Nhà báo Phạm Khắc Lãm đứng giữa. |
Năm 1972, không quân Mỹ ném bom trở lại và phong toả các cảng miền Bắc Việt Nam. Ngọn lửa chiến tranh càng bốc cao, phong trào nhân dân thế giới đoàn kết với Việt Nam chống Mỹ xâm lược càng sôi nổi. Đúng thời gian này, Trung ương Đoàn TNCS Việt Nam nhận được lời mời của Tổ chức thanh niên Ấn Độ tham dự Hội nghị Quốc tế Đoàn kết với Việt Nam, ở miền Nam Ấn Độ.
Dừng chân ở Calcutta
Giữa những hồi còi báo động, chiếc xe Command lao nhanh qua cầu Long Biên để đến sân bay Gia Lâm trong bóng chiều chạng vạng. Chiếc máy bay IL 18 chở chúng tôi cất cánh trong tiếng rền vang của pháo cao xạ và tiếng bom nổ.
Nhà báo Phạm Khắc Lãm sinh ngày 1/11/1930, là một trong những sinh viên đầu tiên của Việt Nam học Đại học Báo chí ở Trung Quốc. Ông từng là Tổng Giám ðốc Ðài Truyền hình Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao). |
Hôm sau, chúng tôi tới sân bay Calcutta để bay tới Trivandrum. Sau khi đã yên vị trên máy bay, một nữ tiếp viên Ấn Độ tiến về phía chúng tôi, ân cần hỏi: "Có phải là bạn Việt Nam không?" - tôi trả lời: "Vâng". Chị nói tiếp: "Chúng tôi được tổ chức phân công giúp đỡ các bạn trong chuyến bay này. Nếu cần gì xin cho chúng tôi biết, đừng ngại". Trong chuyến bay, chúng tôi phải đổi máy bay vài lần, nữ tiếp viên này giúp chúng tôi tìm chỗ ngồi trên phi cơ mới rất chu đáo, còn người vận chuyển hành lý quá cảnh của chúng tôi thì nhất định từ chối tiền "boa" - "Vì các anh là người Việt Nam!".
Ấn tượng bên sông Hằng
Chúng tôi đến sân bay Patna - bang Bihar vào sáng ngày 26/7/1972, giữa lúc chính quyền Nixon ném bom trở lại miền Bắc Việt Nam ác liệt hơn. Bước ra khỏi máy bay, chúng tôi đã thấy ở cuối đường băng, các bạn Ấn Độ vẫy cờ đỏ sao vàng và hoa ngũ sắc đón chào đoàn khách Việt Nam. Theo phong tục của mình, các bạn Ấn Độ khoác lên mỗi người chúng tôi hàng chục vòng hoa đại, hoa hồng và hô vang những khẩu hiệu: "Hoan nghênh đại biểu thanh niên và sinh viên Việt Nam", "Đả đảo Đế quốc Mỹ", "Nhân dân Ấn Độ và Việt Nam đoàn kết muôn năm"...
Từ sân bay, chúng tôi đến thẳng trường Đại học Patna, nằm bên bờ sông Hằng, con sông lớn của Ấn Độ bắt nguồn từ Hymalaya... Các giáo sư và sinh viên trường Đại học Patna thiết tha muốn gặp đại biểu thanh niên và sinh viên Việt Nam để trao đổi ý kiến, tìm hiểu về Việt Nam, về "những sự tích anh hùng của một nước nhỏ đánh bại một nước lớn có sức mạnh vật chất khổng lồ", như lời một giáo sư đã đặt vấn đề khi bắt đầu cuộc tọa đàm. Hàng loạt các câu hỏi được nêu ra: Việc Mỹ ném bom ồ tạt và phong tỏa các cảng đã gây khó khăn cho nhân dân Việt Nam đến mức nào? Các đường tiếp tế có bị cắt đứt không? Viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa có tiếp tục đến tay Việt Nam không? Tác dụng của bom "thông minh", bom "laser" đến đâu? Các bạn đối phó bằng cách nào? Dưới bom đạn, thanh niên và sinh viên Việt Nam học tập, chiến đấu và lao động ra sao?...
Qua giọng nói chân tình của người hỏi, qua không khí thân mật của cuộc họp, chúng tôi hiểu rằng đây không phải là sự tò mò mà chính là nỗi băn khoăn, niềm lo lắng của những người bạn ở xa luôn quan tâm, theo dõi cuộc chiến đấu của Việt Nam, nhưng không có điều kiện nắm được đầy đủ và chính xác. Vì thế, sau khi nghe trình bày về tình hình, về những chiến công của quân và dân hai miền Nam - Bắc Việt Nam, về vụ Đông - Xuân thắng lợi cũng như về đợt thi đua chống Mỹ vừa qua, một đại biểu giáo sư đã bắt tay cảm ơn chúng tôi và phát biểu: "Vì không hiểu rõ tình hình, nên thực sự gần đây chúng tôi có lo lắng cho các bạn khi nghe tin Nixon huy động một lực lượng không quân và hải quân lớn nhất từ trước đến nay để đánh phá dã man miền Bắc Việt Nam và phong tỏa các cảng lớn. Nhưng bây giờ thì chúng tôi yên tâm và xin chúc các bạn sớm giành được thắng lợi hoàn toàn".
