📞

Không khí thiền môn

12:00 | 08/10/2016
TGVN. Cách trung tâm Hà Nội chục cây số, có chùa Bảo Tháp bên dòng sông Nhuệ, nằm trên đất hoa sen (Liên Hoa) trải dài trên một dải đất thoáng mát có nhiều cây cổ thụ, toát ra không khí thiền môn. 

Chùa xây dựng cuối đời Lý, vị sư tổ đầu tiên là Quốc thúc Lý Thâm.

Chùa thuộc làng Thượng Phúc, giữa đường Văn Điển - Hà Đông, vốn là trung tâm Phật giáo xứ Sơn Nam Thượng (Hà Tây cũ), có am Pháp Vũ, theo hệ thống tứ pháp như chùa Dâu, Kinh Bắc.

Dấu ấn từ bi mạnh nhất do vị tổ thứ hai Hồ Bà Lam để lại. Hành đạo “nhập thế”, ông đã biến ngôi chùa thành nơi nuôi dạy trẻ mồ côi theo một phương pháp sư phạm đặc biệt, nơi cưu mang người già cô đơn, giúp đỡ người góa bụa, săn sóc người nghèo khổ lang thang.

Trong thời buổi mọi người chạy theo ma lực đồng tiền và quyền lực ngày nay, tôi đã gặp lại không khí thiền môn ấy ở một số chùa.

Chùa Yên Ninh ở Hoa Lư (Ninh Bình), một ngôi chùa vùng quê nghèo, thuộc loại ấy. Theo đường quốc lộ Bắc Nam, qua cây số 8 Tam Điệp, phía trái cách 100m, chùa nằm ở một khu đất biệt lập, bốn bề là ruộng lúa, dưới một gốc cây cổ thụ. Chùa làm từ thế kỷ XIII, do cụ Thượng thư Đào Dương Bật xây dựng đầu tiên ngay trong ấp của mình. Qua bao thăng trầm lịch sử, chùa vẫn giữ được cảnh quan xưa nhưng đổ nát nhiều. Kể cả tam quan kiến trúc độc đáo, nhưng không còn nguyên vẹn, bị rễ cây chằng chịt làm xiêu vẹo. Một số dân làng đề nghị phá đi, nhưng sư thầy trụ trì nghe lời khuyên của nhiều nghệ sĩ tạo hình, định xin Quỹ văn hóa Thụy Điển - Việt Nam giúp để bảo tồn di vật ấy.

Ni cô Thích Diệu Nhân, người nhỏ nhắn, trạc ngoài 40, luôn mặc đồ nâu và đi chân đất. Thầy đi tu từ nhỏ, tách biệt hẳn gia đình, nên gọi bà mẹ già là cô, tuy vẫn rất hiếu thảo. Qua lần đầu gặp gỡ, đã thấy ngay thầy là người hành động, nhanh nhẹn và có nghị lực, cống hiến cuộc đời cho điều thiện. Thầy đã biến ngôi chùa thành một trung tâm giáo dục y tế và giúp đỡ người khốn khó từ hàng chục năm nay.

Với đầu óc tổ chức, thầy đã đi từ nhỏ đến lớn. Năm 1996, thầy bắt đầu vận động lập quỹ đỡ đầu cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn, nuôi và dạy nghề cho các trẻ mồ côi, tàn tật, hoặc vì gia đình quá nghèo không nuôi nổi. Được sự ủng hộ của các Phật tử và chính quyền địa phương, thầy lập ra tổ “tương thân tương ái”, nay đã được hàng trăm tổ viên. Tổ viên vận động trước tiên là gia đình mình và Phật tử gần gũi: mỗi bữa bớt đi vài trăm đồng hoặc bớt đi nhúm gạo khi thổi cơm. Nhà chùa phối hợp với Hội Chữ thập đỏ trồng cây thuốc nam, tìm cách chế biến các dược liệu, khám và điều trị bệnh miễn phí. Ngày Tết và Ngày thương binh liệt sĩ, chùa có quà tặng cho các gia đình nghèo và thương binh liệt sĩ. Chùa đã giúp đỡ được hàng chục em, các cháu đều cố học tốt và ngoan. Ni cô Thích Diệu Nhân tâm sự: “Điều hết sức ngạc nhiên đối với tôi là khi gặp tôi, các cháu cảm thấy gắn bó như với cha mẹ!”.

Còn ni cô Thích Đàm Dược, khoảng trên 50 tuổi, người đẫy đà, ăn nói đĩnh đạc, trông bề ngoài khác hẳn ni cô Thích Diệu Nhân. Nhờ tài tháo vát của thầy, từ khi thầy được sư phụ Thích Thanh Hy (chùa Quang Minh, Hà Nội) cử về chấp cảnh ngôi chùa Ngòi đổ nát ngày nào, thầy đã biến nơi đây thành một chùa khang trang, hiện đại với nhiều hoạt động xã hội đáng nể. Chùa Ngòi, tên chữ là chùa Quảng Ân, thuộc xã Quảng Nạp, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh, tiếp giáp Hải Dương.

Sở dĩ gọi chùa Ngòi vì xưa kia làng Ngòi ở gần con sông nhỏ Sài Giang. Theo truyền thuyết, ở đây có cái am xây dựng sau thời Lý Trần. Bị quân Minh tàn phá, am được xây lại thành chùa dưới thời Hồng Đức. Qua mấy trăm năm, chùa có tiếng là linh thiêng. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chùa bị đại bác tàn phá, sư thầy Thích Đàm Giá bị bắn chết năm 1952.

Trên khoảnh đất hơn một ha nhưng chùa 50 năm vắng bóng sư. Thầy Thích Đàm Dược cùng ban trùng tu, được sự giúp đỡ của Hội Phật giáo và Phật tử nhiều nơi, từ năm 2000 đã đắp đường vào chùa, xây 10 gian tam bảo, hậu cung hai tầng chồng diêm, nhà mẫu, nhà tổ và rất nhiều tượng lớn ngoài trời trong khu vườn rộng. Tháng 8/2003, chùa được khánh thành (tiền xây cất là 1,5 tỷ đồng), có thể trở thành một trung tâm du lịch.

Cái quý nhất là chùa đồng thời xây dựng những công trình từ thiện: khu chăm nom sức khỏe người cao tuổi, dưỡng sinh tâm thể, chữa bệnh tâm linh. Chùa bảo trợ cho nạn nhân chất độc da cam và các đối tượng chính sách xã hội như người mù cô đơn, người tàn tật, trẻ mồ côi. Công việc từ thiện có sự hỗ trợ của Hội Chữ thập đỏ và Trung tâm nhân đạo Hồng Đức.