Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ bên cạnh thi thể của cậu bé Aylan Kurdi. (Nguồn: The Guardian) |
Dòng người tị nạn chủ yếu đến từ các nước: Syria, Libya, Iraq và Afghanistan. Nhiều người dân các nước này không được hưởng đầy đủ những quyền cơ bản của con người. Họ đã không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải tự tìm cho mình con đường sống, không chỉ ở các nước láng giềng mà còn hướng sang cả châu Âu.
Theo ông Antonio Guterres, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn, hơn 300.000 người đã đánh đổi mạng sống của mình để tìm cách vượt Địa Trung Hải tới châu Âu, với hy vọng thoát khỏi những cuộc xung đột đẫm máu ở Trung Đông và Bắc Phi. Hơn 2.600 người trong số đó đã thiệt mạng hoặc mất tích trong hành trình này.
Trong khi các nước châu Âu đang bị cáo buộc về sự thờ ơ và sự bất lực trước cuộc khủng hoảng tị nạn, Mỹ - một đồng minh thân cận của những nước này, lại dường như không nhận ra mình cũng “có phần” trách nhiệm trong đó.
Trên thực tế, Syria là quốc gia mới nhất, sau Iraq và Libya, trở thành mục tiêu của sự can dự của Mỹ ở Trung Đông. Bị chìm trong cuộc nội chiến, Syria cũng là nước có số lượng người tị nạn lớn nhất vào năm 2013, 2014 và nửa đầu năm 2015.
Đồng thời, các chiến binh Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cũng là lực lượng xuất thân lên từ phe đối lập ở Syria và được Mỹ hậu thuẫn nhằm lật đổ Chính phủ Syria. Chính IS đã phát động hàng loạt các cuộc tấn công vào dân thường ở Syria, khiến họ trở thành nạn nhân của các vụ bắt cóc, tự sát và đánh bom xe…
Ở các nước như Iraq và Afghanistan, Mỹ cũng không khỏi có “liên đới” khi để xảy ra tình trạng vô chính phủ, hỗn loạn và sự xuất hiện của chủ nghĩa cực đoan và khủng bố tại các nước này, mặc dù Mỹ đã rút quân khỏi các nước này.
Hiện tại, trong khi châu Âu đang phải vật lộn để đối phó với dòng người tị nạn đổ về hàng ngày, Washington nên hành động ngay lập tức và có nhiều nỗ lực hơn nữa trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn và đề ra các biện pháp dài hạn nhằm hỗ trợ khôi phục lại sự ổn định tại khu vực này.
Trang Ngân (theo Tân Hoa xã)