Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton |
Vững vàng tay lái
Theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận gần đây nhất, tỉ lệ người Mỹ ủng hộ đương kim tổng thống Barack Obama đã giảm từ 80% ở thời điểm tháng 1-2009 xuống còn 56% ở thời điểm tháng 10-2009. Còn tỉ lệ ủng hộ bà Hillary Clinton đã bị suy giảm không đáng kể: từ 65 xuống còn 62%. Trên cương vị Ngoại trưởng, dường như bà Hillary Clinton đã thành công hơn Tổng thống Obama.
Nhiều nhà bình luận từng đã coi việc bà Hillary Clinton được ông Obama đưa vào vị trí này là kết quả của một thoả thuận phức tạp trong nội bộ đảng Dân chủ. Tuy nhiên, muốn nói thì nói, do không có nhiều cộng sự thân tín ở thượng đỉnh quyền lực tại Washington, vị Tổng thống Mỹ thứ 44 bắt buộc vẫn phải sử dụng nguồn nhân lực của người tiền nhiệm cùng đảng Dân chủ, cựu Tổng thống Bill Clinton.
Và người đầu tiên phải được quyền nhận một vị trí quan trọng chính là thượng nghị sĩ bang New York, bà Hillary Clinton, phu nhân của vị Tổng thống Mỹ thứ 42, trước đó không lâu từng là đối thủ của ông Obama trong cuộc chạy đua vào Nhà trắng trong nội bộ đảng Dân chủ.
"Theo tôi nhớ thì đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng trò chuyện với nhau trong bộ máy của ông Obama" - chủ nhân của Lầu Năm Góc Robert Gates thích nhắc lại câu này khi cần nói tới quan hệ giữa ông và bà Hillary Clinton.
Còn bà Ngoại trưởng thì hay nói rằng, trong những năm ở Nhà trắng với tư cách đệ nhất phu nhân, bà đã quá nhiều lần phải chứng kiến các xung đột giữa các cố vấn. Và bây giờ, khi bà Hillary Clinton có điều gì không đồng nhất với kiến với Tổng thống Obama, bà vẫn công nhận quyền quyết định của ông chủ Nhà Trắng.
Một giáo sư có cảm tình với đảng Cộng hoà đã nói với phóng viên tờ Izvestia: "Tất cả đều có cảm tình với bà ấy như với một phụ nữ dễ chịu về mọi mặt. Nhưng điều này liệu có ẩn chứa một nội dung thực tế gì không?".
Vị GS này không thích vì bà Hillary Clinton quá khác so với những người tiền nhiệm lừng lẫy của mình như George Shultz, Henry Kissinger hay Warren Christopher... "Mà nước Mỹ trong những thời điểm khó khăn đều cần những nhân vật ở tầm cỡ như thế" - vị GS này than thở.
Theo ý kiến của một số nhà quan sát, mặc dù đã ở tuổi 61 nhưng bà Hillary Clinton vẫn đang chuẩn bị cho một tương lai chính trị to lớn hơn. Bà biết cách làm việc hoà thuận với các thành viên khác trong nội các của Tổng thống Obama, không "chơi chòi" để tránh những sai lầm, cố tranh thủ thêm điểm và tìm kiếm thêm đồng minh trong giới tinh hoa chính trị.
"Bà hiện nay không thể dạy dỗ gì cho những nhân vật lớn như Phó Tổng thống Jose Biden, ông Holbrook hay ông Gates, một khi chưa ở trên vị trí hiện nay được 5 năm và chưa học được hết bài của những người này" - vị GS Mỹ đã dẫn, nói.
Bà Hillary Clinton là một hình mẫu "nữ sinh suất sắc điển hình", luôn tới lớp với những bài vở được chuẩn bị kỹ lưỡng. Đặc tính này của bà đã được trợ lý an ninh của Tổng thống, ông tướng về hưu của lực lượng lính thuỷ đánh bộ Jim Johns nhận ra: "Chưa bao giờ tôi thấy bà tới họp mà lại thiếu các văn bản đã viết sẵn và những ý kiến đã được suy nghĩ kỹ càng".
|
Trong chuyến thăm Moskva mới đây, bà Hillary Clinton tuyên bố rằng, bà sẽ không ra ứng cử Tổng thống thêm một lần nữa. Có thể hiểu được bà: làm Ngoại trưởng cũng đã là một công việc quá nặng nhọc rồi. Hơn nữa, có một quy luật bất thành văn ở Washington: đảng cầm quyền luôn đề cử đương kim Tổng thống ra ứng cử thêm một nhiệm kỳ thứ hai.
