📞

Kỷ niệm 50 năm Ngày ký kết Hiệp định Paris: ‘Việt cộng’ đến Paris

GS. TS. Trình Quang Phú * 13:46 | 17/01/2023
Khi Việt Nam đang chiến tranh, trên thế giới, bên cạnh tên gọi chính thức là FNL (Front National de Libération - Mặt trận Dân tộc Giải phóng), Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, còn có một tên gọi khác là “Việt cộng”.
Bà con cộng đồng đón chào đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Ngày ấy, cuộc tập kích lớn ở Khe Sanh, và cuộc tổng tiến công bất ngờ đồng loạt vào trung tâm đầu não Mỹ, ngụy ở Sài Gòn, kể cả Dinh Tổng thống, đài phát thanh và Đại sứ quán Mỹ đã dồn Mỹ vào thế bị động và sa lầy. Phía Mỹ phải chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán ở Paris. Hội nghị lúc đầu chỉ hai bên là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hoa Kỳ. Ngày 30/10/1968, Tổng thống Hoa Kỳ Johnson tuyên bố chấm dứt vô điều kiện ném bom đánh phá miền Bắc Việt Nam, chấp nhận hội nghị có bốn thành phần mà Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam là một bên chính thức.

Cục diện mở ra mặt trận ngoại giao mới, phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam sẽ là một đoàn chính thức của cuộc đàm phán tại Paris. Chúng tôi được đến Paris trước để chuẩn bị đón đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng do chị Nguyễn Thị Bình dẫn đầu.

Cần nói thêm về một sự thật ít người biết. Đây là sự sáng tạo tài tình của Bác Hồ và của Bộ Chính trị. Chúng tôi là cán bộ của Ủy Ban Thống nhất của Chính phủ, bên Đảng thì gọi là Ban miền Nam do Bí thư thứ nhất Lê Duẩn kiêm Trưởng ban, có biệt danh là Ban CP40, sau đổi thành Ban CP72 trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương. Công việc chủ yếu của Ban là làm nhiệm vụ đối ngoại của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, đến năm 1969 là Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Cơ quan chúng tôi ngày ấy có đủ các Vụ phụ trách những lĩnh vực khác nhau. Ít người nhưng nhiều việc, làm vì miền Nam, nên làm cả ngày đêm, một người kiêm nhiều việc.

14h ngày 04/11/1968, Paris giá lạnh, trời mây một màu xám xịt, chỉ hửng sáng ở đường chân trời. Chị Nguyễn Thị Bình cùng các anh Dương Đình Thảo, Trần Văn Tư, chị Thanh Vân (Bình Thanh), những sứ giả, những chiến sĩ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam và mấy cán bộ giúp việc đoàn bước xuống máy bay ở sân bay Bourget, giữa rừng người chào đón trong tay là cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam và cờ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chị Nguyễn Thị Bình mặc áo dài hồng sậm, khoác măng tô xám với chiếc khăn quàng đen có hoa lấm chấm. Rừng phóng viên chen nhau vây bám chị, dòng người như mảng bè lớn sặc sỡ sắc màu trôi theo biển người chào đón. Máy ảnh chớp liên tục.

Bước vào phòng khách VIP, chị Nguyễn Thị Bình phát biểu đôi lời rồi tuyên bố trước báo chí giải pháp Năm điểm của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam. Dù rất giỏi tiếng Pháp, chị Bình vẫn nói bằng tiếng Việt và chị Thanh Vân (Bình Thanh) đã dịch lại rất chuẩn giọng Tây làm các nhà báo ngạc nhiên và trầm trồ, họ nói với nhau “Việt cộng văn minh quá”, “Có ai nghĩ họ từ trong rừng ra đâu”.