"Chúng tôi luôn ở bên các bạn"
Cuộc mít-tinh quần chúng chào mừng đại biểu thanh niên và sinh viên Việt Nam và bày tỏ tình đoàn kết với nhân dân Việt Nam được tổ chức ở một quảng trường giữa thành phố ngay buổi tối hôm đó với sự tham gia của vài nghìn người, không phân biệt giới tính, thành phần và đảng phái. Họ ngồi xếp bằng kiểu Ấn Độ kín cả quảng trường.
Đúng 6h30, Bộ trưởng Tài chính bang Bihar, ông Doroga Prasad Rai, mặc quốc phục trắng, bước lên đọc diễn văn khai mạc, trong đó có đoạn: "Đế quốc Mỹ đã thất bại trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Cũng chính vì cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam mà nước Mỹ đang gặp khó khăn to lớn về nhiều mặt, khủng hoảng về kinh tế, suy yếu về quân sự, chia rẽ về chính trị. Việt Nam đã chứng minh rằng, một nước nhỏ quyết tâm chiến đấu cho độc lập, tự do thì có thể đánh bại một đế quốc lớn, dù mạnh đến đâu. Chính vì vậy, Việt Nam là tấm gương cho tất cả chúng ta và sẽ tiếp tục mãi mãi là tấm gương cho tất cả chúng ta. Những chiến thắng của nhân dân Việt Nam đã chứng minh một cách hùng hồn rằng sức mạnh tối cao là sức mạnh của nhân dân. Lực lượng của nhân dân mạnh hơn bom đạn Mỹ, mạnh hơn đồng USD... Và chúng ta tin chắc rằng nhân dân Việt Nam sẽ chiến thắng...".
Tiếp đó, đại biểu các giới, các đoàn thể đã lần lượt lên phát biểu ý kiến. Một đại biểu nhấn mạnh những lời tha thiết: "Chúng tôi không biết rõ giờ đây làng nào, thôn nào ở Việt Nam đang bị ném bom. Chúng tôi không biết rõ giờ đây bao nhiêu người đang chết vì bom Mỹ ở Việt Nam. Nhưng xin các bạn Việt Nam tin rằng, chúng tôi luôn ở bên các bạn!".
Hôm đó là ngày 16 Âm lịch, trăng tròn vành vạnh. Cuộc mít-tinh sôi nổi và hết sức trang trọng dưới ánh điện và cả ánh trăng đến khuya mới kết thúc. Chủ tịch đoàn đã tuyên bố bế mạc mà nhiều người còn cố chen lên lễ đài, tìm đến bắt tay các đại biểu Việt Nam và trao tặng mỗi người một nhành hoa.
Phạm Khắc Lãm
Nhận xét về phong trào nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam, ông Trịnh Ngọc Thái cho biết: "Phong trào mặt trận nhân dân có quy mô rộng khắp trên thế giới. Đó là cuộc biểu tình khổng lồ ở Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa khác như: Hội nghị cấp cao nhân dân Đông Dương (tháng Tư 1970), Tòa án Bertrand Russel xét xử tội ác chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam, Hội nghị Stockholm về Việt Nam, Hội nghị Quảng Châu, Tuần quốc tế phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam, cuộc biểu tình của nửa triệu người tại Washington, cuộc gặp gỡ lịch sử giữa nhân dân Việt Nam-Mỹ tại Bratislava, cuộc biểu tình của 200 nghìn người tại rừng Vincennes - Paris, cuộc biểu tình xuống đường với sự tham gia của Waldeck Rochet, Jacques Duclos, Tổng Bí thư và Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Pháp, và còn biết bao hoạt động khác ở khắp các châu lục. Cả thế giới vang lên tiếng "Mỹ cút khỏi Việt Nam". Theo Đại sứ Trịnh Ngọc Thái: "Phong trào và sự đóng góp của Việt kiều rất quan trọng trong việc hình thành mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam. Đặc biệt, Việt kiều ở Pháp đã có đóng góp to lớn bằng cách tập hợp đông đảo bà con tổ chức đón tiếp hai đoàn ta và tổ chức các cuộc mit tinh nói chuyện ủng hộ cuộc kháng chiến, các giải pháp của ta đưa ra trên bàn đàm phán. Đặc biệt, Hội người Việt Nam ở Pháp đã cử một số đông anh chị em phục vụ trực tiếp cho hai đoàn như phiên dịch, lễ tân, văn phòng, in tài liệu, lái xe, bảo vệ, nấu ăn…Để làm những việc đó anh chị em đã phải chịu những sự hy sinh nhất định như bỏ việc làm, thâm chí có lúc phải đương đầu, xung đột với những phần tử chống đối. |