Nhỏ Bình thường Lớn

Làm người thầy thời nay không dễ!

TGVN. Với những áp lực đè nặng trên vai, làm người thầy thời nay không dễ, vì có thể ‘trồng người’ tốt nhưng cũng đầy ‘khả năng’ tạo ra những tâm hồn tổn thương lâu dài.

Thực tế người thầy thời nay và cả học sinh đang bị quá tải. Cả thầy lẫn trò đều mệt mỏi với áp lực, về sách giáo khoa mới nặng nề, cồng kềnh và cả nội dung không hợp lứa tuổi. Tôi lại nhớ về một người thầy của mình thuở nào và chiêm nghiệm, để gieo nhân cách tốt của học trò, ngay bản thân giáo viên cũng cần được làm mới tinh thần.

“Em cố gắng vượt qua khó khăn, học tốt để báo hiếu cho má, lo cho ngoại nghen”. Tôi nhớ mãi lời cô Nguyễn Thị Diên, giáo viên chủ nhiệm lớp 4 đã nói với mình.

Cô không phải là người địa phương, quê cô ở Quế Long, để đến trường tiểu học Quế Lộc quê tôi, cô phải đi qua một con đèo. “Bước tới đèo Le lưỡi cũng le/ Chân tay bủn rủn mặt xanh lè”, là câu vè mô tả về con đèo nguy hiểm thuộc huyện Quế Sơn, Quảng Nam hơn 20 năm trước. Mọi thứ thật khó khăn, cả với trường lớp lúc đó cũng đơn sơ, hàng rào được làm bằng vỉ gai tre, học sinh thiếu bàn phải ngồi ghép...

Làm người thầy thời nay không dễ!
Cô Nguyễn Thị Diên cùng trò Long (giữa) trong lần dâng hoa ngày Nhà giáo Việt Nam năm học 1994-1995. (Ảnh: NVCC)

Tôi thuộc diện “cá biệt” trong lớp, theo tiêu chí nhà nghèo, neo đơn, vì chỉ có mình tôi được điền trong hồ sơ học sinh là “mồ côi cha”. Biết được, cô đã đến tận nhà tìm hiểu và nhiều lần động viên má tôi cố gắng, khuyên tôi nỗ lực học hành. Cô lấy chuyện má, ngoại tôi cực khổ để nuôi tôi ăn học, và việc của tôi là học giỏi để báo đền ơn đó.

Rồi cô kể về chú Cường, là chồng cô sau này, khi đó đang là người yêu. “Chú cũng có một mẹ, một con, cũng khó khăn lắm nhưng chú nỗ lực học, giờ đỗ đại học, đã đi làm và lo được cho mẹ”, cô nói với niềm tự hào. Và đó cũng là cách cô gieo vào lòng tôi niềm tin vào việc học hành có thể giúp mình thay đổi cuộc sống, báo hiếu cho má, ngoại - những người thương tôi nhất và tôi thương nhất.

Sau khi dạy xong năm học lớp 4 khóa của tôi, cô chuyển trường, nhưng cô vẫn hay nhắn gửi những thầy cô khác về việc “động viên em Long để em vượt khó đến lớp”. Nhiều thầy cô giáo của trường tiểu học Quế Lộc lúc đó tiếp nối cô dìu dắt để tôi thêm ý chí.

Mỗi dịp Tết, cô lại gửi lên cho tôi một ít bánh kẹo cô làm, nói là quà cho cả nhà có cái tết ấm cúng hơn. Cô đã không bỏ quên một đứa học trò mình chủ nhiệm, dù đã chuyển trường, vì tình thương đặc biệt. Cũng chính vì thế, đến nay, cô vẫn là cô giáo đặc biệt mà tôi ghi nhớ lời động viên, mỗi lần về quê tôi vẫn đến thăm cô dù cách một con đèo.

Tất nhiên, không phải thầy cô nào đều làm được như cô. Có thể vì họ không nhận ra được trong lớp học của mình có những học sinh “cá biệt” cần được nâng đỡ, động viên. Cũng có thể vì những bon chen thành tích đã chiếm hết thời gian, tâm sức của người thầy khiến họ không còn nhiều chú tâm đến học trò, ngoài việc hoàn thành giờ dạy trên lớp cùng những việc không tên khác.

Giáo viên cũng cần được "làm mới" tinh thần

Thực tế giáo viên thời nay và cả học sinh đang bị quá tải. Cả thầy lẫn trò đều mệt mỏi với áp lực, về sách giáo khoa mới, nặng nề, cồng kềnh và cả nội dung không hợp lứa tuổi.

Nhiều người bạn của tôi làm giáo viên than rằng, không hiểu những nội dung Toán học, Hóa học hàn lâm đó dạy học sinh làm gì trong khi thiếu sự ứng dụng thực tế. Nhưng rồi họ vẫn phải dạy. Nhiều người chán lên lớp và áp lực khi triển khai nội dung tiết học. Và vì vậy, niềm vui dạy học không còn hay nói cách khác, thầy cô giáo cũng không hạnh phúc, thiếu hứng thú khi đứng lớp nên không thể truyền cảm hứng, để học trò mình có niềm vui đến trường.

