📞

Kinh tế Trung Quốc ‘ngấm đòn’ thuế quan của Tổng thống Trump

Gia Thành 12:03 | 29/05/2019
Nền kinh tế Trung Quốc có thể mất đà trong năm nay, nếu Mỹ thực hiện kế hoạch áp thuế đối với “hầu hết các mặt hàng xuất khẩu còn lại của Trung Quốc” trị giá 325 tỷ USD theo lời đe dọa của Tổng thống Trump.
Trung Quốc phải chuẩn bị cho một “cú sốc” kinh tế nếu Mỹ tuân theo các kế hoạch về thuế quan đối với hầu hết các mặt hàng nhập khẩu còn lại của Trung Quốc. (Nguồn: AFP)

Động thái này sẽ gây áp lực cho Trung Quốc, buộc Bắc Kinh phải đưa ra các biện pháp để chống lại các tác động từ các mức thuế quan mà Mỹ áp cho nước này.

Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,4% trong quý I/2019, đây tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong gần 30 năm qua. Mức tăng trưởng chậm chạp này một phần do tác động ngày càng tăng của cuộc chiến thương mại với Mỹ. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, điều này vẫn vượt xa kỳ vọng của họ.

Giám đốc, nhà phân tích hàng đầu về xếp hạng chủ quyền của Trung Quốc tại Fitch Ratings, Andrew Fennell cho biết, để “sóng sót” trong chiến tranh thương mại, Trung Quốc đã cắt giảm thuế cho doanh nghiệp để giúp ổn định tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, Fitch Ratings dự đoán, mức tăng trưởng sẽ giảm xuống còn 6,1% trong năm 2019 – 2020 (giảm từ 6,6% vào năm 2018).

Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại giữa hai nước từ đầu tháng 5 cũng có thể khiến nền kinh tế Trung Quốc đối mặt với sự bấp bênh. Tổng thống Trump đã tăng thuế đối với 200 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc từ 10% lên 25%. Đồng thời, Mỹ cũng cân nhắc sẽ tăng mức thuế đối với "hầu như tất cả các hàng hóa còn lại của Trung Quốc" có trị giá trên 325 tỷ USD.

“Mức thuế bổ sung của Mỹ buộc Bắc Kinh phải tính đến hướng nới lỏng các chính sách một cách mạnh mẽ hơn. Các lựa chọn cho Bắc Kinh bao gồm kích thích tín dụng, nghĩa là giảm lãi suất hoặc nới lỏng định lượng tiền tệ”, Giám đốc Fitch Ratings, Andrew Fennell nói.

Theo báo cáo của Fitch hồi đầu tháng này, vòng thuế quan mới, được dự đoán có hiệu lực vào tháng 7, sẽ gây ra một “cú sốc” tương đương với khoảng 0,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc. Điều này dẫn đến sự suy giảm mạnh trong dự báo tăng trưởng của Trung Quốc nếu Bắc Kinh không nới lỏng thêm những chính sách mới.

Andrew Fennell cho biết, việc “đánh đổi” chính sách sẽ khó khăn hơn nhiều nếu thuế quan được đánh vào các mặt hàng trị giá 325 tỷ USD như lời ông Trump đe dọa.

Theo Giám đốc Andrew Fennell, trước sự sụp đổ trong các cuộc đàm phán và leo thang chiến tranh thương mại, Trung Quốc đã sử dụng nhiều chính sách tài khóa khác để chống lại sự suy thoái kinh tế. Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện cắt giảm thuế trị giá gần 2 nghìn tỷ Nhân dân tệ (18,3 tỷ USD) để thúc đẩy mức tăng trưởng chậm chạp trong tiêu dùng và đầu tư trong nước.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cũng đã tăng thanh khoản ngân hàng bằng cách giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng nhỏ hơn, như một biện pháp thúc đẩy cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại.

Ở thời điểm hiện tại, hai bên đều không tỏ dấu hiệu sẽ nhượng bộ nhau. Tổng thống Trump tuyên bố trong cuộc gặp cấp nhà nước tại Nhật Bản rằng, “Mỹ chưa sẵn sàng đạt một thỏa thuận với Trung Quốc”. Trong khi đó, trang CNBC cho biết, các quan chức Trung Quốc khẳng định, kinh tế nước này đủ mạnh để chống lại các tác động của cuộc chiến thương mại với Mỹ. Nhưng lời đe dọa tăng thuế với “hầu hết các mặt hàng xuất khẩu còn lại của Trung Quốc” trị giá 325 tỷ USD vẫn là một nỗi lo đối với nền kinh tế Trung Quốc.

(theo SCMP)