Từ phải qua: ông Phạm Sanh Châu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa đối ngoại và UNESCO của Bộ Ngoại giao; ông Trần Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì Hội nghị. (Ảnh: Tuấn Anh/TGVN) |
Phát biểu tại Hội nghị xin ý kiến và thống nhất nội dung hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích và khoanh vùng bảo vệ di tích Tòa nhà Trụ sở Bộ Ngoại giao, ông Trần Ngọc Chính cho biết: Ngày 03/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 41-SL giao Tòa nhà Sở Tài chính Đông Dương (số 1 Tôn Thất Đàm, quận Ba Đình, Hà Nội) làm Trụ sở của Bộ Ngoại giao.
Đây là trụ sở đầu tiên, duy nhất và liên tục đến nay của Bộ Ngoại giao. Mười hai Bộ trưởng Ngoại giao đã làm việc và tiếp nhiều đoàn cấp cao, nhân vật quốc tế quan trọng tại đây.
Tại Hội nghị, đại diện các đơn vị có liên quan như: Cục Di sản văn hóa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Quản lý Di tích Danh thắng Hà Nội, Vụ Văn hóa đối ngoại và UNESCO của Bộ Ngoại giao, UBND phường Điện Biên, Câu Lạc bộ Hưu trí Bộ Ngoại giao… đã trao đổi, thảo luận về những sự kiện, nhân vật lịch sử gắn liền với Tòa nhà này; khảo tả di tích; niên đại xây dựng và những lần trùng tu sửa chữa; về giá trị khoa học lịch sử, kiến trúc nghệ thuật của tòa nhà; hiện trạng bảo quản và cơ sở pháp lý bảo vệ di tích Tòa nhà trụ sở Bộ Ngoại giao hiện nay.
Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Tuấn Anh/TGVN) |
Theo các đại biểu, trụ sở Bộ Ngoại giao hiện nay nguyên là Sở tài chính Đông Dương, được kiến trúc sư Ernest Hebrard thiết kế năm 1924, khởi công xây dựng năm 1925 và hoàn thành năm 1928 theo Đồ án Quy hoạch chi tiết khu trung tâm hành chính, chính trị Đông Dương.
Từ khi được Bác giao làm trụ sở Bộ Ngoại giao, Tòa nhà là nơi diễn ra nhiều sự kiện, chứng kiến nhiều cuộc họp, quyết định lịch sử quan trọng, liên quan trực tiếp đến chính sách đối ngoại cũng như vận mệnh của đất nước.
Về kiến trúc, tòa nhà có hệ mái ngói nhiều lớp kiểu kiến trúc phương Đông được thiết kế tinh tế, đặc biệt là lầu mái lớn ở khối trung tâm mặt đứng chính cùng với lớp mái phân tầng, che cửa sổ và mái tiền sảnh. Kiến trúc này kết hợp hài hòa với nhau tạo nên vẻ đẹp độc đáo.
Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: Tuấn Anh/TGVN) |
Theo các nhà nghiên cứu, tòa nhà còn được gọi là nhà 100 mái. Tòa nhà nhìn ra quảng trường án ngữ trục phố Chu Văn An cắt hai đường chéo phố Điện Biên Phủ và Tôn Thất Đàm, phía sau nhìn ra không gian vườn - công viên lớn phố Bắc Sơn, ở giữa nối thẳng với quảng trường Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong quá trình sử dụng, Bộ Ngoại giao chỉ sửa chữa nhỏ nội thất bên trong và luôn coi trọng gìn giữ nguyên hình thức kiến trúc bên ngoài. Vì vậy, tòa nhà vẫn còn nguyên trạng kiến trúc như ban đầu.
Trải qua gần trăm năm lịch sử, tòa nhà vẫn luôn được đánh giá là một kiến trúc đẹp, nổi bật tiêu biểu cho phong cách kiến trúc phương Đông, góp phần tạo nên vẻ đẹp kiến trúc đô thị nói riêng có và hấp dẫn của Hà Nội.
Tại các sự kiện lịch sử và tiếp khách quốc tế, trong đó có nhiều Bộ trưởng Ngoại giao các nước đến thăm và làm việc tại Việt Nam đều hết lòng khen ngợi nét kiến trúc văn hóa của tòa nhà này.
Ông Phạm Sanh Châu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa đối ngoại và UNESCO của Bộ Ngoại giao phát biểu ý kiến tại Hội nghị. (Ảnh: Tuấn Anh/TGVN) |
Theo kiến nghị của Bộ Ngoại giao và sự đồng ý của Cục Di sản văn hóa, Ban Quản lý Di tích Danh thắng Hà Nội là đơn vị đang phối hợp với các bên hữu quan lập hồ sơ di tích Tòa nhà Trụ sở Bộ Ngoại giao, số 1 Tôn Thất Đàm, phường Điện Biên, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.
Tại Hội nghị lần này, các đại biểu đều thống nhất cao với những nội dung, giá trị văn hóa của di tích và kiến nghị Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xem xét, ra quyết định xếp hạng di tích Tòa nhà Trụ sở Bộ Ngoại giao, số 1 Tôn Thất Đàm, quận Ba Đình, Hà Nội là di tích: Lịch sử - Kiến trúc nghệ thuật.
Tòa nhà Trụ sở Bộ Ngoại giao, số 1 Tôn Thất Đàm, quận Ba Đình, Hà Nội. |