Nếu quả thực bà Hillary Clinton muốn chạy đua vào Nhà Trắng, thì bà sẽ phải chờ đến 8 năm. Khi đó, bà sẽ ở tuổi "cổ lai hy".
"Thần thiêng nhờ bộ hạ"
"Bà Hillary Clinton phải giữ gìn hình ảnh một chính trị gia quan trọng. Những chuyến công du dài ngày ở nước ngoài của bà được xây đắp từ những cuộc gặp trong các phòng họp đông người và những bài phỏng vấn truyền hình êm ái. Nhưng gần như không thể thấy hình hài chính sách đối ngoại của bà trong những vấn đề quan trọng, dù đó là chiến tranh ở Afghanistan hay những nỗ lực thương thảo vơi Iran hoặc cuộc xung đột Israel - Palestine" - tờ The Washington Post nhận xét.
Để có được những nội dung đó, nữ Ngoại trưởng Mỹ cần những người đàn ông giàu kinh nghiệm.
Theo đánh giá của phóng viên báo Nga Izvestia, đội hình "ruột" của nữ ngoại trưởng Mỹ đã được tăng cường bởi hai vị đặc sứ Richard Holbrooke và George Mitchell, được chuyển sang chăm lo việc tìm kiếm hoà bình ở Trung đông sau khi ông đã thuyết phục được những người Thiên chúa giáo và Tin lành buông vũ khi ở miền Bắc Ireland.
|
Ông Holbrooke từng được biết tới với vai trò quan trọng mà ông từng giữ trong quá trình xây dựng thoả ước Dayton về Bosnia. Vị đặc sứ này nổi tiếng là người ít khi đồng ý với những gì mà bên kia đề nghị với ông.
Trong quá khứ, nét tính cách này của Holbrooke đôi khi đã dẫn ông tới những sự cố không dễ chịu.
Thí dụ, trong những năm 90 của thế kỷ trước, sau cuộc gặp gỡ với Tổng thống Nam Tư lúc bấy giờ là ông Slobodan Milosevich tại Belgrad, ông đã cố tình không đi theo con đường tới Saraevo mà nhà lãnh đạo Nam Tư đã chọn cho ông. Kết quả là xe của ông đã bị trúng mìn, làm một người trong đoàn chết và những người khác đều bị thương.
Tuy vậy, sự cố này, đã được ông kể trong cuốn sách "Kết thúc chiến tranh" vẫn không làm Holbrooke thay đổi tính cách của mình.
Người từng giúp bà Hillary Clinton xử lý các vấn đề đối ngoại liên quan tới nước Nga và Iran là Thứ trưởng Bill Burns, nguyên đại sứ Mỹ ở LB Nga. Ông này nổi tiếng là người biết nghe đối tác nói và cũng biết khéo léo thuyết phục đối tác thuận theo ý ông.
Chủ trương tiến hành một chích sách ngoại giao lặng lẽ, không ầm ĩ và khuếch trương, ông Burns khác với những người Mỹ bình thường khác, rất thạo cách làm việc với các đại gia phương Đông để lôi kéo họ theo hướng mình cần.
|
Trong những nỗ lực dàn hoà với Iran hiện nay từ phía Washington, vai trò then chốt đang thuộc về ông Hurns. Hiểu biết rất rõ nước Nga, ông Burns đã không chỉ một lần nhấn mạnh rằng, giữa Moskva và Washington có nhiều lợi ích chung hơn là những mâu thuẫn.
Có lẽ quan điểm đó chính là sự "cài đặt lại" quan hệ giữa hai bên. Trong chuyến thăm mới đây của bà Hillary Clinton sang Nga, ông Burns đã ngồi ở bên trái bà Ngoại trưởng Mỹ khi bà tiếp kiến Tổng thống Nga Dmitri Medvedev tại dinh thự ở khu Barvikh.
Ngồi cạnh ông là trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, ông Philip Gordon, người trực tiếp "quản" khu vực không gian "hậu Xô viết" với cương vị Thứ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu và Âu-Á, thay cho ông Dan Frid, nguyên đại sứ Mỹ ở Ba Lan, một nhân vật khó có thể gọi là bạn tốt của nước Nga.
