TIN LIÊN QUAN | |
Cán bộ trẻ nói về ngành | |
Chuyện hậu cần ở Hội nghị Ngoại giao, Ngoại vụ |
Có không ít nhà ngoại giao Việt Nam nổi danh về những “tài lẻ” của mình như: ca hát, đàn sáo hay thể thao, thì dù còn hiếm hoi, nhưng ở Bộ Ngoại giao cũng xuất hiện những cán bộ đam mê mỹ thuật. Trong số đó có thể kể đến Tham tán Hoàng Hải và Phó Chánh Văn phòng Bộ Ngoại giao Lê Bá Vinh…
Chất xúc tác tuyệt vời
Gặp nhà ngoại giao Hoàng Hải khi ông không được khỏe, nhưng ở ông vẫn toát lên tinh thần của một nhà ngoại giao và thấp thoáng bóng dáng của một họa sĩ.
Ông chia sẻ, khi còn làm ở Vụ Tổ chức Quốc tế, trước khi tới Geneva (Thụy Sỹ) đảm nhiệm cương vị Tham tán tại Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, ông đã rất mê môn nghệ thuật màu sắc này. Trên chặng đường đối ngoại của mình, ông mang theo giá vẽ đi khắp nơi và vẽ bất cứ khi nào có cảm hứng nghệ thuật. Ngày đó, tranh của nhà ngoại giao Hoàng Hải đã được gửi tham gia triển lãm “Những nhà ngoại giao vẽ” do Liên hợp quốc tổ chức để lấy tiền ủng hộ Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF). Những nét cọ của ông rất được bạn bè yêu thích và họ đã mua tranh để ủng hộ Quỹ. Kể từ đó, các đồng nghiệp thân mật gọi ông bằng cái tên họa sĩ Hoàng Hải.
Bức sơn dầu “Khuôn viên Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan” của Lê Bá Vinh. |
Ông bảo mình may mắn khi người bạn đời cùng chia sẻ niềm đam mê nghệ thuật với chồng và tạo mọi điều kiện để ông vừa yên tâm công tác, vừa thỏa mãn đam mê nghệ thuật. “Đền” cho bà, ông đã vẽ tặng bức “Dắt trâu trên đê” - đó là con đê làng nơi bà sinh ra với bầu trời nhiều mây nhưng thật khoáng đạt.
Ông cho rằng, nền tảng của ngoại giao chính là văn hóa. Vì thế, người làm ngoại giao nên trang bị cho mình những hiểu biết về nghệ thuật, về âm nhạc, văn học… Có lần, ông đã vẽ một bức tranh về mùa Thu ở Nhật với lá đỏ phủ đầy trên những gốc phong già để tặng vợ chồng bà Đại sứ Nhật Bản ở Geneva. Đến ngày “đốt lò sưởi” theo tục lệ ở châu Âu, bà Đại sứ Nhật mở tiệc và khách mời đều là các Đại sứ. Riêng Tham tán Hoàng Hải cũng được mời với tư cách họa sĩ.
Trong bữa tiệc, những món ăn Nhật được bày trên những chiếc lá phong rực rỡ, nổi bật trên nền đĩa sứ trắng. Bức tranh của ông cũng được treo rất trang trọng trong phòng khách. Ông bảo: “Một trong những mục tiêu của ngoại giao là tôn vinh văn hóa, tôn vinh cái đẹp. Văn hóa giống như một chất xúc tác tuyệt vời, nó giúp cho các nhà ngoại giao xích lại gần nhau hơn”.
Nuôi dưỡng đam mê
Khá khiêm tốn khi nói về niềm đam mê vẽ tranh của mình, anh Lê Bá Vinh bộc bạch: “Từ nhỏ, tôi đã thích vẽ. Bố mẹ tôi khuyến khích con cái phát triển đam mê của mình nên đã tạo điều kiện cho tôi học vẽ. Đó là lý do mà qua năm tháng, niềm đam mê hội họa cứ thế lớn dần trong tôi. Thế nhưng, đến khi có cơ hội vào học tại Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội thì tôi lại “quay 180 độ” sang học ngoại giao - một nghề mà từ lâu tôi đã vô cùng yêu thích và ngưỡng mộ”.
