Ngày 1/1/2022, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã chính thức có hiệu lực sau quá trình đàm phán kéo dài 8 năm.
Hiệp định này trước tiên sẽ được triển khai thực hiện ở Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Australia. Đến tháng 2/2022, đến lượt 6 nước ASEAN (trừ Indonesia, Malaysia, Philippines và Myanmar) và Hàn Quốc. Trong khi đó, thủ tục phê duyệt trong nước của 4 quốc gia ASEAN còn lại cũng đang được đẩy nhanh.
Bên cạnh tập trung sự chú ý vào căng thẳng quan hệ Mỹ-Trung, có thể thấy rằng, tiến trình hội nhập khu vực - một động lực khác thúc đẩy phát triển quan hệ quốc tế ở châu Á - đang diễn ra theo hướng ngày càng sâu sắc.
Khu vực này đã phát huy tác dụng như một chiếc “lưới bảo hiểm” giúp ngăn chặn Mỹ-Trung tách rời và chia cắt khu vực, điều quan trọng hơn là sẽ tái cấu trúc trật tự kinh tế, tạo ra sức ảnh hưởng sâu rộng.
RCEP đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 sau quá trình đàm phán kéo dài 8 năm. (Nguồn: CGTN) |
Thử nghiệm quan trọng của trật tự kinh tế mới
RCEP có 15 nước tham gia, với lượng dân số, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và khối lượng thương mại đều chiếm khoảng 1/3 thế giới. Điều này đồng nghĩa với việc hình thành một vòng tròn kinh tế-thương mại khổng lồ với tiềm năng không thể đo đếm được.
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là RCEP sẽ trở thành thử nghiệm quan trọng của việc tái cấu trúc trật tự mới của kinh tế châu Á.
Trước tiên, lịch sử hội nhập của Trung Quốc và thế giới đã chứng minh rằng, RCEP sẽ là nền tảng mới để kinh tế Trung Quốc và châu Á hội nhập sâu sắc hơn vào kinh tế toàn cầu.
Năm 2021 đánh dấu tròn 20 năm Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Thương mại quốc tế của Trung Quốc đã tăng đến 9 lần trong 20 năm qua, tỷ trọng trong tổng thương mại thế giới tăng từ 4% lên 13% (năm 2020). Hiện nay, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của hầu hết các nước châu Á. Hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc cũng chuyển từ áo quần, đồ chơi trước đây sang máy tính và điện thoại. Tuy nhiên, Trung Quốc không phải là quốc gia được hưởng lợi toàn bộ.
Theo số liệu của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), xuất khẩu của Trung Quốc trong 20 năm qua đã tăng gấp 9,7 lần so với hồi năm 2001 và nhập khẩu tăng gấp 8,4 lần, cho thấy tỷ lệ tăng trưởng xuất nhập khẩu về cơ bản là cân bằng.
Thứ hai, RCEP thể hiện khái niệm “trung tâm ASEAN” hình thành trong tiến trình hội nhập khu vực Đông Á và sự hợp tác của các nước lớn chủ chốt có cơ chế và kinh nghiệm tích lũy lâu dài hậu thuẫn.
Sau khi các nước thành viên RCEP hoàn thành thủ tục phê chuẩn, đệ trình lên Tổng thư ký ASEAN, hiện nay Ban thư ký ASEAN là cơ quan thường trực của tổ chức quốc tế khu vực có mức độ thể chế hóa cao nhất ở Đông Á.
Điều này nghĩa là RCEP có Ban thư ký thường trực, khác biệt rất lớn với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà sau này là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Ban thư ký ASEAN đã có kinh nghiệm thúc đẩy hội nhập khu vực trong nhiều thập kỷ, hơn nữa hệ thống nghiên cứu kinh tế khu vực như Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) và Văn phòng nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO)… được thành lập trong khuôn khổ ASEAN đã hỗ trợ trí tuệ mạnh mẽ về phương diện hội nhập kinh tế khu vực.
RCEP quy định, cứ 5 năm tổ chức khảo sát đánh giá chung một lần về Hiệp định để thuận lợi cho việc sửa đổi và hoàn thiện. Và những yếu tố nói trên được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát huy vai trò quan trọng.
Thứ ba, ý nghĩa tiềm ẩn lớn nhất của việc RCEP có hiệu lực là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc lần đầu tiên ký kết một hiệp định thương mại tự do có tương tác với nhau thông qua phương thức chủ nghĩa đa phương khu vực.
Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc là ba nền kinh tế lớn nhất của Đông Á, đồng thời đều là các nước thành viên của Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Ba nền kinh tế này có tính bổ sung lẫn nhau cao nhưng do Nhật Bản và Hàn Quốc đều là đồng minh của Mỹ nên nhân tố chính trị là một nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến triển đàm phán thương mại tự do của ba nước.
Mặc dù RCEP không phải là FTA giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng thực chất được coi như cầu nối đa phương để thực hiện việc ký kết FTA song phương.
Khía cạnh này có thể giảm thiểu sự phản đối của Mỹ, đồng thời cũng giúp nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới là Trung Quốc, Nhật Bản, cũng như nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới là Hàn Quốc, thiết lập mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn.