Anh Xuân Thủy, Trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đón và cùng chị Nguyễn Thị Bình bước lên đoàn xe DS (Déesse có nghĩa là nữ hoàng) đen bóng chờ sẵn, cắm cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam nửa xanh nửa đỏ có sao vàng tiến vào Paris giữa bốn hàng môtô của cảnh sát Pháp hộ tống. Bà con Việt kiều và nhân dân Paris cầm cờ, hoa đứng chật hai bên đường chào đón hoan hô đoàn. Chúng tôi vui đến trào nước mắt. Tự hào quá, thắng lợi quá, sự kiện lịch sử đã đưa vị thế của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, đưa vị thế Việt Nam lên nấc thang vinh quang và mở ra những tương lai mới.

Ngay tối đó và sáng hôm sau, hàng loạt báo chí Pháp và của các nước đều đưa tít lớn “Việt cộng đến Paris”, “Việt cộng chiến thắng”. Có báo đã viết: “Bà Bình như bà Hoàng được đón tiếp như một Quốc trưởng với đủ lễ nghi chính thức và được hoan nghênh nhiệt liệt”. “Madame Bình đã làm chấn động Paris và thế giới”, “Việt cộng tuyệt vời”, “cuộc đổ bộ kỳ tích của Việt cộng”…

Một cuộc họp nội bộ của Phái đoàn Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Từ những ngày đầu tháng 05/1968 (kể từ hội đàm hai bên) đến ngày 27/01/1973, cuộc đàm phán bốn bên về Việt Nam ở Paris đã kéo dài gần năm năm, dài nhất lịch sử ngoại giao thế giới. Trong suốt thời gian đó biết bao chuyện vui buồn xảy ra. Gần năm năm đàm phán, chỉ tính các cuộc họp công khai đã có trên 200 cuộc và tiếp xúc bí mật trên 40 cuộc, 500 cuộc họp báo và có đến 1.000 lần chúng ta tiếp trả lời phỏng vấn các tờ báo, hãng thông tấn, truyền hình của năm châu lục.

“Bộ trưởng Việt cộng” Nguyễn Thị Bình được các nhà báo quốc tế ưu ái quan tâm và tỏ sự kính phục. Chị Bình đã từng chủ trì rất nhiều cuộc họp báo, có cuộc đến 400 nhà báo của trên 100 nước.

Tôi nhớ năm 1970, Câu lạc bộ báo chí Paris và kênh truyền hình QRTS tổ chức cuộc gặp gỡ giữa 20 nhà báo kỳ cựu của Mỹ và Pháp với chị Nguyễn Thị Bình. Đó là một trận đấu trí đầy ấn tượng. Một số nhà báo Mỹ đã đưa ra những câu hỏi rất xỏ lá để bảo vệ sự xâm lược của Mỹ, như sao ta không chấp nhận rút quân miền Bắc ra khỏi miền Nam? Vì sao Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam không đàm phán với chính quyền Nguyễn Văn Thiệu? Họ cho rằng: “miền Bắc xâm lược miền Nam”,… Bằng thái độ rất thân thiện, hòa nhã, tự tin, chị Bình vững vàng đáp trả: “Chúng tôi không đàm phán với chính quyền Nguyễn Văn Thiệu vì đó không phải là chính quyền của nhân dân mà là do Mỹ dựng lên”. Chị khẳng định: “Không có luật pháp nào cho phép nước này đem bom ném nước kia và cũng không có luật pháp nào ngăn cản nhân dân nước tôi chống quân xâm lược” - chị Bình nói như một định lý.

Và chị đề nghị mọi việc phải xem xét từ gốc. Nhà báo Mỹ cho rằng, gốc là hai bên cùng rút quân. Chị thẳng thừng đáp trả: “Ông đã bóp méo nguồn gốc của vấn đề, đã đánh đồng sự xâm lược với việc chống xâm lược. Chúng ta cần nhìn thấy cái gốc của vấn đề là người Mỹ với nửa triệu quân đang xâm lược đất nước tôi. Chúng tôi, cả miền Bắc và miền Nam đều là người Việt Nam. Trong số những người từ miền Bắc trở về đó trước nhất là người quê ở miền Nam tập kết ra Bắc nay trở về chiến đấu. Chúng tôi không có quyền tự vệ chống xâm lược sao?” Các nhà báo Pháp đã ủng hộ quan điểm của chị Bình.

