📞

Không muốn ‘chọn phe’, châu Á tìm cách đương đầu với ảnh hưởng của Trung Quốc

07:57 | 02/01/2020
TGVN. Hầu như không có quốc gia châu Á nào muốn chọn phe trong cuộc cạnh tranh kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, khi thế lực của Trung Quốc gia tăng, dù muốn chọn hay không, các nước này cũng sẽ buộc phải đương đầu, theo một cách nào đó.

Đương đầu có nghĩa là tìm cách phản ứng trước việc Trung Quốc lợi dụng cái được gọi là các hoạt động gây ảnh hưởng để lôi kéo dư luận trong nước theo hướng của Bắc Kinh. Những điều này sẽ một lần nữa hiện hữu trong năm 2020 giữa bối cảnh một số quốc gia châu Á sắp bước vào giai đoạn bầu cử.

Australia gia tăng cảnh báo

Người ủng hộ Trung Quốc cầm biểu ngữ chào mừng chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tới Canberra, tháng 3/2017. (Nguồn: Reuters)

Australia gần đây luôn đi đầu trong việc nêu lên những lo ngại về các hoạt động bí mật của Trung Quốc, cáo buộc nước này lợi dụng các tổ chức thân Bắc Kinh để huy động sự hỗ trợ của 1,2 triệu công dân Australia gốc Trung Quốc.

Năm 2018, Thủ tướng Australia khi ấy là ông Malcolm Turnbull đã ban hành một gói luật để chống lại sự can thiệp của nước ngoài. Đầu tháng 12/2019, Canberra cho biết đã lên kế hoạch chi thêm 60 triệu AUD (tương đương 41 triệu USD) cho các biện pháp phòng chống tuyên truyền thông tin sai lệch sau khi Vương Lập Cường, một gián điệp của Trung Quốc xin tị nạn tại Australia, khai báo về các kế hoạch gây ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Trên các phương tiện truyền thông Australia thường xuyên tràn ngập những âm mưu ghê rợn, từ nỗ lực trà trộn các đặc vụ Trung Quốc trong Quốc hội Australia cho đến những động thái mờ ám để gây ảnh hưởng đến sinh viên trong các trường đại học.

Mặc dù “tình trạng lo sợ Trung Quốc” của Australia cao bất thường, song những mối quan ngại liên quan cũng đang gia tăng ở các nơi khác trên khắp châu Á và có khả năng xuất hiện nhiều nhất ở các quốc gia, vùng lãnh thổ sắp tổ chức bầu cử vào năm 2020.

Quan ngại hơn vào mùa bầu cử

Đài Loan, nơi sẽ diễn ra cuộc bầu cử vào tháng 1/2020, là một ví dụ, mặc dù đây không phải là một trường hợp điển hình do mối quan hệ căng thẳng mang tính lịch sử với Trung Quốc. Bắc Kinh sẵn sàng gây sức ép với Đài Bắc ở mức độ lớn hơn bởi tầm quan trọng đặc biệt của hòn đảo này đối với chính sách đối ngoại của Trung Quốc.

Khả năng gây ảnh hưởng cũng có nhiều hình thức, từ các biện pháp kinh tế nhắm vào các doanh nghiệp thân Bắc Kinh cho đến các chiến dịch tin giả trên truyền thông xã hội, chưa kể đến các hình thức gián điệp truyền thống hơn.

Tuy nhiên, ảnh hưởng của tất cả những điều này vẫn còn chưa rõ, ít nhất là do thực tế rằng lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, người có quan điểm chống Bắc Kinh, có vẻ sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 1/2020. Người đứng đầu cơ quan Ngoại giao Đài Loan Joseph Wu từng nói hồi tháng 12/2019 rằng: "Đài Loan đã trải qua các hoạt động gây ảnh hưởng như thế này trong nhiều thập kỷ".

Singapore là một trường hợp thú vị hơn, trong bối cảnh nước này cũng có khả năng tổ chức bầu cử vào năm 2020. Cựu Ngoại trưởng Singapore Bilahari Kausikan đã cảnh báo nhiều lần về nguy cơ gia tăng của các chiến dịch được thiết kế để gây ảnh hưởng với dư luận trong nước ở Singapore, nơi dân số phần lớn là người Hoa.

Ông Kausikan là một nhân vật bộc trực. Tuy nhiên, ở một đất nước nơi những cuộc tranh luận nhạy cảm về an ninh quốc gia thường được giữ kín như Singapore, những cảnh báo công khai của ông cũng phản ánh sự bất ổn đang gia tăng giữa các bộ phận của giới tinh hoa chính trị.