Ông Gordon hiện nay đang làm chủ phòng làm việc mà trước đây không lâu, ông Frid đã ngồi, nhưng trên tường ở đây không còn những tấm áp phích in hình các con đại Ba Lan nữa.
|
Trước khi vào Bộ Ngoại giao, ông Gordon đã làm việc ở Viện Brookings, nay đã trở thành nơi cung cấp nhân sự chính cho đội ngũ đối ngoại của bà Hillary Clinton. Hiện nay Viện Brookings đang nằm dưới sự chỉ đạo của ông Strobe Talbott, một người bạn lâu năm của ông Bill Clinton và cũng từng là cố vấn cho vị Tổng thống Mỹ thứ 42 về các vấn đề liên quan tới nước Nga trong những năm 90 của thế kỷ trước.
Khác với ông Frid, người đã được cử đi xử lý các vấn đề tù nhân ở Goantanamo, Gordon không biết tiếng Nga nhưng lại nói khá thạo nhiều tiếng châu Âu khác. Ông được đánh giá là một chuyên gia điềm tĩnh, có khả năng trình bày một cách rành rẽ các quan điểm đối ngoại.
Trong các cuộc đối thoại với Moskva, ông không áp đặt những xúc cảm của một người "bị đế chế Nga chèn ép".
Trợ lý của ông về các vấn đề liên quan tới nước Nga là ông Dan Russel, cựu phó đại sứ Mỹ ở LB Nga và cự trưởng lãnh sự Mỹ tại thành phố Nga Ekateriburg. Ông Russel thông thạo tiếng Nga và thậm chí còn theo đạo chính thống cùng với vợ mình Melissa. Russel được coi là thành viên trong nhóm của ông Bill Burns mà ông từng cùng làm việc ở Moskva.
Một quan chức khác ở Bộ Ngoại giao Mỹ, cũng xuất thân từ Viện Brookings là James Steinberg, Thứ trưởng thứ nhất. Ông này trông giống như một học giả tháp ngà niềm nở. Trong thực tế, đó là một nhà quản lý rất cứng tay.
|
Theo tờ The Washtington Post, không có một tuyên bố dành cho báo chí nào của Bộ Ngoại giao Mỹ lại có thể xuất hiện ra ngoài mà thiếu lệnh của ông Steinberg: theo quan điểm của ông, đã chung một đội thì phải nói chung một giọng!
Một nhân vật rất đặc sắc trong Bộ Ngoại giao Mỹ là nữ Thứ trưởng Ellen Tauscher, phụ trách lĩnh vực giải trừ quân bị, kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế. Chính bà Tauscher tiến hành thương lượng với Nga về các vũ khí tấn công chiến lược.
Cách đây không lâu, bà Tauscher còn là hạ nghị sỹ Mỹ từ bang California. Thời trẻ, bà từng làm ở thị trường chứng khoán New York và người chồng cũ của bà hiện là Giám đốc hãng siêu thị lớn trên mạng Seyfvey.
Bà Tauscher được coi là một nhân sự đặc trưng của đảng Dân chủ. Một điều thú vị là, ngay từ khi vừa vào làm cho Nhà nước, bà Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ đã lên xe hoa với một phi công...
|
Nhân vật được coi là đại diện gần gụi nhất với nữ Ngoại trưởng Mỹ là bà Melanne Verveer, người bạn gái từ hồi học phổ thông và nguyên Chánh văn phòng của bà khi bà còn là đệ nhất phu nhân.
Hiện nay, bà Verveer là đại sứ về các vấn đề phụ nữ làm bà Hillary Clinton đặc biệt quan tâm. Bà Verveer có gốc Ucraina và biết nói tiếng Nga không tồi. Người ta đồn rằng, bà đặc biệt khó chịu mỗi khi có ai đó định lợi dụng mối quan hệ thân hữu giữa bà và bà Hillary Clinton để xin xỏ tư lợi.
Chính bà Verveer là nhân vật nòng cốt của đội ngũ mà người ta gọi là "Hillary Land" (bồ ruột của bà Hillary). Những nhà ngoại giao chuyên nghiệp không ưa những người này lắm vì coi rằng họ nhận được chức vụ trong Bộ Ngoại giao chỉ đơn giản bởi đã có công tham gia các chiến dịch vận động tranh cử của bà Hillary Clinton trước kia.
Theo An Ninh Thế Giới