Trận đấu trí đó đã nhanh chóng đến với năm châu qua làn sóng truyền hình, thổi bùng thêm ngọn lửa đấu tranh chống cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Chúng ta rất tranh thủ giành diễn đàn, thông qua báo chí để lan tỏa, để biểu thị thái độ, xác định lập trường… Chị Nguyễn Thị Bình với ưu thế ngoại ngữ tốt và sự thông minh, nhạy bén sắc sảo vốn có cùng với sự mềm mỏng, thân thiện của người phụ nữ Việt Nam, nhất là trong tà áo dài truyền thống, đã thuyết phục được cả những nhà báo khó tính.

Mặt trận ngoại giao luôn gắn liền với chiến trường khói lửa. Khi bắt đầu cuộc đàm phán, Tổng thống Johnson đã tạo thanh thế bằng cách mở rộng chiến tranh sang cả Lào và Campuchia, vì cho rằng đó là hậu cứ của chúng ta. Mặt khác, Mỹ tăng cường đánh phá miền Bắc. Phía ta vẫn kiên quyết đòi Mỹ phải rút quân xâm lược khỏi miền Nam và xóa bỏ chính quyền Sài Gòn. Ta tranh thủ vận động các nước ủng hộ Việt Nam chống Mỹ xâm lược. Phong trào phản đối chiến tranh nổ ra mạnh mẽ ngay tại nước Mỹ.

Bà Nguyễn Thị Bình vẫy tay chào bà con cộng đồng khi đến dự Hội nghị Paris.

Năm 1972, ta thắng lớn ở chiến trường, nhất là ở Quảng Trị, ở Đường 9 Nam Lào. Tại bàn hội nghị, ta bất ngờ chưa yêu cầu xóa bỏ chính quyền tay sai Nguyễn Văn Thiệu mà chỉ yêu cầu Mỹ rút quân. Mỹ đang trong thế lúng túng đã đồng ý và một dự thảo hiệp định đưa ra dự định ký vào ngày 20/10/1972. Nhưng sau đó, Mỹ quay lưng với những gì đã thỏa thuận. Hội nghị bế tắc ngày 15/12, thì chín ngày sau, Mỹ dùng máy bay B52 ném bom xuống Hà Nội ngay đêm Noel. Nhưng rồi một Điện Biên Phủ trên không đã diễn ra ở Hà Nội. Máy bay B52 bị bắn rơi lả tả, ở miền Nam ta đánh mạnh khắp các miền. Tỉnh Quảng Trị căn bản được giải phóng. Mỹ buộc phải chấp nhận ngừng ném bom miền Bắc và yêu cầu nối lại đàm phán. Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam đến hồi kết, chúng ta đã phối hợp nhuần nhuyễn vũ trang và ngoại giao để thực hiện được vế thứ nhất lời di huấn của Bác “đánh cho Mỹ cút”.

Ngày 27/01/1973, Trung tâm hội nghị quốc tế rực rỡ cờ hoa, bên trong hàng rào là những hàng tiêu binh, cảnh sát và an ninh bảo vệ uy nghiêm và lớp lớp nhà báo xông xáo ngang dọc. Bên ngoài hàng rào là cả rừng người Pháp, Việt kiều tay cầm cờ, hoa - cờ đỏ sao vàng và cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng với nét mặt hân hoan rạng rỡ. Người len chặt từ Khải Hoàn Môn đến ngã ba phố Kléber và Portugais và kéo dài qua khỏi Trung tâm hội nghị quốc tế Kléber.

Hôm đó, hội trường Kléber sáng rực rỡ. Chị Nguyễn Thị Bình ký 32 văn bản, mỗi văn bản bằng một cây bút. Sau này, chị đã tặng cho các bạn thân là Bộ trưởng Ngoại giao các nước, là các đồng chí cộng sản Pháp có tên tuổi đã bốn năm tận tình giúp đỡ Việt Nam mỗi người một cây bút lịch sử này. Hãng thông tấn UPI của Mỹ viết: “Buổi lễ ký kết hiệp định hòa bình ở Việt Nam diễn ra trong khung cảnh huy hoàng tráng lệ vào bậc nhất của thế kỷ XX mà con người đã tạo ra”.