Thúc đẩy Mỹ quay trở lại chủ nghĩa đa phương
Diễn biến mạnh mẽ trong quá trình “phi tập trung hóa Mỹ” của kinh tế châu Á có hai ý nghĩa quan trọng đối với việc tái cấu trúc trật tự kinh tế khu vực. Một là, tính kỷ luật và phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế châu Á tiếp tục được nâng cao. Hai là, thúc ép Mỹ quay trở lại chủ nghĩa đa phương kinh tế, tham gia vào tiến trình hội nhập kinh tế Đông Á ở mức độ cao hơn.
Trước hết, về hình thức, RCEP là phiên bản mở rộng của việc ký kết hiệp định thương mại tự do truyền thống thông qua cắt giảm thuế quan, nhưng dưới góc độ tái cấu trúc trật tự kinh tế, ảnh hưởng của RCEP là sâu rộng hơn với việc thúc đẩy tiến trình hội nhập khu vực của chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng khu vực Đông Á.
Thái độ phản đối hiệp định thương mại tự do của Mỹ hiện nay, về bản chất đã phản ánh sự tự tin của nước này với vị trí là trung tâm kinh tế thế giới.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 đã làm dấy lên sự lo ngại của các nền kinh tế châu Á về việc phụ thuộc quá mức vào Mỹ, từ đó khởi động tiến trình thể chế hóa chủ nghĩa khu vực Đông Á với các khuôn khổ như ASEAN+3, ASEAN+6, hợp tác Trung Quốc-Nhật Bản-Hàn Quốc… lần lượt ra đời, giúp tỷ trọng thương mại nội khối châu Á tăng mạnh.
Hiện nay, Mỹ sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế để đe dọa, chủ yếu thể hiện sự tự tin trên hai phương diện, một là xây dựng chuỗi cung ứng thương mại điện tử của các nền kinh tế Đông Á trong 20 năm qua (chủ yếu là hướng đến Mỹ làm trung tâm), hai là sử dụng đồng USD để thanh toán thương mại.
Tuy nhiên, cùng với việc thành lập RCEP, mức độ dựa vào nhau để tồn tại của các nền kinh tế có tính kỷ luật ở Đông Á sẽ gia tăng, sức bền chống chịu của chuỗi cung ứng nội khối được tăng cường. Điều này khiến cho sự trừng phạt của Mỹ đối với bất cứ thành viên nào của RCEP sẽ đồng nghĩa với sự trừng phạt đối với tất cả những nước tham gia chuỗi cung ứng này, từ đó gây nên hiệu ứng kiềm chế đối với các biện pháp trừng phạt kinh tế do Mỹ phát động.
Bên cạnh đó, việc Mỹ quá lạm dụng việc thanh toán bằng USD như “con bài mặc cả” gây sức ép trong đàm phán kinh tế-thương mại sẽ có tác dụng phụ là kích thích các nước nội khối đẩy nhanh tốc độ phát triển và sử dụng đồng nội tệ để thanh toán, cũng như các nền tảng thanh toán khác.
Các đại biểu theo dõi Lễ ký Hiệp định RCEP trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 và các hội nghị liên quan ngày 15/11/2020 tạ Hà Nội. (Nguồn: Getty) |
Kể từ đầu thập niên 1970, sau khi Mỹ từ bỏ hệ thống vàng bản vị, bản thân đồng USD đã không có sự bảo đảm của vàng. Địa vị đồng tiền quốc tế của đồng USD chủ yếu được thiết lập dựa trên cơ sở tín nhiệm quốc tế. Do đó, nếu mất đi sự tín nhiệm thì đặc quyền của đồng USD cũng sẽ dần bị xói mòn.
Kết quả là, RCEP sẽ tạo ra cảm giác bị loại trừ và bức bách trong nền kinh tế Mỹ. Xét về ý này, RCEP đã vượt xa ý nghĩa của phạm trù thương mại truyền thống.
Một số chuyên gia cho rằng, việc Trung Quốc hội nhập sâu vào nền kinh tế khu vực, về bản chất là để vượt qua hai cái bẫy. Đầu tiên là bẫy thu nhập trung bình về phát triển kinh tế trong nước và “Bẫy Thucydides” Mỹ-Trung về quan hệ quốc tế.
Tái cấu trúc trật tự kinh tế châu Á không thể thiếu sự tham gia của Mỹ. Tuy nhiên, các nước châu Á đã có sự chuẩn bị tích cực để đối diện với tình huống Mỹ không sẵn sàng tham gia chủ nghĩa đa phương trong một thời gian.
Trên thực tế, hiệu lực của RCEP cũng chứng minh cho Mỹ thấy rằng, ngay cả khi Mỹ tạm thời “vắng mặt” trong chủ nghĩa đa phương khu vực, thì tiến trình hội nhập kinh tế khu vực vẫn có thể chuyển động.
Cho dù là RCEP hay CPTPP, cuối cùng đều là bước đi cụ thể để thực hiện tầm nhìn và nỗ lực của khu thương mại tự do toàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương, hơn nữa phù hợp với việc nâng cấp trong khuôn khổ WTO.
Những điều này cuối cùng đều muốn đưa Mỹ quay trở lại quỹ đạo của chủ nghĩa đa phương, cùng thúc đẩy sự ổn định và nâng cấp trật tự kinh tế khu vực và toàn cầu.