Bình có thể “hữu ích” cho cả hai nước và cho an ninh toàn cầu.

AP trích lời Tổng thống Ukraine nói với các phóng viên ở Kiev: “Tôi tin rằng việc Trung Quốc bắt đầu nói về Ukraine không có gì xấu cả. Nhưng vấn đề là điều gì sẽ xảy ra sau những phát biểu đó. Câu hỏi nằm ở các bước đi và việc chúng sẽ dẫn chúng ta đến đâu”.

Tổng thống Zelensky cũng cảnh báo Bắc Kinh không cung cấp vũ khí cho Nga, điều mà các chính phủ phương Tây ngày càng lo ngại.

Một nguồn thạo tin tiết lộ với Politico ngày 24/2 rằng, Trung Quốc đang xem xét việc cung cấp máy bay không người lái và đạn dược để hỗ trợ Nga ở Ukraine.

Ông Zelensky nói với Reuters: “Tôi rất muốn tin rằng Trung Quốc sẽ không giao vũ khí cho Nga, và đối với tôi điều này rất quan trọng”.

Sự hoài nghi của phương Tây

Khác với nhà lãnh đạo Ukraine, phương Tây tỏ ra hoài nghi với đề nghị của Trung Quốc.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu trên đài ABC: “Bất kỳ đề xuất nào có thể thúc đẩy hòa bình đều đáng được xem xét. Chúng tôi đang xem xét nó. Nhưng bạn biết đấy, có 12 điểm trong kế hoạch của Trung Quốc. Nếu họ nghiêm túc với điều đầu tiên - chủ quyền - thì cuộc xung đột này có thể kết thúc vào ngày mai".

Ông Blinken nói thêm rằng Trung Quốc đã cung cấp hỗ trợ phi sát thương cho Nga thông qua các công ty của họ và nhắc lại cáo buộcBắc Kinh “hiện đang cân nhắc hỗ trợ các vũ khí sát thương (cho Nga)”.

Trong khi đó, phát biểu với các phóng viên ở Estonia, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg lưu ý, Bắc Kinh đã ký một thỏa thuận với Nga chỉ vài ngày trước khi nước này thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine một năm trước.

Tổng Thư ký NATO cho rằng Trung Quốc "không có nhiều uy tín" vì không đưa ra lập trường rõ ràng đối với cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Còn theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Trung Quốc không chia sẻ kế hoạch hòa bình mà chỉ là chia sẻ một số nguyên tắc. Bà nói: “Tất nhiên, chúng tôi sẽ xem xét các nguyên tắc, nhưng chúng tôi sẽ xem xét chúng trong bối cảnh Trung Quốc đứng về phía nào đó”.

Các nước phương Tây cũng cảnh báo bất kỳ động thái nào của Trung Quốc bán vũ khí cho Nga sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan nói với NBC rằng ông không xác nhận những thông tin trên tờ “Der Spiegel” của Đức cho rằng Nga đang đàm phán với một nhà sản xuất Trung Quốc về việc mua 100 máy bay không người lái. Tuy nhiên ông cho biết: “Chúng tôi đang tiếp tục giải thích lý do tại sao đó sẽ là một sai lầm khủng khiếp đối với họ” (nếu Trung Quốc cung cấp vũ khí cho Nga).

Tân Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva nhấn mạnh sự cần thiết của một thỏa thuận hòa bình do bên ngoài làm trung gian.

Ông Lula viết trên Twitter: “Điều cấp bách là một nhóm các quốc gia không tham gia vào cuộc xung đột phải nhận trách nhiệm đi đầu các cuộc đàm phán để thiết lập lại hòa bình”.

Đồng tình với quan điểm trên, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 25/2 đã hoan nghênh sáng kiến của Bắc Kinh về cuộc xung đột ở Ukraine và cho biết ông sẽ thăm Trung Quốc vào đầu tháng 4 để tìm cách thuyết phục Trung Quốc giúp đỡ chấm dứt xung đột.

Tổng thống Pháp nói: “Thực tế việc Trung Quốc đang tham gia vào các nỗ lực hòa bình là một điều tốt”. Nhà lãnh đạo Pháp cũng yêu cầu Bắc Kinh “không cung cấp bất kỳ loại vũ khí nào cho Nga”.

Ông Macron đã tìm kiếm sự trợ giúp của Bắc Kinh để “gây áp lực lên Nga nhằm đảm bảo nước này không bao giờ sử dụng vũ khí hóa học hoặc hạt nhân và ngăn chặn hành vi gây hấn này trước khi đàm phán”.

Trong khi đó, Bắc Kinh ngày 25/2 thông báo, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko sẽ thăm Trung Quốc trong chuyến thăm cấp nhà nước từ ngày 28/2 đến ngày 2/3. Bộ Ngoại giao Belarus xác nhận chuyến thăm đã được lên kế hoạch. Belarus ủng hộ chiến dịch quân sự của Nga vào Ukraine và cho phép Nga sử dụng lãnh thổ của mình trong các cuộc tấn công.

(theo CNN, Eurasia Times)