TIN LIÊN QUAN | |
Trong thế giới bất an, cần một Việt Nam bản lĩnh | |
Từng bước chinh phục thị trường“khó tính” |
Lá thư đầu tiên và cơn ác mộng hắc lào
Tháng 9/1973, chàng tân sinh viên Lê Sỹ Vương Hà được tổng động viên nhập ngũ. Sau ba tháng tập huấn bắn súng, trườn, bò, đào hầm công sự… ở Hòa Bình, anh lính trẻ cùng các đồng đội hành quân vào chiến trường miền Nam. Nhớ lại hồi đó, nguyên Cục trưởng Cục Phục vụ ngoại giao đoàn kể lại: “Đầu năm 1974, chúng tôi hành quân từ Hà Nội xuống Thường Tín (Hà Tây cũ) rồi lên tàu vào Vinh. Tại đây, chúng tôi đi ô tô sang Lào, rồi đi bộ dọc phía Tây dãy Trường Sơn sang Campuchia, vượt kênh Vĩnh Tế để vào chiến trường Tây Nam Bộ. Mãi đến đầu tháng Tư, chúng tôi mới tới nơi”.
Hồi đó, ông Vương Hà được điều về Trung đoàn 20 anh hùng với Trung đoàn trưởng là ông Phạm Văn Trà, Tư lệnh quân khu là ông Lê Đức Anh.
“Vào tới chiến trường Tây Nam Bộ, tôi gặp những người lính đã chiến đấu ở đó 10 năm. Quả thực, khi lên đường ra mặt trận, tôi chẳng nghĩ mình sẽ có ngày trở về”, ông chia sẻ. Chỉ hai hôm sau khi vào đơn vị, ông đã được cử tham gia chiến dịch đánh đồn. Người bạn cùng hành quân với ông (nhà ở phố Hàng Đào, Hà Nội) được phân công ở lại để đi nhận vũ khí tiếp tế. Trên đường đi, anh lính này bị trúng mìn rồi hy sinh. “Cậu ấy mới vào chiến trường được 2 ngày thôi đấy! Chiến tranh mà, nay sống mai chết. Các bạn tôi hy sinh nhiều lắm. Hai tiểu đoàn hành quân từ Hà Nội vào tới đây thì hy sinh một nửa. Người chết vì bom đạn, người chết vì bệnh tật” - giọng ông nghẹn lại.
Trong một lần đánh địch, khi đêm xuống, trung đoàn bắt đầu chèo xuồng đi làm nhiệm vụ. Đầu tiên, nhóm trinh sát bò vào cắt dây thép gai. Khi xong việc, pháo nã vào đồn địch để gây hoảng loạn. Lúc này, đơn vị bộ binh của ông Hà chia làm 2 nhóm, một nhóm tấn công đồn, nhóm kia ở bên ngoài chặn đường tháo chạy của địch.
Anh lính trẻ Lê Sĩ Vương Hà trong thời gian làm Quân quản ở TP. Cần Thơ, năm 1975. |
Khi mặt trời mọc, trung đoàn của ông lại rút vào sâu trong rừng để tránh những đợt càn của địch. Ở vùng giải phóng, người lính cụ Hồ ở cùng làng với dân. Khi bắt được nhiều tôm cá, dân làng còn mang chia cho bộ đội.
Vấn đề ăn uống của lính bộ binh như ông Hà khi đóng quân tại Tây Nam Bộ rõ ràng được cải thiện hơn hẳn so với khi còn hành quân dọc dãy Trường Sơn. Tuy nhiên, vấn đề chỗ ở với ông và đồng đội vẫn rất khó khăn. Đóng quân trong rừng tràm, nơi nước ngập tới đầu gối, những người lính này vất vả tìm chỗ đất cao để ngủ nghỉ, nấu nướng. “Ăn thì cứ ào ào vậy thôi chứ thực ra cơm nấu chẳng chín đâu”, ông nhớ lại.
