Tổng thống Joko Widodo (đầu tiên bên phải) trong một chuyến thăm Cảng Tanjung Priok tại Jakarta tháng 9/2014. (Ảnh: Bloomberg) |
Theo đó, chiến lược "Trục hàng hải toàn cầu" là cương lĩnh và quy hoạch của quá trình chuyển đổi này.
Phát triển hạ tầng, tăng ngoại giao biển
Chiến lược "Trục hàng hải toàn cầu" bao gồm hai trụ cột chính là xây dựng cơ sở hạ tầng biển và bảo vệ chủ quyền biển.
Trong thời gian dài, cơ sở hạ tầng của Indonesia ở trạng thái đình trệ, thậm chí xuống cấp, đến nay gần như không theo kịp tốc độ phát triển kinh tế. Cơ sở hạ tầng yếu kém là lý do khiến giá thành vận chuyển ngay giữa các đảo của Indonesia cao gấp nhiều lần chi phí vận chuyển từ các nước như Trung Quốc, Singapore tới Indonesia. Do đó, Indonesia dự kiến sẽ đầu tư 57,4 tỷ USD cho xây dựng 24 cảng biển thương mại, 1.481 cảng phi thương mại và mua sắm tàu thuyền.
Đáng chú ý, Tổng thống Widodo đã đưa ra khái niệm "đường cao tốc trên biển" với tham vọng biến Indonesia thành cửa ngõ kết nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương, đồng thời tăng cường liên kết bên trong, thay đổi tình trạng "biệt lập không qua lại" giữa các đảo của nước này.
Về mục tiêu bảo vệ chủ quyền biển, ông Widodo cho rằng, Indonesia cần triển khai ngoại giao biển, tăng cường thực lực hải quân để bảo vệ quyền lợi tài nguyên biển, phát huy ưu thế địa chính trị quốc gia quần đảo. Ngoại giao Indonesia đang thực thi tư duy này, không ngại "có thêm kẻ thù", sửa đổi chính sách "chỉ kết bạn, không thêm thù" của cựu Tổng thống Susilo Bambang. Phương châm ngoại giao "độc lập tự chủ" đã được điều chỉnh thành coi trọng phát triển quan hệ ngoại giao "có lợi cho Indonesia", được dẫn dắt bởi lợi ích quốc gia, không gò bó bởi thông lệ và tác động quốc tế.
Chính phủ Indonesia còn dự tính tăng ngân sách quân sự lên 1,5% của GDP và sẽ tăng đồng bộ với mức độ phát triển kinh tế. Ngân sách được tăng sẽ dùng để mua thêm tàu tuần tra cũng như phục vụ cho kế hoạch phát triển quân sự của Tổng thống. Indonesia đã ngỏ ý mua thêm vũ khí từ bên ngoài và các nước Hàn Quốc, Mỹ, Nhật đều đã phản hồi tích cực.
Khi "diều gặp gió"
Indonesia có khá nhiều điều kiện thuận lợi để hiện thực hóa chiến lược "Trục hàng hải toàn cầu".
Thứ nhất, chiến lược lấy điểm tựa chính là xây dựng cơ sở hạ tầng đã đánh trúng quan tâm của xã hội Indonesia, phù hợp với trào lưu phát triển của khu vực, mở ra cơ hội phát triển mạnh hơn cho Indonesia. Trong hai thập kỷ qua, Indonesia luôn đứng trước nhu cầu cấp bách là phải nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng đáp ứng tốc độ tăng trưởng cao nhưng các Tổng thống trước không thể đưa ra quy hoạch quy mô lớn do thiếu hụt nguồn vốn. Cơ sở hạ tầng yếu kém trở thành nhân tố cản trở sự phát triển của đất nước. Do đó, ông Widodo đã đề xuất nhiều biện pháp nhằm "khơi thông" các nguồn vốn lớn từ bên ngoài. Ý tưởng của ông như "diều gặp gió" khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN đang từng bước định hình, Trung Quốc đề xuất nhiều sáng kiến hợp tác kinh tế, các nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đang tích cực thúc đẩy hợp tác với khu vực Đông Nam Á, mở đường cho đầu tư nước ngoài chảy vào Indonesia.
Thứ hai, với hình ảnh trong sạch, xuất thân từ gia đình thương nhân và có kinh nghiệm hoạt động chính trị ở địa phương, ông Widodo đang giành được sự ủng hộ rộng rãi trong dân chúng, thậm chí được ví như "Obama của Indonesia". Chiến lược "Trục hàng hải toàn cầu" cũng đánh trúng nhu cầu phát triển kinh tế, cải thiện mức sống của người dân. Theo kết quả điều tra của Viện nghiên cứu điều tra Indonesia, tỷ lệ dân chúng cơ bản hài lòng với tình hình kinh tế đất nước chỉ là 26,5%. Các vấn đề bức thiết nhất đối với người dân là tăng việc làm, giá hàng hóa cơ bản và phân phối thu nhập.
Thứ ba, chế độ dân chủ dần cải thiện và hình ảnh một quốc gia Hồi giáo ôn hòa đang giúp nâng cao hình ảnh và ảnh hưởng của Indonesia. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh nhiều nước Đông Nam Á đang rơi vào tranh chấp, bất ổn nội bộ liên miên.
Đến nay chưa có nước Đông Nam Á nào đưa ra quy hoạch phát triển tổng thể một cách hệ thống và cụ thể như Indonesia. Có thể nói Indonesia đã đi trước và tạo tiền lệ quan trọng, tạo hiệu ứng lan tỏa về đầu tư cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông đối với khu vực.
Phạm Hằng (tổng hợp)