Ngày 27/6, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Tổng thống Joe Biden đã phát lệnh không kích 2 địa điểm tại Syria và 1 địa điểm tại Iraq.
Theo Lầu Năm Góc, các cơ sở này thuộc kiểm soát của Kataib Hezbollah và Kataib Sayyid al-Shuhadam, lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn. Thông cáo khẳng định, hành động trên cho thấy cam kết “bảo vệ các quân nhân Mỹ” của ông Biden.
Chia sẻ với ABC News, một quan chức quốc phòng giấu tên cho biết sau lần không kích của Mỹ ngày 25/2, lực lượng dân quân do Iran bảo trợ đã thực hiện 5 vụ “tấn công bằng UAV một chiều” và “hàng chục vụ tấn công bằng tên lửa” khác vào các lực lượng của xứ cờ hoa và liên quân đồn trú tại khu vực.
Tuy nhiên, trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Iran đang chuyển biến phức tạp sau khi Tehran có Tổng thống đắc cử, nước đi trên của Washington có lẽ không đơn thuần là một hành động đáp trả.
Thiết lập thế chủ động trong quan hệ với Tehran dưới thời Tổng thống đắc cử Iran Ebrahim Raisi có thể là một nguyên nhân đằng sau cuộc không kích Iraq và Syria vừa qua của chính quyền Mỹ. (Nguồn: AP) |
Đầu tiên, như với các cuộc bầu cử trước đó tại Tehran, Washington đã chỉ trích bầu cử Tổng thống Iran là “không tự do và công bằng”. Đặc biệt, chính quyền ông Joe Biden dường như nỗ lực hạ thấp vai trò của ông Ebrahim Raisi trong đàm phán Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).
Thứ hai, tối ngày 22/6, Bộ Tư pháp Mỹ đã thu hồi tên miền nhiều trang truyền thông lớn của Iran, trong đó có Press TV, Al-Alam hay kênh truyền hình Al-Mashirah của lực lượng vũ trang Yemen.
Đây không phải là lần đầu tiên hàng loạt trang web, tên miền Iran trở thành mục tiêu của Mỹ. Tuy nhiên, xét thời điểm nó diễn ra ngay sau khi ông Ebrahim Raisi đắc cử Tổng thống Iran, đây có thể coi là một hành động khác hạn chế tầm ảnh hưởng của nhân vật có quan điểm cứng rắn này.
Thứ ba, cả chính quyền Tổng thống Hassan Rouhani và người đồng cấp Mỹ Joe Biden đang nỗ lực đẩy nhanh tiến trình đàm phán JCPOA nhằm đạt thỏa thuận cuối cùng.
Trong cuộc gặp đầu tiên tại Rome (Italy) ngày 27/6, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken được cho là đã cố thuyết phục người đồng cấp Israel Yair Lapid về quyết định trở lại JCPOA của Mỹ.
Trước đó, ngày 25/6, hội đàm với Ngoại trưởng Pháp Jean Yves Le Drian tại Paris, ông Blinken cũng có ý thúc giục Iran khi khẳng định Washington có thể từ bỏ JCPOA nếu đàm phán không tiến triển.
Đáp lại, viết trên Twitter ngày 26/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh khẳng định Tehran để ngỏ khả năng khôi phục thỏa thuận hạt nhân, song sẽ không đàm phán mãi.
Cả Mỹ và Iran đang chạy đua với thời gian để nối lại JCPOA, trước khi ông Ebrahim Raisi chính thức trở thành Tổng thống tháng 8 tới. Song khi không ai chịu nhượng bộ, đây sẽ là nhiệm vụ không hề đơn giản.
Những động thái trên, từ phủ nhận tính hợp hiến của bầu cử, tác động vào truyền thông tới thúc giục Iran đàm phán JCPOA cho thấy nỗ lực của Mỹ nhằm hạ thấp vai trò, hạn chế ảnh hưởng của ông Ebrahim Raisi.
Cuộc không kích ngày 28/6 nhắm vào cơ sở các lực lượng dân quân thân Iran tại Iraq và Syria không nằm ngoài chính sách này.
Từ đó, Washington mong muốn chiếm thế chủ động trong quan hệ với Tehran dưới cựu Bộ trưởng Tư pháp Iran, dù là trên bàn đàm phán, truyền thông hay thực địa. Tuy nhiên, kết quả của chính sách này ra sao, chỉ thời gian mới có thể trả lời.