Lực lượng quân đội Malta đang chuyển các chai nước tới 180 người nhập cư trái phép sau khi thuyền họ hỏng động cơ ở bờ biển Malta. (Nguồn: Reuters) |
Tuần qua, những tin tức về người nhập cư trái phép từ châu Phi đi tìm “giấc mơ mới” ở châu Âu gia tăng đột biến đã thu hút sự chú ý rất lớn của dư luận. Sự kiện khoảng 700 người thiệt mạng sau khi một tàu cá chở trái phép người nhập cư châu Phi sang châu Âu bị đắm ngoài khơi Libya ngày 19/4 vừa qua, thảm họa nhập cư chết người nhiều nhất tại Địa Trung Hải cho tới nay, đã như hồi chuông báo động về tình trạng này.
Địa Trung Hải - vùng biển chết chóc
Thực ra, vấn đề người nhập cư trái phép từ châu Phi sang châu Âu không phải là vấn đề mới, mà nó chỉ gia tăng đột biến trong thời gian gần đây. Lý do là khi thời tiết tốt, sóng biển không lớn, nhiều người dân châu Phi sẽ sẵn sàng dùng thuyền vượt biển để sang châu Âu hơn.
Số liệu hồi năm ngoái cho thấy, khoảng 170.000 dân từ châu Phi đã liều mình vượt biển để đến Italy và trong đó có hàng nghìn người thiệt mạng trên hành trình. Còn theo ước tính của Liên hợp quốc, khoảng 31.000 người tị nạn đã cố gắng vượt qua Địa Trung Hải từ đầu năm đến nay, trong đó có gần 1.000 người đã chết hoặc mất tích. Đặc biệt chỉ trong vòng một tuần lễ qua, theo ghi nhận của Bộ Nội vụ Italy, hơn 24.000 người nhập cư trái phép đã được phát hiện và cứu sống khi cố gắng vượt qua Địa Trung Hải, trong khi đó khoảng 450 người đã thiệt mạng bởi những con tàu nhỏ quá tải bị sóng đánh chìm. Địa Trung Hải giờ đây được ví là “vùng biển chết chóc”, theo so sánh của Libération, một tờ báo hàng đầu của Pháp.
Có nhiều nguyên nhân khiến người dân châu Phi tìm đến châu Âu, bất chấp việc nguy hiểm đến tính mạng, trong đó các cuộc xung đột và khủng hoảng tại châu Phi và Trung Đông là nguyên nhân chính khiến làn sóng người ra đi gia tăng. Tình trạng xã hội bất ổn tại Libya là ví dụ điển hình về xung đột, buộc những người dân bị chiến tranh và bạo lực đe dọa phải chạy khỏi đất nước. Ngoài ra, do châu Âu từ bỏ chương trình “Mare Nostrum” cho phép tuần duyên và cứu trợ tới tận vùng biển giáp ranh với Libya và thay vào đó là chương trình “Triton”, các tàu tuần duyên châu Âu chỉ được hoạt động trong phạm vi 55 km từ bờ biển nước Italy và Malta nên đã thúc đẩy các nhóm người vượt biên, kể cả các tổ chức buôn người sẵn sàng mạo hiểm hơn để tìm cách đặt chân lên bờ biển các nước châu Âu ở Địa Trung Hải, đặc biệt là Italy.
Vai trò của EU
Ngay sau khi xảy ra các vụ thảm họa nhập cư mới nhất, Thủ tướng Italy Matteo Renzi đã kêu gọi EU không bỏ mặc Rome đơn độc đối phó làn sóng người nhập cư bằng đường biển ngày càng tăng. Trên thực tế, Italy, tuyến đầu của cuộc chiến chống nhập cư trái phép đã đưa ra nhiều giải pháp để xử lý vấn đề. Hải quân Italy từng áp dụng chương trình tìm kiếm và cứu hộ rất lớn trên biển, nhưng hoạt động này sau đó đã kết thúc do chi phí quá tốn kém bên cạnh nghi ngại nó có thể khuyến khích làn sóng nhập cư bất hợp pháp vào cựu lục địa.
Về phía EU, người phụ trách chính sách ngoại giao của khối, bà Federica Mogherini đã bày tỏ quyết tâm chính trị khi khẳng định EU có “nghĩa vụ đạo đức và chính trị” để giải quyết khủng hoảng nhập cư ở Địa Trung Hải. Trước mắt, các Bộ trưởng Ngoại giao EU đã họp khẩn trong ngày 20/4 để bàn cách giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư. EU cũng đang xem xét họp thượng đỉnh về vấn đề này trong thời gian sớm nhất.
Cụ thể, EU sẽ tăng cường giám sát biên giới, cải tiến hệ thống nhập cư bằng việc đổi mới việc cấp thẻ lao động. Bên cạnh đó, EU cũng sẽ đẩy mạnh hoạt động bảo vệ biên giới thông qua Cơ quan quản lý biên giới châu Âu Frontex nhằm phối hợp hành động giữa các quốc gia thành viên trong việc kiểm soát nhập cư bất hợp pháp. Đồng thời, EU sẽ xem xét lại các nguyên tắc tị nạn và tự do đi lại trong khối để có thể đáp ứng về mặt chính trị và nhân đạo trước những thách thức của tình trạng nhập cư.
Thực tế, những người di cư là những người nghèo và bị chiến tranh, bạo lực đe dọa, do đó, để đối phó với vấn nạn này, châu Âu cần phải có một chính sách nhân đạo song song với việc giải quyết các cuộc chiến tranh và đói kém trong khu vực thì mới mong làm giảm được làn sóng người di cư trái phép. Bởi chính phủ châu Âu cũng nhận thức ra rằng, nếu không có một phương án hiệu quả thì chính làn sóng người nhập cư trái phép sẽ là một thứ bom nổ chậm tác động xấu đến tình hình chính trị, kinh tế và xã hội của châu Âu, không thua gì những bom đạn thật đang nổ ra ở Trung Đông và Bắc Phi.
Ngọc Hùng