Trong khi một số chính phủ châu Á công khai bày tỏ lo lắng thì một loạt nước khác bắt đầu vật lộn với việc chống lại các chiến dịch của Bắc Kinh. Điều này đặc biệt đúng ở các quốc gia dân chủ có các dân tộc thiểu số người Trung Quốc nhiều quyền uy như Indonesia và Malaysia.

Myanmar, dự kiến sẽ tổ chức bầu cử vào cuối năm 2020, là một ví dụ khác. Đây là nơi Trung Quốc có những lợi ích chiến lược sâu sắc đối với sự thành công của nhiều dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Cho đến nay, ít nhất thì Trung Quốc đã tránh kiểu hành động can thiệp thô bạo và trực tiếp vào bầu cử như Nga vẫn làm. Tuy nhiên, thời gian bầu cử vẫn tạo cơ hội cho các quốc gia trong khu vực tranh luận về ưu và nhược điểm mà vị thế đang trỗi dậy của Trung Quốc tạo ra, cũng như cách nước này tìm kiếm việc áp dụng quyền lực ở khu vực lân cận.

Tinh vi và dài hạn hơn

Rõ ràng, các hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Quốc đã tinh vi và dài hạn hơn so với Nga. Bắc Kinh muốn thuyết phục cả cộng đồng người Hoa rộng lớn và giới tinh hoa địa phương ở các quốc gia cụ thể rằng các yêu sách ở Biển Hoa Nam (Biển Đông) là hợp pháp, hoặc hãy nhìn nhận hành động của mình ở Hong Kong bằng sự cảm thông.

Mục đích cuối cùng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là giành được sự chấp thuận cho cái mà ông gọi là "cộng đồng chung vận mệnh" trên khắp châu Á. Tư cách thành viên của Trung Quốc trong cộng đồng đó được khẳng định một cách tự nhiên khi các nước láng giềng của Trung Quốc chấp nhận Bắc Kinh là cường quốc thống trị của khu vực.

Mục đích cuối cùng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là giành được sự chấp thuận cho cái mà ông gọi là "cộng đồng chung vận mệnh" ở châu Á. (Nguồn: AP)

Một phần trong cách tiếp cận để gây ảnh hưởng của Trung Quốc liên quan đến việc tạo ra các thể chế công cộng mới, chẳng hạn như Viện Khổng Tử do nhà nước tài trợ, vốn khiến các chính phủ ở phương Tây lo sợ nhưng ảnh hưởng của cơ quan này cũng thường bị phóng đại.

Quan trọng hơn là mạng lưới cơ quan được Trung Quốc hậu thuẫn, từ các tờ báo địa phương và nhóm truyền thông xã hội đến các hiệp hội sinh viên và tổ chức kinh doanh.

Không thể phủ nhận các chiến dịch gây ảnh hưởng của Trung Quốc đang trở nên mạnh mẽ hơn. Một phần điều này phản ánh thực tế về sức mạnh kinh tế đang phát triển của Bắc Kinh so với Washington. Nghiên cứu gần đây của Viện Nghiên cứu Lowy có trụ sở tại Sydney cho thấy Trung Quốc hiện đang khoe khoang về mạng lưới đại sứ quán và lãnh sự quán toàn cầu lớn hơn cả Mỹ.

Những sự lựa chọn

Đáp lại, nhiều quốc gia trên khắp châu Á có khả năng phải làm theo sự dẫn dắt của Australia và đưa ra các chính sách để quản lý các hoạt động của Trung Quốc. Một số sẽ chọn ban hành luật, ví dụ như yêu cầu người nước ngoài đăng ký hoặc chấp nhận tiền từ các thực thể nước ngoài.

Những nước khác có thể chọn tăng ngân sách cho các cơ quan an ninh hoặc các bộ phận khác của chính phủ được thiết kế để chống lại các chiến dịch tuyên truyền thông tin sai lệch.

Để làm được như vậy cần đến một sự cân bằng khôn khéo, đó là làm thế nào để hành động ngăn chặn sự can thiệp mà không xúc phạm quá mức Bắc Kinh. Tuy nhiên, nếu bây giờ không làm gì sẽ chỉ khiến các vấn đề bị dồn nén lại phía sau.

Ảnh hưởng địa chính trị gia tăng của Trung Quốc trên khắp châu Á có lẽ không thể dừng lại song không loại trừ khả năng các chiến dịch gây ảnh hưởng bí mật hoàn toàn có thể bị ngăn chặn.

(theo Nikkei Asian Review)