Nhân kỷ niệm bốn mươi năm ngày ký Hiệp định Paris (năm 2013), chúng tôi cùng chị Nguyễn Thị Bình trở lại Paris thăm các bạn Pháp đã ủng hộ chúng ta. Chúng tôi thăm lại thành phố Choisy-le-Roi, một thành phố vệ tinh nhỏ của Paris nằm trên hai bờ sông Seine, cách Paris 15 cây số về phía Tây Nam. Ở đây có trường chính trị của Đảng Cộng sản Pháp mang tên Tổng bí thư Maurice Thorez. Đảng Cộng sản Pháp sau khi cho đoàn Việt Nam mượn sử dụng trong dịp nghỉ Hè đã tự nguyện rời đi chỗ khác để giao cho đoàn Chính phủ Việt Nam dùng suốt năm năm vì hiểu những khó khăn về tài chính của ta.

Nhân kỷ niệm bốn mươi năm ngày ký Hiệp định Paris (năm 2013), chúng tôi cùng chị Nguyễn Thị Bình trở lại Paris thăm các bạn Pháp đã ủng hộ chúng ta trong năm năm đàm phán. Tôi và Đại sứ Trịnh Ngọc Thái (Nguyên trợ lý của Bộ trưởng Xuân Thủy, trưởng đoàn miền Bắc) thăm lại thành phố Choisy-le-Roy, nơi có trường chính trị của Đảng Cộng sản Pháp mang tên Tổng Bí thư Maurice Thorez. Đây chính là trụ sở của Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham dự hội nghị Paris về Việt Nam trong suốt năm năm đàm phán. Ngày nay thành phố Choisy-le-Roy kết nghĩa với Quận Đống Đa của Hà Nội. Nhân kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris về Việt Nam, thành phố đã đặt tên một quảng trường bên bờ sông Seine là quảng trường Hiệp định Paris về Việt Nam.

GS. TS. Trình Quang Phú.

Trong buổi gặp gỡ thân mật đó, chúng tôi gặp lại Chủ tịch Hội hữu nghị Pháp - Việt, bà Hélene Luc, nguyên Thượng nghị sĩ Pháp, từng là Bí thư của Đảng bộ Đảng Cộng sản Pháp tại thành phố Choisy-le-Roi. Gặp lại chị Nguyễn Thị Bình và chúng tôi bà Hélene Luc rất vui tươi vồn vã. Bà ôm hôn người này hỏi thăm người kia và kể lại chuyện xưa rất thân thiện. Trong phát biểu của mình, bà kể lại những hoạt động của Đảng Cộng sản Pháp làm “mọi lúc, mọi nơi” để giúp đỡ và ủng hộ Đoàn đàm phán của miền Bắc và Đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng miền Nam của bà Nguyễn Thị Bình. “Đảng Cộng sản Pháp và tầng lớp thanh niên cộng sản đã luôn đứng trên tuyến đầu của cuộc đấu tranh chống lại chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ”, bà Hélene Luc nói.

Mùa Xuân đến, cả Paris hoa đua nở, hoa càng rực rỡ chúng tôi càng thấy nôn nao những kỷ niệm đẹp về những ngày “Việt cộng đến Paris”. Cảm ơn Paris, cảm ơn nước Pháp đã góp phần tạo nên chiến thắng để Việt Nam thực hiện trọn vẹn lời dạy của Bác Hồ: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.


1 . Nước Pháp đã huy động 2.000 cảnh sát và an ninh để bảo vệ an toàn cho lễ ký Hiệp định.

* GS. TS. Trình Quang Phú là Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển phương Đông, nguyên chuyên viên Ban CP72 của Trung ương Đảng (công tác đối ngoại cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam).