Vaccine Sputnik V vẫn chưa được Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) phê duyệt. (Nguồn: Reuters) |
Trong một chuyến thăm Moscow (Nga) vào cuối tháng 4, ông Michael Kretschmer, Thủ hiến bang Saxony, đã thông báo về kế hoạch mua 30 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 Sputnik V của Nga, dự kiến sẽ nhận khoảng 10 triệu liều vào đợt đầu tiên trong mùa Hè này.
Thông báo trên đã gây ra làn sóng ngạc nhiên bởi xuất phát từ một thủ hiến tiểu bang chứ không phải một quan chức của cả liên bang Đức. Khi trở về Đức, ông Kretschmer nhanh chóng phủ nhận và cho biết đó mới chỉ là kế hoạch, ông chưa ký thỏa thuận và chỉ có chính phủ liên bang mới có thể đặt hàng vaccine ở nước ngoài.
Giống như bang Saxony, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và đợi chờ vaccine theo cơ chế chung của EU quá lâu, trong nhiều tháng qua, thủ hiến các bang tại Đức đã tự xoay xở tìm cách tiếp cận vaccine của Nga.
Áp lực gia tăng đó đã khiến Bộ trưởng Y tế Liên bang Jens Spahn tuyên bố đàm phán với Nga về việc mua Sputnik V vào đầu tháng 4/2021.
Ý tưởng khởi động đàm phán đơn phương với Nga dường như đánh dấu một sự thay đổi lớn trong nước Đức. Trước đó, Thủ tướng Angela Merkel và Bộ trưởng Y tế Spahn đã cam kết mua chung vaccine trong EU.
Mặc dù có sự chậm trễ trong việc mua vaccine, nhưng Đức vẫn giữ nguyên chính sách này. Trong khi đó, EU vẫn chưa phê duyệt việc sử dụng vaccine Sputnik V và bà Angela Merkel nhấn mạnh rằng đây vẫn sẽ là điều kiện tiên quyết cho bất kỳ hoạt động mua sắm vaccine nào.
Làn sóng ủng hộ Sputnik V
Thủ hiến các bang Saxony, Thuringia, Mecklenburg-Western Pomerania và Saxony-Anhalt ở phía Đông Đức đều bày tỏ mong muốn mua vaccine Sputnik V. Trước khi tái thống nhất nước Đức vào năm 1990, những bang này là một phần của Cộng hòa Dân chủ Đức, vốn là một phần của khối các nước cộng sản đồng minh với Liên Xô.
Ông Reiner Haseloff, Thủ hiến bang Saxony-Anhalt, người sẽ tái cử vào tháng tới, đã bảo vệ quyết định của mình với lập luận rằng ông từng tiêm phòng bệnh bại liệt bằng vaccine của Liên Xô từ hồi còn CHDC Đức. Và ông cảm thấy không có vấn đề gì với vaccine của Nga.
Theo Giáo sư lịch sử tại Đại học Halle, ông Silke Satjukow, một chuyên gia về Nga cũng từng được tiêm vaccine Liên Xô thời CHDC Đức, nhiều người Đức từ các bang miền Đông vẫn đồng tình và ủng hộ những thành tựu khoa học của Nga.
Mặt khác, kể từ khi đại dịch bắt đầu, các cuộc thăm dò ý kiến về các thủ hiến bang đều có mối liên hệ chặt chẽ với khả năng quản lý đại dịch của họ. Đó là lý do không chỉ tại riêng phía Đông Đức mà còn ở nhiều nơi khác, Sputnik V đang được quan tâm.
Tháng trước, Thủ hiến bang Bavaria Markus Soeder đã công bố một thỏa thuận sơ bộ giữa bang của ông và một nhà máy để sản xuất 2,5 triệu liều Sputnik V.
Sau đó, luật mới được ban hành vào cuối tháng 4, trao cho chính phủ quyền áp đặt các hạn chế đối với các bang để kiềm chế đại dịch, chấm dứt sự chồng chéo, chắp vá các biện pháp của từng bang.