Làm người thầy thời nay không dễ!
Giáo viên cũng cần được “làm mới” tinh thần, được “an” khi lên lớp. (Nguồn: Dân trí)

Đó là chưa nói tới những áp lực từ phía đời sống cá nhân đã làm cho người thầy mất đi những tiêu chí cần có của nghề, đó là sự lắng nghe học trò, hiểu thương như “con” mình. Không phải tự nhiên thầy cô giáo được ví như cha mẹ ở trường, ngay từ tấm bé học sinh đã được hun đúc điều này.

Nhà giáo với chức nghiệp giáo dưỡng tâm hồn, vun bồi trái tim của học trò, những đứa trẻ đang lớn và sẽ trở thành người lớn tương lai. Điều đó xứng đáng được xem là “cha mẹ thứ hai”, như câu hát “mẹ ở trường là cô giáo mến thương”.

Hiếu, bạn tôi quê ở Tiền Giang, nay là đồng nghiệp vẫn thường hay kể về nỗi ám ảnh của một cô giáo bộ môn hồi bạn học cấp 2. Cô hay đem vẻ mặt không vui ở đâu đó từ nhà lên lớp khiến học sinh cảm thấy lo lắng.

“Có những bạn không học thêm như mình thì thường bị cô gọi lên bảng làm những bài khó”, Hiếu kể như một tổn thương tâm lý thời học trò. Có thể nói, đó là những san chấn tinh thần mà mỗi khi nhắc về trường xưa lớp cũ, Hiếu vẫn chưa quên.

Thầy cô cũng như cha mẹ, có những người kỹ lưỡng trong việc giáo dưỡng tâm hồn con trẻ, sẽ tạo ra những đứa trẻ đầy niềm tin vào cuộc sống và lòng tốt, vào chuẩn mực của người lớn. Và lại có những người phá hỏng niềm tin đó chỉ vì sự thiếu công bằng giữa các con, sự thiên vị học trò, hoặc sự nóng giận vô cớ…

Cuối tháng 10, tôi có tiếp xúc với 4 cô giáo là những tiến sĩ, thạc sĩ tâm lý, xã hội - tác giả của bộ sách Chăm trái tim con ấm, Dưỡng trí não con tinh (NXB Phụ nữ Việt Nam). Các cô cho rằng, thầy cô giáo cũng chịu nhiều áp lực và vì thế họ cũng stress, rồi mang tâm trạng đó lên lớp, “gieo rắc” cho học trò những nỗi lo sợ, thậm chí hãi hùng vì những câu nói, răn đe.

Buổi gặp gỡ, giao lưu với các cô, có phụ huynh còn kể, con gái chị đang học lớp 8 đã phải chuyển trường, trầm cảm vì những nhận xét gay gắt của cô giáo trước bạn bè, vì con chị chưa giỏi.

ThS. Tô Thị Hoàng Lan, đồng tác giả bộ sách trên chia sẻ, chính thầy cô giáo cũng cần được giúp đỡ trong bối cảnh chương trình dạy và học đầy áp lực từ nội dung đến thành tích hiện nay. Có bao giờ ngành giáo dục có suy nghĩ rằng, người thầy cũng là con người và cần được giúp đỡ, lắng nghe, động viên thay vì nghĩ rằng họ đã là những bậc mô phạm, chắc chắn gần như tuyệt đối rằng họ không có sai phạm nào?

Tôi nghĩ giáo viên cũng cần được “làm mới” tinh thần, được “an” khi lên lớp để rồi chính năng lượng tốt đẹp đó, họ có thể tưới tắm cho những thế hệ măng non những hạt giống thiện lành. Nếu ngành giáo dục có các chương trình “an tâm” cho giáo viên thay vì áp thành tích, tạo ra chương trình dạy học nặng nề, có lẽ sẽ có nhiều cô Diên trong môi trường sư phạm và cũng sẽ không có học sinh nào phải ám ảnh như Hiếu bạn tôi vì ký ức “bị chiếu tướng” của chính cô giáo mình.

Làm thầy không dễ, vì có thể “trồng người” tốt nhưng cũng đầy “khả năng” tạo ra những tâm hồn tổn thương lâu dài.

GS. NGND. Nguyễn Lân Dũng: Thầy mẫu mực về đạo đức mới mong học trò sống tử tế

GS. NGND. Nguyễn Lân Dũng: Thầy mẫu mực về đạo đức mới mong học trò sống tử tế

TGVN. Tự hào vì nhiều thế hệ trong gia đình làm nghề dạy học, GS. NGND. Nguyễn Lân Dũng chia sẻ, nghề giáo không giúp ...

PGS. TS. Nguyễn Văn Nhã: Không nên xem giáo dục như một thương vụ kiểu 'tiền nào của nấy'

PGS. TS. Nguyễn Văn Nhã: Không nên xem giáo dục như một thương vụ kiểu 'tiền nào của nấy'

TGVN. Chia sẻ với báo TG&VN, PGS. TS. Nguyễn Văn Nhã (nguyên Trưởng ban Đào tạo - Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, ...

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu: Cần thử nghiệm sách giáo khoa theo nguyên tắc khoa học, đủ độ an toàn mới đưa ra đại trà

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu: Cần thử nghiệm sách giáo khoa theo nguyên tắc khoa học, đủ độ an toàn mới đưa ra đại trà

TGVN. Chia sẻ với báo TG&VN, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, chúng ta cần cẩn trọng khi đưa sách giáo khoa (SGK) vào sử ...