Các vị cao niên từng sống thời Pháp thuộc hẳn còn nhớ mấy bài sau đây học hồi 6-7 tuổi, trong sách Quốc văn giáo thư.
Bà ru cháu
Trưa mùa hè, trời nắng chang chang, gió im phăng phắc. Trong nhà, ngoài ngõ, vắng vẻ, tĩnh mịch. Ở một chái bên, bà ôm cháu vào lòng. Hai bà cháu nằm trên võng, đưa đi đưa lại, tiếng kêu kẽo cà kẽo kẹt, theo một điệu:
Bà cất tiếng hát, bà ru:
“Cái ngủ mày ngủ cho lâu
Mẹ mày đi cấy ruộng sâu chưa về”
Cháu nghe êm tai, ra chừng thiu thiu ngủ mà bà cũng ra dáng lim dim hai con mắt:
“Ừ cái ngủ mày ngủ cho say
Mẹ mày vất vả chân tay tối ngày”.
(Lớp đồng ấu)
Yêu mến cha mẹ
Sáng nay, lúc tập viết xong, tôi lại thăm bà tôi. Bà tôi nắm lấy tay tôi, mà hỏi rằng:
- Cháu có yêu thầy mẹ cháu không?
- Cháu có yêu.
- Tại sao mà yêu?
- Cháu biết rồi, hôm nay thầy giáo mới dạy rằng:
Cha mẹ sinh ra con, nuôi cho con lớn, lại chăm cho con học, vậy kẻ làm con phải biết yêu cha mẹ.
(Lớp dự bị)
Ông tôi
Ông tôi năm nay đã ngoài 60 tuổi. Đầu râu tóc bạc, da đã nhăn, má đã lõm, lưng đã còng, đi đâu phải chống gậy.
Ông tôi không phải làm việc gì nặng nhọc nữa, thường ở nhà coi sóc cho cha mẹ tôi và dạy bảo chúng tôi. Thỉnh thoảng lại kể chuyện cổ tích cho chúng tôi nghe, chúng tôi lấy làm thích lắm. Những khi đi học về, thường thường tôi lại đem những chuyện nhà trường nói cho ông tôi nghe. Ông tôi nhân đấy giải cho tôi học được nhiều điều khác nữa.
(Lớp dự bị)
Tôi ghi lại mấy bài khóa viết cho trẻ em cách đây gần một thế kỷ, coi như những chứng cớ về một nét bản sắc dân tộc ta: vị trí cao và vai trò hữu ích của người cao tuổi trong gia đình truyền thống. Những sự việc nêu lên tuy đơn giản nhưng mang tính dĩ nhiên, miêu tả xã hội đồng thời dạy luân lý.
Vị trí và vai trò của ông bà như trên là do tính chất của nền văn hóa Việt. Hai nhà nhân học văn hóa Hofstede và E. Hall xếp các nền văn hóa thế giới làm hai loại: loại mang nặng dấu ấn cá thể (Tây Âu và Bắc Mỹ), loại được đặc trưng bởi ý thức cộng đồng (đặc biệt là châu Á).
Văn hóa Việt thuộc loại thứ hai. Sở dĩ ý thức cộng đồng người Việt mạnh là vì nhiều lý do lịch sử: tinh thần dân tộc sớm hình thành ngay trong thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên do liên minh các bộ lạc phải đoàn kết chống thiên tai (lụt) và ngoại xâm - trong hai nghìn năm, Khổng học, một thứ triết học đạo đức và chính trị, tác động như một chất keo gắn bó dân tộc để chống ngoại xâm và xây dựng quốc gia. Trong khung cảnh văn minh lúa nước, cơ sở xã hội là xóm làng, làng xã gộp lại thành quốc gia. Cơ sở xóm làng là gia tộc, gia đình.
(còn nữa)