Anh bảo, ngoại giao và hội họa song hành trong anh, giống như cái người ta gọi là điều kiện cần và đủ cho cuộc sống của anh. Việc trở thành nhà ngoại giao khiến anh thỏa ước mơ, nhưng theo đuổi hội họa giống như điều gì đó khiến anh có được sự thăng bằng trong cuộc sống.
Bức sơn dầu “Cổng làng” của Hoàng Hải. |
“Khi là sinh viên Đại học Ngoại giao (nay là Học viện Ngoại giao), cứ đến kỳ nghỉ Hè, tôi lại vẽ. Tôi nghĩ rằng, với bất cứ ai, chút tài lẻ sẽ rất có ích đối với họ trong cuộc sống. Giống như những năng khiếu về ca hát, khiêu vũ, đánh đàn, thổi sáo…, tôi nghĩ rằng, những hiểu biết và đam mê hội họa cũng sẽ giúp ích cho tôi trong công tác đối ngoại. Đó là một trong những kỹ năng mềm mà tôi nghĩ các nhà ngoại giao đều muốn trang bị cho mình”, anh Lê Bá Vinh chia sẻ.
Với anh, sau một ngày làm việc mệt nhọc và căng thẳng, việc được ngắm nghía những bức tranh trên tường phòng khách là điều gì đó vô cùng tuyệt diệu. Anh bảo, “Hội họa cho tôi có cái nhìn nhân văn về mọi việc diễn ra trong công việc và cuộc sống”.
Trước đây, nhiều thế hệ nhà ngoại giao gạo cội trong Bộ Ngoại giao cũng từng vẽ tranh và thậm chí còn tổ chức triển lãm các tác phẩm của mình. Lê Bá Vinh bảo, anh rất ngưỡng mộ và hy vọng trong tương lai có thể sử dụng năng khiếu hội họa như một kỹ năng mềm bổ trợ cho công tác đối ngoại của mình. “Chẳng hạn, tôi có thể sử dụng chính những bức tranh mà mình vẽ để làm những món quà đối ngoại trong các cuộc tiếp xúc ngoại giao. Hiện nay, nhiều cán bộ ngoại giao của chúng ta chọn mua tranh để mang ra nước ngoài làm quà. Nó sẽ có thêm ý nghĩa khi do chính nhà ngoại giao Việt Nam vẽ tặng”, anh tâm sự.
“Trong nhiệm kỳ công tác ở Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan (2008 - 2011), tôi dành mấy ngày nghỉ để vẽ khuôn viên Đại sứ quán (chất liệu sơn dầu). Không ngờ, vài năm sau, bức tranh này đã được chọn làm quà tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm chính thức của ông tới Thái Lan vào năm 2013. Đây là một kỷ niệm vui và đáng nhớ đối với tôi kể từ khi theo đuổi niềm đam mê hội họa”. (Lê Bá Vinh, Phó Chánh Văn phòng Bộ Ngoại giao) |
Chuyện hậu cần ở Hội nghị Ngoại giao, Ngoại vụ Trụ sở ICC (Trung tâm Hội nghị quốc tế) ở ngay trên phố Lê Hồng Phong, rất gần trụ sở Bộ Ngoại giao. Có lẽ, ... |
Hội nghị Ngoại giao 29: Đề cao tư duy đổi mới và sáng tạo Hội nghị Ngoại giao 29 sẽ được tổ chức với phương châm dân chủ, coi trọng tính tương tác và tư duy phản biện khoa ... |
Hội nghị Ngoại vụ 18: Hội nghị của các quyết tâm hành động Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 18 là "hội nghị của ... |