📞
Chủ tịch Hội Việt - Mỹ Nguyễn Tâm Chiến

Không lãng quên nhưng không để quá khứ lặp lại trong trương lai

Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến 07:00 | 30/04/2019
Mỗi lần kỷ niệm ngày 30/4/1975, những ai đã sống trong không khí hào hùng của đất nước ngày đó chắc vẫn thấy háo hức, trào dâng bởi tin chiến thắng dồn dập mỗi ngày, để rồi vỡ òa khi Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, giang sơn thu về một mối.
Cuộc gặp gỡ của hai bà mẹ Mỹ - Việt Nam.

Đối với quan hệ Việt - Mỹ, ngày hội chiến thắng của nhân dân Việt Nam cũng sang trang sử mới để hai cựu thù trở thành đối tác trong thời bình. Song đó là một quá trình phấn đấu thật khó khăn bởi quá khứ chiến tranh quá khốc liệt. Nhưng với truyền thống vị tha của người Việt, “vượt qua quá khứ, hướng tới tương lai”, với những nỗ lực bền bỉ hòa giải và bình thường hóa của cả hai bên, mối quan hệ từ thù địch đã phát triển thành “Đối tác toàn diện Việt - Mỹ” như ngày nay.

Gác lại quá khứ, hướng tới tương lai

Điều gì ẩn chứa sâu xa trong tiến trình hòa giải, bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ? Đã có nhiều cách trả lời nhưng phải nói rằng, điều đó nằm trong cội nguồn nhân bản của con người, ở nơi nguyện vọng và lợi ích của người dân hai nước.

Có nhà ngoại giao Thái Lan trong một lần tiếp xúc với tôi trên con Tàu Hòa bình (“Peace Boat”) đã tỏ lòng khâm phục Việt Nam và đặt câu hỏi: “Người Việt các bạn lấy đâu ra nghị lực để biến bao kẻ thù cũ thành bạn bè?”. Chính ông đã cố lý giải để hiểu về bản chất nhân đạo cao quý, lòng khoan dung của dân tộc Việt được thể hiện không chỉ một lần trong lịch sử.

Nói đến sự hòa hiếu của người Việt, về sức mạnh cảm hóa mạnh mẽ của văn hóa Việt trong giao lưu quốc tế, không gì thời sự hơn là tìm trong mối bang giao Việt - Mỹ những năm qua. Nhớ lại từ những năm tháng đầu của nỗ lực để hòa giải và bình thường hóa sau chiến tranh, phía Mỹ đã “đặt điều kiện tiên quyết” về Việt Nam tìm kiếm hết những tin tức và hài cốt lính Mỹ mất tích (MIA) thì mới bình thường hóa!

Viết đến đây, tôi lại nhớ hình ảnh Tổng thống Clinton lần đầu khi thăm Việt Nam vào năm 2000, đã cảm kích thế nào khi được chứng kiến hàng trăm người dân thường Việt Nam đang vất vả đào đất đá để tìm hài cốt của phi công Mỹ ở một địa điểm máy bay rơi. Rất nhiều người trong số họ còn chưa có và đang mòn mỏi chờ tin tức về những người ruột thịt của chính mình đã hy sinh trong chiến tranh.

Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, Chủ tịch Hội Việt - Mỹ Nguyễn Tâm Chiến.

Những cái bắt tay thân thiện

Thật không thể quên khi chứng kiến tại Quảng Trị cuộc gặp gỡ của hai bà mẹ Việt - Mỹ đều có con trai duy nhất đã mất trong cuộc chiến. Họ ôm ghì lấy nhau không nói lời nào trừ những giọt nước mắt của tình người. Bà mẹ Mỹ - Rae Cheney là người sáng lập ra tổ chức “Cây Hòa bình” (Mỹ), sau đó nói: “Cảm ơn Hội Việt - Mỹ đã tổ chức cuộc gặp giúp tôi được khuây khỏa trong lòng sau bao năm”. Có sự mất mát nào mà không thương đau, nhưng những cái bắt tay và ôm nhau thân thiện, nhân ái đã tạo nên xung lực cho con người, để thông hiểu vượt qua những hiểu lầm và thù hận.

Mới đây, trong dịp đón một số con em lính Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam sang thăm theo Dự án “Hai phía”, chúng tôi hiểu thêm những ảnh hưởng của thời đối địch ra sao đối với cả thế hệ con cháu của cựu binh Mỹ. Ai trong đoàn cũng ngạc nhiên, bởi trong hành trình tìm về dấu vết người cha quá cố, họ không gặp một biểu hiện căm ghét nào của người Việt Nam đối với người Mỹ. Ngược lại, khắp nơi họ được đón tiếp bằng những nụ cười, những cái bắt tay cảm thông và các hoạt động hữu nghị, tận tình chỉ dẫn những dấu vết còn sót lại. Họ còn rất cảm động về những buổi lễ cầu nguyện cho người thân của họ được siêu thoát theo phong tục địa phương ta. Ra về, họ bày tỏ sẽ là những “đại sứ nhân dân” để nói với gia đình, người thân, bạn bè Mỹ về sự rộng lượng và thân thiện của người Việt Nam.

Nhân đây, tôi lại nhớ lần chuẩn bị cho Tổng thống Mỹ G.W.Bush thăm Việt Nam cuối năm 2006 .Giám đốc châu Á của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ đã cố hỏi tôi để “lấy làm chắc” rằng, sẽ không có cử chỉ thiếu hữu nghị nào với ông Tổng thống trong thời gian ở Việt Nam. Như mọi người đã biết, ông Bush thậm chí còn tự hạ kính ô tô xuống vẫy chào đáp lại khi thấy có hàng nghìn người dân ta đổ ra đường chào đón ông.