Rõ ràng, việc bảo đảm nguồn cung vaccine ở mỗi bang dường như đã trở thành tiêu chí hàng đầu để chứng minh họ có thể đối phó hiệu quả với những đợt khủng hoảng do đại dịch.
Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn theo dõi tiêm vaccine Covid-19 cho người cao tuổi tại Berlin, ngày 5/4. (Nguồn: AFP) |
Quyền lực mềm của Nga
Ngay từ đầu, vaccine Sputnik V đã là một dự án triển vọng của Điện Kremlin. Đây là loại vaccine đầu tiên được đăng ký trên toàn thế giới, và tên của nó liên hệ đến một chiến thắng khoa học khác của Nga, đó là vệ tinh Sputnik - vệ tinh nhân tạo đầu tiên quay quanh Trái đất.
Thậm chí, Nga còn ưu tiên đưa vaccine Sputnik V ra nước ngoài để quảng bá mặc dù trong nước mới chỉ có 5% dân số được tiêm chủng.
Cho đến nay, 61 quốc gia đã phê duyệt Sputnik V và 28 nước đang sử dụng vaccine này.
Vaccine của Nga đóng một vai trò đặc biệt quan trọng ở các nước đang phát triển, nhất là với những quốc gia không có chương trình vaccine của riêng mình và không thể cạnh tranh với các nước giàu hơn để mua vaccine.
Việc có thể cung cấp vaccine vào thời điểm nhiều quốc gia vẫn đang gặp khó khăn trong việc mua sản phẩm này đã mang lại cho Nga một quyền lực mềm mới để thúc đẩy ảnh hưởng của mình.
Không chỉ ở Đức, các câu hỏi về việc có nên thông qua Sputnik V hay không cũng đã gây chia rẽ các chính phủ trong EU.
Tại Cộng hòa Czech, hai Bộ trưởng Y tế đã bị sa thải chỉ trong vòng một tuần, một phần vì phản đối việc nhập khẩu vaccine của Nga.
Trong khi đó tại Slovakia, quyết định nhập khẩu 200.000 liều Sputnik V của Thủ tướng Igor Matovic đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng chính trị và khiến ông phải từ chức.
Ông JörgForbrig, Giám đốc khu vực Trung và Đông Âu tại Quỹ Marshall của Mỹ, cho rằng, ngoại giao vaccine là một cách mới để Nga thực hiện chiến lược nhằm chia rẽ các nước phương Tây khiến EU suy yếu.
Cuộc đua tranh chưa kết thúc
Tại Đức, có vẻ như cuộc đua tranh đang diễn ra giữa các thủ hiến bang nhằm thúc đẩy việc sử dụng Sputnik V ở nước này. Và cuộc đua có thể ở cả trong EU, liên minh vốn đã từ chối mua vaccine Nga, trong khi chính phủ Đức thì bị kẹt giữa hai bên.
Chính phủ Đức vẫn lo ngại về việc Nga có thể đứng sau các cuộc đua tranh như vậy. Sau chuyến đi của Thủ hiến Kretschmer tới Moscow, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas (SPD) đã chỉ trích động thái này.
Phát biểu với báo giới, ông Maas quy kết ông Kretschmer có liên quan đến phán quyết bỏ tù nhà lãnh đạo phe đối lập tại Nga Alexei Navalny hay tình hình ở miền Đông Ukraine và không chỉ đơn giản là "cho phép bản thân bị lợi dụng".
Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Spahn đã thừa nhận rằng vaccine Sputnik V không cần thiết cho đến khi nhận được sự chấp thuận từ Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA).
Thủ tướng Merkel cho biết nước này sẽ đợi sự chấp thuận của EU và Đức dự kiến sẽ có đủ nguồn cung vaccine từ các nguồn khác vào quý III năm nay.
EMA hiện đang xem xét về việc cấp phép cho vaccine Sputnik V, nhưng không rõ quá trình này sẽ mất bao lâu.