Sống ở vùng sông nước ẩm thấp nên đặc điểm chung của lính bộ binh các ông là bị sốt rét và hắc lào. Ông Hà cho biết, mình có hai vết hắc lào to bằng bàn tay. Dù bôi thuốc thường xuyên nhưng với điều kiện sinh sống như vậy, căn bệnh này lại trở thành “nan y”. Với ông và các đồng đội, những hôm trời oi nóng quả đúng là ác mộng.
Sau khi giải phóng TP. Cần Thơ vào chiều 30/4/1975, ông Hà được bổ nhiệm vào Ban Quân quản của thành phố, làm công tác giữ gìn an ninh. Cuối tháng 5/1975, ông tới sân bay Trà Nóc thăm một người bạn. Anh này bảo: “Hà ơi, một lát nữa sẽ có trực thăng chở thư của lính miền Nam ra Hà Nội. Mày viết thư cho ông bô (bố) đi”. Thế là ông xé vội tờ lịch viết vỏn vẹn vài dòng: “Bố mẹ kính mến! Con là Lê Sỹ Vương Hà. Con vẫn còn sống và hiện đang trong Ban Quân quản thành phố Cần Thơ”. Sau đó, anh bạn kia gập tờ giấy thành phong bì, dán lại rồi bảo ông Hà đọc để viết địa chỉ.
Vài ngày sau, gia đình ông Hà ở Hà Nội nhận được thư. Hôm ấy, Bưu điện thành phố tổ chức bắn pháo hoa đón hàng trăm nghìn lá thư lần đầu từ miền Nam ra Hà Nội sau bao năm gián đoạn. Thấy chữ bên ngoài phong bì không phải của con mình, cụ thân sinh của ông Hà đã tự nhủ: Chắc con mình hy sinh rồi!
“Mãi đến khi bóc ra, thấy đúng chữ của tôi, cả nhà đều vui mừng phấn khởi. Lúc ấy, gia đình có người đi chiến đấu như gia đình tôi mới trút bỏ gánh nặng để cảm nhận được niềm vui giải phóng thực sự”, ông Hà kể lại.
Kỷ niệm buổi duyệt binh
Tại binh chủng tên lửa của Trung đoàn 263, Sư đoàn 361, có hai người lính sau này trở thành cán bộ ngoại giao. Đó là ông Nguyễn Hồng Phong (nguyên Cục trưởng Cục Quản trị Tài vụ) và ông Hoàng Vân (cán bộ Tuần báo Quốc tế - nay là Báo Thế giới & Việt Nam). Cả hai người lính này cũng đều là những sinh viên xếp bút nghiên lên đường ra mặt trận.
Những người lính đầu tiên của binh chủng tên lửa như ông Vân còn được các chuyên gia Nga hướng dẫn về sơ đồ, cách vận hành hệ thống tên lửa, xe điều khiển, thế hệ sau như ông Phong chỉ được học truyền khẩu từ những chiến sĩ đi trước. Chỉ trong 1 tuần, ông Phong và các đồng đội đã thành thạo cách vận hành.
Ban đầu, Trung đoàn 253 có nhiệm vụ bảo vệ phía Tây Nam Hà Nội (khu vực Văn Điển, Mẫu Lương, Bình Đà, Yên Nghĩa). Đến tháng 5/1971, Trung đoàn hành quân vào Quân khu 4, nhận nhiệm vụ bảo vệ TP. Vinh. Hơn một năm sau, được lệnh của Bộ Quốc phòng, ông Phong và các đồng đội lại hành quân vào Nam, chi viện cho Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Hồng Phong tại chiến trường Quảng Trị. |
Giống như rất nhiều người lính khác, cả ông Vân lẫn ông Phong đều lên đường với tư tưởng “không có ngày trở về”. Thế nhưng, tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, những người lính giải phóng ấy lại mang niềm vui khôn xiết. Đó là niềm vui khi biết cuộc chiến tranh trường kỳ gian khổ sắp đến ngày thắng lợi, đất nước lại quy về một mối.