Hoạt động giao lưu hữu nghị của Hội Việt – Mỹ.

Thật cảm kích khi xem những thước phim về người “Anh hùng phi công chân đất” huyền thoại Nguyễn Văn Bảy, nhất là đoạn về ông đón tiếp tại tư gia một địch thủ cũ của chính ông trong chiến tranh - Thiếu tướng phi công Mỹ Steve Richie. Anh Bảy đã tiếp đối thủ cũ chân tình như người thân ở xa về, mời thưởng thức những món quê bình dị có được trong vườn, ao nhà, uống ly rượu “quốc lủi” do ông tự nấu. Ông nói những lời mộc mạc, đơn giản, xúc động khi chia tay: “Chiến tranh kết thúc lâu rồi, ta bỏ qua thôi, ta làm bạn thôi”. Và rồi, một chiếc khăn rằn đặc trưng của Nam Bộ đã được quàng lên vai người lính Mỹ như một lời kết bạn. Đôi mắt ông toát lên lòng đôn hậu Việt Nam. Tôi chắc, Steve Richie, người đã từng quần nhau với anh Bảy trên bầu trời, từng chĩa súng vào anh, cứ ngỡ cuộc gặp mặt như trong giấc mơ!

Thông điệp từ trái tim

Người dân Việt Nam muốn nhìn thấy ngày càng nhiều hơn nữa sự giúp đỡ và hợp tác từ phía Mỹ để giải quyết những vấn đề như trợ giúp hàng vạn nạn nhân Da Cam. Đồng thời, tẩy rửa những khu vực bị nhiễm độc, rà phá bom mìn chưa nổ, tìm kiếm tin tức và hài cốt của hơn 300 nghìn bộ đội Việt Nam còn mất tích.

Ngày 30/4 là dịp để nhớ lại mất mát của chiến tranh, “không ai và không có điều gì bị lãng quên” nhưng quan trọng là không để quá khứ lặp lại trong tương lai. “Gác lại quá khứ” không đồng nghĩa với sự quên lãng, mà là thông điệp từ trái tim, khi có điều kiện vẫn cần bắt tay giải quyết những vấn đề hoàn toàn nhân đạo tồn tại sau cuộc chiến.

Gần 50 năm đã qua, những di chứng nặng nề của chiến tranh vẫn còn nghiêm trọng. Từng có đoàn nạn nhân Da Cam thăm Mỹ, nhưng sau không đầy một tháng, hai thành viên của đoàn đã mất. Thời gian không chờ đợi ai và nếu nói về “đặt điều kiện” thì phía Việt Nam mới là bên có quyền đòi hỏi. Nhưng người Việt chỉ bàn về nghĩa vụ của lương tâm, về tính nhân đạo của việc làm. Đó là việc Mỹ đã bắt đầu triển khai dự án tẩy độc chất Dioxin tại sân bay Biên Hòa, kế tiếp sau sân bay Đà Nẵng. Cuộc hành trình từ trái tim đến trái tim con người vẫn còn tiếp tục.

Nhiều cựu chiến binh Mỹ đi theo kênh giao lưu dân gian sang thăm Việt Nam đã nói “Xin lỗi nhân dân Việt Nam”. Tại những cuộc gặp gỡ giữa họ với đại diện các giới của Việt Nam do Hội Việt - Mỹ tổ chức, sau lời xin lỗi đó là sự lặng im, nghẹn ngào trong tâm can. Lời xin lỗi thật cần thiết, mong muốn từng người dân Mỹ bình thường sẽ làm một việc gì đó dù nhỏ, để đóng góp vào sự hòa giải sâu sắc.

Khi dự buổi kỷ niệm tại Nhà tù Hỏa Lò, Thomas Eugene Wilbur, con trai cựu Đại tá phi công Mỹ từng bị giam giữ ở đây, đã bày tỏ sự hối tiếc về những gì đã diễn ra giữa hai dân tộc. Chính ông đã thay đổi quan niệm của mình về Việt Nam và đang hoạt động tích cực tham gia các hoạt động trợ giúp nhân đạo.

Điều quan trọng là thúc đẩy quan hệ giữa thế hệ trẻ hai nước và “không để lặp lại quá khứ”. Số lượng các đoàn sinh viên, học sinh các trường phổ thông Mỹ và cả giới chính trị trẻ của Mỹ sang thăm Việt Nam ngày một nhiều. Đã có sự kết bạn thật ý nghĩa diễn ra sau những cuộc tiếp xúc gặp gỡ. Các cháu học sinh Mỹ say sưa lao động cùng với học sinh Việt Nam trong các hoạt động công ích tại những nơi đến thăm; những câu chuyện cảm động kết bạn nhiều năm giữa các cháu là nạn nhân Da Cam ở làng Hữu nghị Vân Canh với các bạn Mỹ…

Ngày 30/4 đánh dấu thời mốc hòa bình của quan hệ Việt - Mỹ, đồng nghĩa với nhu cầu mở ra quan hệ cùng phát triển của hai nước. Trong điều kiện mới, gia tăng giao lưu và hợp tác cùng có lợi là củng cố nền tảng cho những mối quan hệ chính thức về mặt nhà nước. Sự giao lưu sẽ giúp nhân dân hai nước hiểu hơn về văn hóa của nhau, tạo nên tình hữu nghị, xoa dịu nỗi đau và lòng vị tha; hợp tác cùng có lợi là động lực phát triển mạnh mẽ quan hệ Việt - Mỹ.