Ông Phong cho biết, các ông là đơn vị tên lửa duy nhất trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và được tham gia vào Lễ duyệt binh ngày 15/5/1975 tại Sài Gòn. “Thời đó làm gì có vỏ đạn để duyệt binh. Chúng tôi buộc phải đem khí tài thật vào diễu hành ở buổi lễ. Vì thế, anh em chúng tôi phải liên tục canh gác khí tài. Rạng sáng ngày 15/5, chúng tôi phát hiện một chiếc xe bị gài mìn và đã kịp thời xử lý an toàn. Nếu chiếc xe chở tên lửa ấy mà bị nổ trong thành phố, con số thương vong không biết sẽ là bao nhiêu”, ông Phong kể lại.
Khi xuất ngũ, những người lính như hai ông đều có phần hụt hẫng vì thay đổi môi trường. Thậm chí, ông Hoàng Vân còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống vì trúng mảnh bom. Mỗi khi trái gió trở trời, đầu ông lại đau buốt. Sau nhiều năm chiến đấu, những kiến thức mà các ông học được từ nhà trường đều bị mai một. Vì thế, những người lính chiến năm xưa lại phải tự cố gắng học hỏi trong cuộc sống để có thể hoàn thành tốt công việc đối ngoại được giao.
***
Trước khi kết thúc các cuộc phỏng vấn, tôi đều hỏi các ông rằng những năm tháng quân ngũ đã giúp gì họ trong công tác ngoại giao sau này. Cả ba người cựu chiến binh đều khẳng định, nhờ có hành quân, chiến đấu, họ mới trở thành những người sống tự lập, kỷ luật và bình tĩnh hơn. Là người lính, lại được đào tạo nghiệp vụ ngoại giao, họ sẽ biết cương, biết nhu đúng lúc để giải quyết tốt nhất mọi vấn đề nảy sinh trong cuộc sống nói chung và hoạt động đối ngoại nói riêng. “Đặc biệt, khi đã trải qua những giờ phút sinh tử trong chiến tranh, những người lính chúng tôi đều biết trân trọng từng khoảnh khắc trong cuộc sống”, ông Phong chia sẻ.
Nguyên Cục trưởng Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn Lê Sỹ Vương Hà có kể cho tôi một kỷ niệm giữa ông và người đàn anh Nguyễn Hồng Phong. Vào đúng ngày nhập học trường Đại học Ngoại giao, ông Hà bị sốt rét. Tuy nhiên, một số cán bộ ở trường liên tục thúc ép ông phải tới làm thủ tục. Thậm chí, có người còn dọa sẽ kỷ luật anh lính mới giải ngũ này. Đến khi khỏi bệnh, ông Hà đến trường gặp ông Nguyễn Hồng Phong khi đó làm việc ở phòng Tổ chức. Ông Hà nói: “Báo cáo anh! Em mắc sốt rét nên không nhập trường đúng thời hạn. Nhà trường có kỷ luật, em cũng xin chịu”. Nghe thấy vậy, ông Phong lập tức xua tay: “Thôi thôi, không sao hết! Anh em mình là lính với nhau. Còn lạ gì cái bệnh này nữa”.
Vượt thác ghềnh, ra biển lớn Chiến lược “phát triển và hội nhập” đã nâng cao và cân bằng các sức mạnh kinh tế, quân sự và ngoại giao của Việt ... |
Phát huy vai trò kết nối Đến Việt Nam từ năm 1992 từ khi còn là nhà ngoại giao trẻ, đó là cơ duyên để ông Giles Lever trở lại mảnh ... |
Vai trò then chốt trong kiến trúc thể chế hiện đại Tôi đã có vinh dự là Đại sứ Pháp tại Việt Nam từ tháng 3/1989 tới mùa xuân năm 1993, một giai đoạn quan trọng ... |